Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Inulin là gì? 9 tác dụng của inulin đối với sức khỏe

Inulin là gì mà được nhiều người quan tâm trong chế độ dinh dưỡng? Đây là một loại chất xơ hòa tan với nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Cùng tìm hiểu các tác dụng của inulin đối với sức khỏe thông qua bài viết dưới đây nhé!

1 Inulin là gì?

Inulin là một loại chất xơ hòa tan thuộc nhóm fructan. Đây là một loại prebiotic có vai trò nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh và tăng cường sức khỏe tiêu hóa. Do cấu trúc đặc biệt, inulin không bị tiêu hóa ở ruột non mà di chuyển xuống ruột già, nơi vi khuẩn có lợi cho việc lên men và chuyển hóa nó thành các axit béo chuỗi ngắn, giúp nuôi dưỡng tế bào ruột kết và mang lại nhiều lợi ích khác.

Ngoài tác dụng cải thiện tiêu hóa và hỗ trợ điều trị táo bón, inulin còn được cho là có khả năng điều hòa chuyển hóa chất béo, kiểm soát đường huyết và có thể tác động tích cực đến tâm trạng. Nhờ tính linh hoạt và lợi ích sức khỏe vượt trội, inulin ngày càng được bổ sung vào nhiều loại thực phẩm nhằm nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa và tổng thể.

Inulin là chất xơ prebiotic được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật

Inulin là chất xơ prebiotic được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật

2 Inulin có nguồn gốc từ đâu? 

Thực phẩm giàu inulin

Inulin có trong khoảng 36.000 loài thực vật, trong đó rễ rau diếp xoăn được xem là nguồn dồi dào nhất. Các loại thực phẩm khác như tỏi tây, yến mạch, đậu nành và hoa thược dược cũng chứa một lượng inulin đáng kể. Một số thực phẩm tự nhiên giàu inulin bao gồm:

  • Rễ rau diếp xoăn: 35,7 – 47,6g inulin/100g
  • Củ cúc vu (atiso Jerusalem): 16 – 20g inulin/100g
  • Tỏi: 9 – 16g inulin/100g
  • Măng tây sống: 2 – 3g inulin/100g
  • Hành tây sống: 1,1 – 7,5g inulin/100g
  • Lúa mì: 1 – 3,8g inulin/100g
  • Lúa mạch sống: 0,5 – 1g inulin/100g

Bên cạnh nguồn tự nhiên, inulin còn được bổ sung vào nhiều sản phẩm chế biến như sữa chua, thanh protein năng lượng, ngũ cốc nhằm cải thiện kết cấu thực phẩm và tăng cường lợi ích sức khỏe. Trên nhãn thành phần, inulin có thể xuất hiện dưới các tên gọi như chiết xuất rễ rau diếp xoăn, oligosaccharide hoặc oligofructose. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang xem xét và công nhận inulin là một loại chất xơ có lợi cho sức khỏe khi được bổ sung vào thực phẩm chế biến.

Rễ rau diếp xoăn là nguồn inulin dồi dào nhất

Rễ rau diếp xoăn là nguồn inulin dồi dào nhất

Bổ sung inulin thông qua thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Ngoài nguồn thực phẩm tự nhiên, inulin còn được bổ sung bằng các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe dưới dạng bột, viên nhai và viên nang. Mỗi khẩu phần inulin bổ sung thường cung cấp khoảng 2 – 3g chất xơ, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Khi lựa chọn thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa inulin, người tiêu dùng nên kiểm tra nhãn sản phẩm để tránh các thành phần có thể gây dị ứng.

Bột inulin có thể được chiết xuất từ cây thùa (agave), củ cúc vu hoặc rễ rau diếp xoăn. Loại bột này có thể pha vào thực phẩm và đồ uống để tăng cường chất xơ. Ngoài ra, inulin còn là thành phần phổ biến trong các sản phẩm như:

  • Thanh protein, thanh ngũ cốc.
  • Sữa chua và các sản phẩm từ sữa.
  • Đồ uống.
  • Bánh nướng và món tráng miệng.

Các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa inulin phổ biến gồm:

  • Inulin từ rau diếp xoăn: Chiết xuất trực tiếp từ rễ rau diếp xoăn.
  • Inulin hiệu suất cao (HP inulin): Được tinh chế bằng cách loại bỏ các phân tử ngắn hơn.
  • Fructooligosaccharides (FOS) hoặc oligofructose: Chất xơ có liên quan mật thiết đến inulin.

Bạn có thể bổ sung inulin bằng các sản phẩm giàu inulin hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Bạn có thể bổ sung inulin bằng các sản phẩm giàu inulin hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe

3 Các tác dụng của inulin đối với sức khỏe

Giúp giảm cân

Nhiều nghiên cứu cho thấy inulin có thể hỗ trợ giảm cân. Inulin giúp kiểm soát cơn đói nhờ khả năng hòa tan trong ruột và tạo thành gel, làm chậm quá trình tiêu hóa, kéo dài cảm giác no và giảm tần suất ăn. Ngoài ra, inulin còn hỗ trợ tiêu hóa, giúp làm mềm phân, giảm táo bón và hạn chế hấp thu cholesterol.

Trong một nghiên cứu, những người bị tiền tiểu đường được chia thành hai nhóm: một nhóm dùng inulin, nhóm còn lại dùng cellulose (một loại chất xơ khác) trong 18 tuần. Kết quả cho thấy nhóm dùng inulin giảm cân đáng kể hơn từ tuần thứ 9 đến tuần thứ 18. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên trẻ em thừa cân hoặc béo phì chưa cho thấy inulin có tác dụng rõ rệt trong việc giảm lượng calo tiêu thụ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra inulin có khả năng hỗ trợ giảm cân

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra inulin có khả năng hỗ trợ giảm cân

Giảm táo bón

Inulin có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón ở nhiều người. Một phân tích cho thấy những người sử dụng inulin có số lần đi tiêu thường xuyên hơn và phân mềm hơn.

Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tuần, những người lớn tuổi tiêu thụ 15g inulin mỗi ngày đã giảm đáng kể tình trạng táo bón và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Nhờ khả năng hòa tan trong ruột và tạo thành gel, inulin giúp tăng khối lượng phân, làm mềm phân và kích thích nhu động ruột giúp việc đi tiêu dễ dàng hơn.

Cải thiện hệ vi sinh đường ruột

Inulin là nguồn dinh dưỡng hỗ trợ các vi khuẩn có lợi như Bifidobacterium phát triển trong đường ruột, từ đó giúp cân bằng hệ vi sinh và ức chế vi khuẩn có hại. Một nghiên cứu vào năm 2019 trên 26 người trưởng thành khỏe mạnh tiêu thụ 15g inulin mỗi ngày, kết quả ghi nhận sự gia tăng Bifidobacterium, giảm ClostridialesOxalobacteraceae.

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy việc bổ sung inulin làm tăng số lượng Bifidobacterium cùng với các vi khuẩn có lợi khác như Anaerostipes, FaecalibacteriumLactobacillus, đồng thời giảm số lượng vi khuẩn có hại như vi khuẩn Bacteroides. Điều này giúp ngăn chặn vi khuẩn có hại, giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi giúp xương chắc khỏe hơn.

Sử dụng inulin làm tăng số lượng các lợi khuẩn như Bifidobacterium và giảm lượng vi khuẩn có hại

Sử dụng inulin làm tăng số lượng các lợi khuẩn như Bifidobacterium và giảm lượng vi khuẩn có hại

Kiểm soát lượng đường trong máu

Nhiều nghiên cứu cho thấy inulin có thể giúp kiểm soát đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và tiền tiểu đường. Đặc biệt là inulin hiệu suất cao (HP inulin) mang lại lợi ích đáng kể. Một nghiên cứu cho thấy HP inulin giúp giảm mỡ trong gan ở người tiền tiểu đường, một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện độ nhạy insulin và có thể hỗ trợ đảo ngược tiểu đường tuýp 2.

Một bài báo tổng quan và phân tích tổng hợp năm 2019 từ 25 thử nghiệm lâm sàng cho thấy các carbohydrate thuộc nhóm inulin (ITCs) giúp cải thiện đáng kể kiểm soát đường huyết và tình trạng kháng insulin - tình trạng cơ thể không phản ứng hiệu quả với insulin, góp phần gây ra béo phì và tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2021 trên 24 người tiền tiểu đường không ghi nhận cải thiện độ nhạy insulin khi trọng lượng và thành phần cơ thể ổn định.

Inulin còn có khả năng làm chậm quá trình tiêu hóa, bao gồm cả quá trình phân hủy carbohydrate. Nhờ đó, đường từ thức ăn được hấp thụ từ từ, tránh tình trạng tăng đột biến đường huyết sau bữa ăn. Ngoài ra, cơ chế này cũng giúp inulin đóng vai trò như một chất ổn định đường huyết, khi được sử dụng đều đặn trong chế độ ăn uống. Nhờ đặc tính này, inulin còn được xem là một yếu tố hỗ trợ tiềm năng trong quản lý cân nặng, góp phần kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn.

Nâng cao sức khỏe tim mạch

Inulin được chứng minh là có khả năng cải thiện các chỉ số lipid, giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu và xơ vữa động mạch. Các fructan thuộc nhóm inulin (ITF) có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nồng độ cholesterol xấu (LDL), triglycerid và kiểm soát cân nặng.

Nghiên cứu của Letexier và cộng sự (2003) cho thấy bổ sung 10g HP inulin mỗi ngày giúp giảm tổng hợp lipid và triglycerid huyết tương, góp phần giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.

Inulin giúp giảm các lipid xấu, hỗ trợ ngăn ngừa xơ vữa động mạch

Inulin giúp giảm các lipid xấu, hỗ trợ ngăn ngừa xơ vữa động mạch

Giảm nguy cơ ung thư ruột kết

Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ một số prebiotic bao gồm inulin có mối tương quan nghịch với nguy cơ ung thư ruột kết. Điều này gợi ý rằng bổ sung inulin có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư này và thậm chí đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa.

Nghiên cứu của Fernández và cộng sự chỉ ra rằng inulin có thể làm giảm số lượng polyp đại tràng, một yếu tố nguy cơ quan trọng trong ung thư ruột kết. Cơ chế này có thể liên quan đến điều hòa enzym histone deacetylase (HDACs) giúp kiểm soát sự tăng sinh tế bào bất thường. Thêm vào đó, inulin được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ruột kết MC38 nhờ vào sự kích hoạt tế bào Th1, giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư.

Bổ sung inulin có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư ruột kết

Bổ sung inulin có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư ruột kết

Cải thiện sự hấp thụ canxi và magie

Nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy inulin giúp cải thiện sự hấp thụ canxi và magie, từ đó hỗ trợ tăng mật độ khoáng xương. Theo đánh giá của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), bằng chứng khoa học ủng hộ rằng fructan dạng inulin giúp tăng mật độ khoáng xương và tăng khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Các nghiên cứu được thực hiện đã chỉ ra một số cơ chế của inulin giúp tăng cường hấp thụ canxi và magie, bao gồm:

  • Giảm pH đại tràng: Inulin lên men trong ruột kết tạo ra các axit béo chuỗi ngắn làm giảm pH môi trường, giúp tăng khả năng hòa tan và hấp thụ canxi.
  • Điều hòa vận chuyển canxi qua ruột: Inulin có thể kích thích protein calbindin D9K, một yếu tố quan trọng giúp vận chuyển canxi qua niêm mạc ruột.
  • Tăng cường hấp thụ qua hệ vi sinh đường ruột: Inulin có khả năng tác động đến hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ quá trình hấp thụ khoáng chất diễn ra hiệu quả hơn.

Việc bổ sung inulin trong chế độ ăn có thể hỗ trợ hấp thụ canxi và magie tốt hơn, từ đó giúp duy trì mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương. Các bằng chứng hiện tại cho thấy tiềm năng của inulin trong tăng cường sức khỏe xương cho cả thanh thiếu niên và người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.

Bổ sung inulin trong bữa ăn giúp tăng khả năng hấp thu canxi và magie

Bổ sung inulin trong bữa ăn giúp tăng khả năng hấp thu canxi và magie

Cải thiện triệu chứng trầm cảm

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột không chỉ ảnh hưởng đến tiêu hóa mà còn có tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần. Sự mất cân bằng của hệ vi sinh có thể liên quan đến tình trạng viêm nhiễm và rối loạn sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, góp phần vào sự phát triển của trầm cảm. Trong đó, inulin được chứng minh có thể hỗ trợ cải thiện tâm trạng bằng cách nuôi dưỡng hệ vi sinh vật có lợi.

Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy inulin có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của trầm cảm và thậm chí giúp ngăn ngừa tình trạng này. Điều này có thể liên quan đến việc inulin giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và ảnh hưởng tích cực đến trục não - ruột.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng năm 2021 cho thấy bổ sung inulin giúp cải thiện tâm trạng ở những người béo phì có vi khuẩn Coprococcus trong ruột. Vi khuẩn này có vai trò quan trọng trong việc sản xuất serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh cảm xúc và duy trì tinh thần tích cực.

Inulin nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi giúp cải thiện triệu chứng của trầm cảm

Inulin nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi giúp cải thiện triệu chứng của trầm cảm

Tốt cho bệnh viêm ruột

Bệnh viêm ruột (IBD) bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, là tình trạng viêm mạn tính của đường tiêu hóa có liên quan đến sự rối loạn hệ miễn dịch và mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nghiên cứu cho thấy prebiotic như inulin có thể giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột, củng cố hàng rào niêm mạc ruột và giảm viêm, từ đó hỗ trợ làm giảm triệu chứng của bệnh viêm ruột. Một số nghiên cứu nhỏ trên người đã ghi nhận sự cải thiện triệu chứng viêm loét đại tràng và giảm các dấu ấn viêm trong bệnh Crohn khi bổ sung inulin.

Bên cạnh đó inulin cũng cho thấy tác động tích cực đối với chức năng ruột nói chung. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng inulin có thể cải thiện tình trạng táo bón mạn tính - một triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân bị viêm ruột. Nhờ khả năng tác động lên hệ vi sinh và môi trường đường ruột, inulin có tiềm năng trở thành một phương pháp hỗ trợ cho bệnh nhân viêm ruột.

Inulin giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm triệu chứng của bệnh viêm ruột

Inulin giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm triệu chứng của bệnh viêm ruột

4 Cách sử dụng inulin hợp lý và an toàn

Bổ sung inulin một cách từ từ

Inulin là một loại prebiotic mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng việc bổ sung không đúng cách có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. Để tận dụng tối đa lợi ích của inulin mà không gặp tác dụng phụ, bạn nên bắt đầu với liều lượng thấp và tăng dần theo thời gian. Trong các nghiên cứu, liều lượng inulin thường dao động từ 10 – 30g/ngày, nhưng bạn cần tăng liều một cách từ từ để tránh tác dụng phụ.

Nếu chọn bổ sung inulin từ thực phẩm tự nhiên, bạn nên bắt đầu bằng cách thêm một lượng nhỏ thực phẩm giàu inulin vào chế độ ăn, chẳng hạn như hành tây, tỏi, chuối, lúa mì nguyên cám, atiso,... Việc duy trì tần suất bổ sung giúp cơ thể làm quen với inulin một cách tự nhiên. Đối với các thực phẩm bổ sung inulin, khi mới bắt đầu bạn nên dùng 2 – 3g inulin/ngày trong ít nhất 1 – 2 tuần đầu tiên. Sau đó, bạn có thể tăng dần lên 5 – 10g/ngày tùy theo khả năng dung nạp của cơ thể.

Bạn nên bổ sung inulin từ từ và tăng dần liều tùy theo khả năng dung nạp của cơ thể

Bạn nên bổ sung inulin từ từ và tăng dần liều tùy theo khả năng dung nạp của cơ thể

Có thể dùng tối đa bao nhiêu gam inulin mỗi ngày?

Giống như bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác, việc tiêu thụ inulin quá mức có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy việc xác định liều lượng tối đa của inulin mỗi ngày là điều quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, lượng chất xơ khuyến nghị dao động từ 25 – 36g/ngày, tương đương khoảng 14g/1000 calo tiêu thụ. Trong đó, liều lượng inulin mang lại lợi ích sức khỏe là 5g/ngày và liều tối đa được khuyến nghị là 15 – 20g/ngày. FDA đã phân loại inulin thuộc GRAS - được công nhận là an toàn, tuy nhiên việc tiêu thụ inulin trên 40g/ngày có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. 

Nhìn chung, inulin là một thành phần an toàn khi sử dụng với liều lượng hợp lý. Để tránh các tác dụng không mong muốn, người dùng nên bắt đầu với liều thấp, tăng dần và không vượt quá 20g/ngày trừ khi có hướng dẫn cụ thể từ chuyên gia y tế.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị dùng tối đa 15 - 20g inulin/ngày

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị dùng tối đa 15 - 20g inulin/ngày

5 Lưu ý khi sử dụng inulin

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng

Mặc dù inulin được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người, một số trường hợp đặc biệt cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt khi bổ sung từ thực phẩm chức năng. Việc này giúp đảm bảo an toàn và hạn chế các tác dụng không mong muốn, đặc biệt đối với những người có cơ địa nhạy cảm hoặc mắc bệnh lý nền.

Những đối tượng nên tham khảo bác sĩ trước khi dùng inulin:

  • Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Bất kỳ sản phẩm bổ sung nào cũng có thể ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc em bé.
  • Người đang sử dụng thuốc điều trị: Do inulin có thể tác động đến sự hấp thụ hoặc hiệu quả của một số loại thuốc.
  • Người có tiền sử dị ứng, đặc biệt với inulin, thảo dược, thực phẩm chứa inulin hoặc các chất phụ gia khác.
  • Người mắc bệnh lý mạn tính như viêm ruột hoặc rối loạn tiêu hóa cần cân nhắc kỹ về liều lượng phù hợp.
  • Người có vấn đề về gan: Một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ inulin ở liều cao (30g/ngày) có thể liên quan đến tình trạng viêm gan.

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng inulin để đảm bảo an toàn và hiệu quả

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng inulin để đảm bảo an toàn và hiệu quả

Tác dụng phụ

Inulin là một dạng chất xơ hòa tan có nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa, nhưng không phải ai cũng dung nạp tốt. Khi tiêu thụ ở liều lượng nhỏ, inulin thường an toàn nhưng liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm đầy hơi, chướng bụng, tăng sinh khí, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.

Các nghiên cứu cho thấy oligofructose – một dạng liên quan đến inulin – có thể gây đầy hơi đáng kể khi dùng 10g/ngày, trong khi một số người cũng báo cáo khó chịu bụng khi tiêu thụ inulin từ rễ rau diếp xoăn ở mức 7,8g/ngày.

Ngoài ra, những người bị dị ứng với phấn hoa, đặc biệt là cỏ phấn hương hoặc các loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae) như hoa hướng dương và ngải cứu có thể gặp phản ứng dị ứng chéo khi sử dụng inulin từ rễ rau diếp xoăn. Điều này có thể dẫn đến hội chứng dị ứng ở miệng (OAS) gây ngứa, sưng môi, miệng hoặc họng.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, inulin còn có thể gây ra phản ứng phản vệ – một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng với các triệu chứng như khó thở, sưng cổ họng và phát ban nghiêm trọng. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn cần đi cấp cứu ngay lập tức.

Rối loạn tiêu hóa và dị ứng là hai tác dụng phụ phổ biến khi dùng inulin

Rối loạn tiêu hóa và dị ứng là hai tác dụng phụ phổ biến khi dùng inulin

Tương tác thuốc

Một số nghiên cứu cho thấy inulin có khả năng làm giảm đường huyết, vì vậy khi kết hợp với thuốc hạ đường huyết như insulin hoặc các thuốc điều trị tiểu đường đường uống (metformin, sulfonylurea...), tác dụng này có thể tăng cường, dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết quá mức. Nếu đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường, người bệnh nên theo dõi sát sao đường huyết khi bổ sung inulin và tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.

Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm chóng mặt, mệt mỏi, đổ mồ hôi, run rẩy và tim đập nhanh. Trong trường hợp gặp các dấu hiệu này, bạn cần xử lý kịp thời bằng cách bổ sung đường nhanh, chẳng hạn như nước đường.

Bạn cần lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng đồng thời inulin với thuốc làm hạ đường huyết

Bạn cần lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng đồng thời inulin với thuốc làm hạ đường huyết

Ai không nên sử dụng inulin?

Inulin mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng phù hợp để sử dụng. Một số người có thể gặp tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe hiện có. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ trước khi bổ sung inulin vào chế độ ăn. Dưới đây là những đối tượng không nên sử dụng inulin:

  • Người không dung nạp FODMAPs (Fermentable Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides, and Polyols – nhóm carbohydrate chuỗi ngắn khó hấp thụ trong ruột non): Inulin là một loại carbohydrate chuỗi ngắn, có thể gây đầy hơi, chướng bụng và rối loạn tiêu hóa ở những người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
  • Người dị ứng phấn hoa hoặc thực vật thuộc họ Cúc: Những người dị ứng với cỏ phấn hương, hoa cúc, cúc vạn thọ có thể phản ứng tiêu cực với inulin chiết xuất từ rễ rau diếp xoăn.
  • Người có tiền sử dị ứng thực phẩm nghiêm trọng: Dù hiếm gặp, một số người có thể bị sốc phản vệ khi tiếp xúc với inulin, gây triệu chứng như phát ban, sưng, khó thở.
  • Người mắc bệnh viêm ruột: Inulin có thể làm tăng số lượng vi khuẩn đường ruột và gây viêm nặng hơn ở bệnh nhân viêm loét đại tràng hoặc Crohn.
  • Người đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường: Inulin có thể làm giảm đường huyết, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết khi dùng cùng thuốc tiểu đường.

Nếu thuộc một trong các nhóm trên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng inulin để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Bạn cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng inulin

Bạn cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng inulin

Xem thêm:

  • Tinh bột kháng là gì? 7 tác dụng của tinh bột kháng với sức khỏe
  • Chất xơ là gì, có mấy loại? Vai trò của chất xơ đối với cơ thể

Bổ sung inulin vào chế độ ăn hàng ngày giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe đường ruột và kiểm soát đường huyết hiệu quả. Bạn hãy chia sẻ bài viết tới mọi người nếu thấy hữu ích nhé!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính