Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

ICU là gì? Những đối tượng bệnh nhân nào phải nằm ở phòng ICU?

Người bệnh nếu đang trong tình trạng nguy hiểm sẽ được chăm sóc ở khoa hồi sức tích cực (ICU). Cùng tìm hiểu ICU là gì cũng như những lưu ý khi có người thân nằm trong phòng này qua bài viết dưới đây nhé!

1 ICU là gì?

ICU là một khoa của bệnh viện có chức năng chăm sóc những người bệnh nặng cần phải theo dõi đặc biệt. Trong phòng ICU, người bệnh được theo dõi chặt chẽ 24h mỗi ngày. Phòng ICU thường có những  điểm khác các khoa điều trị khác như:

  • Mỗi giường có nhiều trang thiết bị để phục vụ cho quá trình theo dõi và điều trị.
  • Có ít giường trong 1 phòng hơn.
  • Điều dưỡng sẽ chăm sóc ít người bệnh hơn.

ICU là phòng theo dõi và chăm sóc những người bệnh nặng

ICU là phòng theo dõi và chăm sóc những người bệnh nặng

2 Đối tượng bệnh nhân nằm ở phòng ICU

Bệnh nhân nằm trong phòng ICU thường gặp một trong số những vấn đề nghiêm trọng như:

  • Chấn thương nặng: tai nạn giao thông nghiêm trọng, tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng, bỏng nặng,...
  • Tình trạng bệnh cấp tính nghiêm trọng: viêm phổi nặng, suy gan nặng, suy thận nặng, hen phế quản ác tính, suy giảm chức năng nhiều cơ quan, nhiễm trùng huyết, nhồi máu cơ tim,...
  • Tổn thương các cơ quan: xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, viêm tụy cấp, viêm gan siêu vi tối cấp, xuất huyết não, nhồi máu não,...
  • Rối loạn chuyển hóa: hôn mê do đái tháo đường, suy tuyến thượng thận,...
  • Sau cuộc đại phẫu, người bệnh cần theo dõi và chăm sóc đặc biệt.
  • Ngộ độc hóa chất, ngộ độc thuốc trừ sâu, ngộ độc thuốc,...

Người bị suy thận cấp nghiêm trọng có thể phải nằm ICU

Người bị suy thận cấp nghiêm trọng có thể phải nằm ICU

3 Phòng ICU

Phòng ICU là khu vực giúp duy trì sự sống cơ bản của người bệnh. Các thiết bị cơ bản của phòng ICU có thể kể đến là:

  • Máy thở giúp hỗ trợ hô hấp cho người bệnh. Một số trường hợp máy thở giúp người bệnh duy trì tần số hít thở.
  • Thiết bị theo dõi giúp đo các chỉ số sinh tồn cơ bản của người bệnh như huyết áp, nhịp tim, mức độ bão hòa oxy,...
  • Đường truyền tĩnh mạch là những đường truyền giúp đưa thuốc, dinh dưỡng, chất lỏng vào cơ thể.
  • Ống dẫn lưu là ống dùng để dẫn lưu dịch hoặc nước tiểu.

Phòng ICU phải có đầy đủ trang thiết bị duy trì chức năng sống của người bệnh

Phòng ICU phải có đầy đủ trang thiết bị duy trì chức năng sống của người bệnh

4 Một số đơn vị chăm sóc ICU tại bệnh viện

Tùy vào từng đối tượng cũng như cơ sở vật chất của bệnh viện, có một số phòng ICU được phân loại để dễ dàng theo dõi bệnh nhân hơn. Cụ thể là:

  • ICU sơ sinh (NICU): chăm sóc cho trẻ sơ sinh gặp những vấn đề nghiêm trọng.
  • Nhi khoa (PICU): theo dõi và chăm sóc trẻ em.
  • ICU tim (CCU): chăm sóc những người bệnh xuất hiện vấn đề nghiêm trọng về tim mạch.
  • ICU thần kinh: nơi điều trị những người bệnh có những vấn đề nguy hiểm về thần kinh.
  • ICU phẫu thuật (SICU): phòng theo dõi bệnh nhân đang hồi phục sau phẫu thuật lớn.

Trẻ bị suy hô hấp sơ sinh có thể là đối tượng của NICU

Trẻ bị suy hô hấp sơ sinh có thể là đối tượng của NICU

5 Tại sao bệnh nhân phải nằm phòng ICU?

Bệnh nhân phải nằm phòng ICU do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số tiêu chí khiến bác sĩ phải chuyển vào phòng ICU có thể kể đến là:

  • Cần hỗ trợ hô hấp: người bệnh không thể tự thở cần phải can thiệp hỗ trợ thông khí bằng máy thở mới có thể duy trì sự sống.
  • Hôn mê: tình trạng người bệnh không phản ứng với kích thích hoặc phản ứng chậm với kích thích, cần được theo dõi và xử trí những vấn đề nghiêm trọng như tăng áp lực nội sọ, chấn thương sọ não nghiêm trọng.
  • Điều trị đặc biệt: theo dõi khi người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc tăng hoặc giảm nhịp tim.
  • Dấu hiệu sinh tồn không ổn định: các chỉ số bao gồm mạch, nhịp thở, huyết áp và nhiệt độ không được đảm bảo do một số cơ quan bị suy giảm nghiêm trọng chức năng.

Bệnh nhân hôn mê phải nằm trong phòng ICU

Bệnh nhân hôn mê phải nằm trong phòng ICU

6 Những lưu ý khi người bệnh nằm tại ICU

Phòng ICU là một phòng hỗ trợ những người đang trong tình trạng nguy kịch. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, hệ thống trang thiết bị và nhân viên y tế cần phải đảm bảo những đặc điểm như:

  • Sử dụng áp lực âm, tách biệt giường bệnh tạo không gian rộng và áp lực âm để tránh nhiễm trùng giữa các người bệnh với nhau.
  • Trang thiết bị y tế hiện đại, khử trùng đúng cách, trang thiết bị cần phải đảm bảo để hỗ trợ chức năng sống cho người bệnh cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm.
  • Đội ngũ chuyên gia y tế có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.
  • Người bệnh có thể được nuôi ăn qua đường miệng hoặc qua ống sonde với chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
  • Đội ngũ nhân viên y tế phải thường xuyên túc trực chăm sóc, vệ sinh cho người bệnh để phòng tránh các trường hợp nhiễm khuẩn xảy ra.

Phòng ICU phải có những thiết bị và đội ngũ y khoa dày dặn kinh nghiệm

Phòng ICU phải có những thiết bị và đội ngũ y khoa dày dặn kinh nghiệm

Xem thêm:

  • Suy thận mạn là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa
  • Sốc phản vệ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
  • Dị ứng thuốc: Cách nhận biết các dấu hiệu và xử trí

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn kiến thức về ICU (hồi sức tích cực). Nếu thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ bài viết này cho người thân và bạn bè nhé!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính