Chỉ đưa thông tin người bán dâm là bất bình đẳng giới?
Dư luận đang xôn xao về đường dây mua bán dâm giá tới 7.000 - 25.000 USD trong đó có sự tham gia của á hậu, MC… Khi sự việc được phanh phui, người có chức năng đưa thông tin hình ảnh khá rõ về người bán dâm, còn người mua dâm giá khủng thì không?
Điều này làm nhiều người cho rằng, trong trường hợp coi đây là hành vi vi phạm luật pháp cần phải công bố nhằm giáo dục, răn đe thì phải nêu cả người mua dâm, bán dâm chứ không thể chỉ một phía.
Hơn nữa, dư luận còn cho rằng việc chỉ đưa thông tin một phía là bất bình đẳng giới. Bởi, họ là đại gia nên họ có quyền lực, họ là đàn ông nên danh tính của họ không bao giờ bị tiết lộ cả.
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới về vấn đề này bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Cộng đồng cho hay: “Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Để khách quan và không mắc phải sai lầm cần nhìn nhận vấn đề này dưới nhiều góc độ.
Trong bất kỳ hành vi nào mà có sự tham gia của nhiều người, về mặt nguyên tắc, trong hành vi đó mọi người đều bình đẳng. Phạm tội là cùng phạm tội như nhau.
Nếu nhìn ở góc độ này thì tất cả những người liên quan đến hành vi đó đều bình đẳng như nhau và đều chịu sự liên đới như nhau, từ người dẫn mối cho đến những người tham gia trực tiếp là mua dâm và bán dâm.
Khi xem xét ở góc độ này, bản thân tôi cũng cho là có sự bất bình đẳng. Bởi khi thực hiện hành vi mua bán dâm thì người mua dâm là người chủ động lựa chọn, còn người bán bị động từ nhu cầu của người mua.
Sự việc xảy ra người bị động bị bêu tên, người chủ động lại được giấu danh tính, nhìn như vậy sẽ thấy có sự bất bình đẳng giữa người mua và người bán”.
Để bình đẳng giới cần xem xét quyền lợi của những người liên quan
Nhưng nếu nhìn ở góc độ thứ 2, bác sĩ Thu Giang cho rằng cần xem xét đến quyền lợi của những người liên đới xung quanh bị ảnh hưởng bởi hành vi này.
Với người đi bán, người liên đới xung quanh (người thân) người bán dâm phần nào đã được tính đến. Nhưng người liên đới xung quanh (người thân) người mua dâm thì lại ở vị trí bị động, họ không biết câu chuyện này và họ không được tính đến.
“Tôi lấy ví dụ một người đàn ông đi mua dâm, họ có vợ, có con và người thân trong gia đình người đàn ông đi mua dâm này sẽ bị ảnh hưởng vì hành vi xấu của họ.
Nếu xét trên khía cạnh đó, những người bị liên đới có thể sẽ bị ảnh hưởng vì họ không được chuẩn bị trước về tinh thần, không được biết về mọi việc xảy ra, họ ở thế bị động và vô tình trở thành nạn nhân nếu như sự việc được xử lý không đúng.
Đó là lý do không bêu danh, không đưa hình ảnh người đi mua dâm. Không bêu danh người đi mua dâm không phải là che giấu cho họ mà là đang bảo vệ người thân của họ, vợ, con họ.
Cuộc sống của vợ, con người đàn ông đi mua dâm này sẽ như thế nào, đứa trẻ sẽ lớn lên ra sao khi tất cả mọi người đem hành vi không đúng mực của bố nó ra chỉ trích, nói xấu nó.
Làm không khéo, không cẩn thận có thể mất thế hệ sau. Bởi con cái nhìn bố mình sẽ thấy mất hình tượng về người bố, khi trẻ nhìn nhận theo hướng tiêu cực thì trẻ sẽ mất đi niềm tin đối với người thân.
Hơn nữa, bản thân vợ, con người đàn ông đi mua dâm cũng là phụ nữ, vậy nên, việc giấu danh tính người mua dâm xem xét ở khía cạnh này cũng là đảm bảo vấn đề bình đẳng giới.
Trong câu chuyện này vấn đề bình đẳng giới cần được phân tích sâu hơn nữa. Ở một góc nào đó, những người bị ảnh hưởng một cách bị động bao giờ cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Không có cái gì là đúng hoàn toàn. Sự cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích, khi mà lợi ích lớn hơn nguy cơ thì chúng ta chọn lợi ích. Khi nguy cơ cao hơn lợi ích thì chúng ta bỏ. Nhìn nhận như vậy thì sẽ thấy được việc bêu danh người mua dâm cần phải cẩn thận’ – BS Giang cho biết.
Bác sĩ Giang cũng chia sẻ, trước đó, chúng ta đã từng đặt ra và một số địa phương đã thử nghiệm việc nêu danh tính người mua dâm nhưng hậu quả dẫn đến là ảnh hưởng đến nhiều người phụ nữ khác, họ là vợ, mẹ, con gái của người đi mua dâm.
Dẫn chứng về điều này, bác sĩ Giang chỉ rõ, khi làm về vấn đề HIV, có những cô gái bán dâm bị HIV lây bệnh cho người mua dâm, bệnh được lây truyền với cấp số nhân rất nhanh. Người mua dâm bị nhiễm HIV lại có thể lây bệnh cho vợ, con họ.
Nếu như đưa danh tính người mua dâm trong trường hợp này thì những người bị nhiễm bệnh thụ động, những nạn nhân là vợ, con của người đi mua dâm lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Vậy nên, cần có những cách ứng xử phù hợp để bảo vệ những người bị ảnh hưởng bởi hành vi mua bán dâm. Điều quan trọng nhất là phải có pháp luật điều chỉnh và phải được thực thi nghiêm túc để răn đe những đối tượng vi phạm.
L.Minh/GIADINHMOIBạn đang xem bài viết Không bêu tên, đưa hình ảnh người mua dâm có phải là bất bình đẳng giới? tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].