Cả thế giới đang nói về duy nhất một điều: COVID-19.
Trước đây, những người văn minh ưu tú là phải nói về toàn cầu hóa, về thế giới phẳng, về quảng bá, du học, du lịch đến các quốc gia khác nhau, hay nói về làm giàu.
COVID-19 người ta chú ý đến cách sống an toàn và lành mạnh.
Hơn 1/4 dân số thế giới đang phải ngồi yên một chỗ. Virus đã thay đổi cách chúng ta sống hàng ngày. Từ làm việc online, học sinh được nhà trường yêu cầu nghỉ học càng nhiều càng tốt, cho đến các hoạt động như tụ tập từ 2 người trở lên nơi công cộng, những bữa tiệc, trò chơi, rạp chiếu phim đều bị cấm.
Thế vận hội Tokyo đã bị hoãn. Giải bóng đá khắp 5 châu lục dừng hẳn. Tất cả các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, hay những hình thức giải trí khác đều bị cấm tổ chức.
Ở nhà, ở nhà và ở nhà… đó mới là yêu nước!
Những quốc gia bị khóa, Việt Nam dùng từ “cách ly xã hội” cho dễ hiểu, nhiều người dân trước đó đi mua gạo, mì gói, rau và thực phẩm đông lạnh, tích trữ giấy vệ sinh dùng đủ trong 14 ngày.
Rửa tay, rửa tay và rửa tay… rửa dưới vòi nước chảy bằng xà phòng thường ít nhất 20 giây, dùng khuỷu tay để mở vòi và chào người khác thay vì bắt tay hoặc ôm hôn, các nguyên thủ quốc gia phương Tây và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã làm như vậy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ sẽ thật ngớ ngẩn khi "dùng miếng vải để bịt mồm".
Đáp lại tuyên bố của ông Donald Trump tại cuộc họp báo vào ngày 3 tháng 4, cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Biden trả lời hãng truyền thông ABC rằng, ông sẽ tuân thủ khuyến nghị đeo khẩu trang của CDC. Biden kêu gọi Tổng thống Trump hãy bịt khẩu trang lên miệng, ngay cả khi Tổng thống không thích nó, vẫn phải theo hoa học.
Đeo khẩu trang trở thành “vũ khí” chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ!
CDC Hoa Kỳ làm hẳn một video hướng dẫn gấp áo phông, dùng 2 sợi dây chun túm hai đầu, chỉ vài động tác đã có một chiếc khẩu trang vải. Sau đó, CDC viết hẳn một bài rất cầu kì, hướng dẫn người dân mua áo phông, cắt ra, rồi tự may lấy thành chiếc khẩu trang. Một chiếc áo phông cắt ra để làm một chiếc khẩu trang thật lãng phí.
Giữ khoảng cách trên 2 mét với người bên cạnh.
Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, thì khoảng cách 2m vẫn chưa đủ, mà phải giãn cách xã hội, nghĩa là hủy bỏ các hoạt động và ở nhà, đó là phương thức hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Dãn cách xã hội là một cảm giác rất lạ
Thực sự, đó là một cảm giác rất lạ. Sau 14 ngày ở nhà, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở lại văn phòng vào tối mùng 3 tháng 4. Cô ấy nói: Tôi rất khỏe, nhưng không dễ ở nhà trong 14 ngày và chỉ có thể tiếp cận với thế giới bên ngoài qua điện thoại và trên Internet.
Ở nhà với trái tim không thoải mái, hàng giờ mở Facebook và các trang báo mạng, chủ yếu đếm xem hôm nay có thêm bao nhiêu ca mắc nữa.
Trong dịch bệnh, yêu thương chăm sóc người khác, cũng bắt buộc phải thay đổi.
Một cách chúng ta yêu người, là hãy tránh xa, nhất là khi chúng ta hoặc người đó bị bệnh. Điều này có vẻ lạ, bởi nó trái ngược với lẽ thông thường, là khi người ốm nằm viện chúng ta thường kéo nhau đến thăm và tặng phong bì.
Nhưng trong dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải thay đổi, không đi thăm người ốm không có nghĩa là chúng ta đang xa lánh hay thờ ơ, mà đó là tình yêu.
Không đi thăm người ốm chính là yêu nước!
Quan tâm và bảo vệ với những người có nguy cơ cao
Còn một cách yêu khác nữa, đó là chúng ta quan tâm đến nhóm người có nguy cơ, tìm cách bảo vệ họ.
Vậy ai dễ bị mắc căn bệnh này?
Virus SARS-CoV-2 có ái tính rất mạnh với thụ thể ACE2, thụ thể này tìm thấy ở tế bào niêm mạc đường hô hấp, gan, thận và đường ruột cũng có; tất cả những người tăng thụ thể ACE2 đều có nguy cơ cao bị virus tấn công.
Đó là những người mắc bệnh mãn tính phải dùng thuốc ức chế men chuyển gồm: Bệnh nhân tiểu đường typ 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
Đó là những bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính.
Rồi những bệnh nhân bị suy gan, suy thận, suy giảm miễn dịch. Người già trên 60 tuổi sẽ thuộc nhóm nguy cơ cao.
Tất cả những nhóm người đó, chúng ta cần bảo vệ họ, thực hiện cách ly ở nhà không tiếp xúc gần với người lạ, nếu phải vào viện khám bệnh thì cần có một khu riêng biệt.
Mang lại không ít cơ hội bất ngờ
Virus bùng phát, nó làm cho cả thế giới phải hạn chế và ngừng di chuyển, các hoạt động kinh tế bị đình trệ khiến chúng ta rơi vào suy thoái và khủng hoảng, nhưng điều đó cũng mang lại cho chúng ta không ít những cơ hội bất ngờ.
Đầu tiên là vấn đề ô nhiễm môi trường, đã giảm mạnh, như nhiều ngày ở Hà Nội chất lượng không khí hiện khuôn mặt cười màu xanh, điều mà suốt cả năm 2019 chúng ta chưa bao giờ có được. Dữ liệu vệ tinh từ NASA cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí đã giảm cực ạnh trên toàn cầu.
Tiếp theo là tình trạng tai nạn giao thông đã giảm hẳn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trong năm 2019, trung bình mỗi ngày có 21 người chết vì tai nạn giao thông, 37 người bị thương nặng tàn phế suốt đời. Nhưng trong Quý I năm 2020, trung bình mỗi ngày có 17 người chết và 11 người bị thương nặng, chắc chắn Quý II sẽ giảm hơn nữa.
Số người mắc bệnh đã giảm một cách ngạc nhiên. Thăm dò bỏ túi ở một số bệnh viện không thuộc tuyến cuối, bệnh nhân giảm chỉ còn 1/3 thậm chí có viện còn khoảng 1/4 so với cùng thời điểm năm ngoái, đặc biệt bệnh lí đường hô hấp giảm rõ rệt.
Những bài học mới
Có thể nói virus đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học.
Bài học đầu tiên, virus dạy cho chúng ta biết sức khỏe là vô giá, biết sống lành mạnh và an toàn, biết yêu thương, biết sẻ chia, biết thế nào là đủ và cần dừng lại.
Bài học thứ hai, virus dạy cho chúng ta biết những gì chúng ta cần cho cuộc sống thực sự, đó là không khí trong lành để chúng ta hít thở, là nguồn nước sạch chúng ta uống, là thực phẩm an toàn chúng ta ăn, là những thứ thiết yếu cơ bản chúng ta dùng; hơn là sự phù hoa xa vời.
Bài học thứ ba, virus dạy cho chúng ta biết về sự bình đẳng, quyền con người, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, nghề nghiệp, hay tuổi tác.
Bài học thứ tư, virus dạy chúng ta hãy quay trở về với mái ấm gia đình, hãy dành thời gian chăm sóc những người mình yêu thương, sự giàu nghèo về của cải vật chất luôn chỉ là ranh giới rất mong manh, giàu nghèo về tình cảm mới là vấn đề đáng quan tâm nhất.
Đây là khoảnh khắc kì lạ nhất trong lịch sử loài người!
Bác sĩ Trần Văn Phúc
Bạn đang xem bài viết Khoảnh khắc kì lạ nhất trong lịch sử loài người: Càng yêu càng giữ khoảng cách tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].