Nền nông nghiệp nước ta đang phát triển mạnh mẽ, điều này đồng nghĩa với việc tỉ lệ sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật cao. Bởi thế, mọi nhà cần nên biết cách thức sơ cứu ngộ độc hóa chất thực vật để kịp thời cấp cứu kịp thời cho các trường hợp bị ngộ độc.
1 Hóa chất bảo vệ thực vật là gì?
Hóa chất bảo vệ thực vật là hỗn hợp các chất hoặc đơn chất được dùng với mục đích phòng ngừa, khống chế và diệt trừ bất kỳ sâu bọ hay vật trung gian truyền bệnh nào kể cả nấm.
Ngoài ra, hóa chất này còn dùng để điều hoà sinh trưởng, làm rụng lá, làm khô, giúp sai quả, phòng rụng quả và trong cả bảo quản thực vật .
Hóa chất bảo vệ thực vật được chia thành các nhóm như sau:
- Thuốc trừ sâu, trừ nhện và côn trùng gây hại như muỗi, ruồi, ve, bọ chét.
- Thuốc diệt nấm, trừ bệnh, trừ vi sinh vật gây hại.
- Thuốc diệt cỏ, làm rụng lá, kích thích sinh trưởng.
- Diệt chuột và các loài gặm nhấm.
Thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất từ 3 nguồn chính sau:
- Hoá chất bảo vệ thực vật hữu cơ ví dụ như nhóm có cấu trúc chlor hữu cơ, phospho hữu cơ, carbamate, nereistoxin…
- Hoá chất bảo vệ thực vật vô cơ bao gồm các hợp chất của arsenic, đồng, lưu huỳnh…
- Hoá chất bảo vệ thực vật có nguồn gốc thực vật như là các alcaloid, nicotin, pyrethroid, anabazin.
Hóa chất bảo vệ thực vật giúp phòng ngừa, diệt trừ vật trung gian truyền bệnh
2 Nguyên nhân gây ngộ độc hóa chất thực vật:
Ngộ độc hóa chất thực vật thường xảy ra dưới các tình huống vô ý, cố ý:
Những vấn đề tâm lý
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân thường đối mặt với những uẩn khúc về mặt tâm lý.
Người bị bệnh trầm cảm thường chọn sử dụng thuốc trừ sâu để tự tử
Tai nạn
Người bị ngộ độc còn có thể do ăn phải các loại rau, hoa quả có tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật lớn. Hoặc nguồn nước sử dụng bị nhiễm các loại hóa chất này.
Bên cạnh đó, trẻ em bị ngộ độc có thể xảy ra do sự vô ý của người lớn: tẩm thuốc diệt chuột vào lạc rang, kẹo, khoai, bỏng ngô không để xa tầm tiếp xúc của trẻ em .
Hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan gây ô nhiễm nguồn nước
3 Dấu hiệu ngộ độc hóa chất thực vật
Khi nạn nhân ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật thường sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Tiêu hóa: nạn nhân có thể buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đi cầu ra máu tươi.
- Thần kinh: nếu bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu tổn thương ở thần kinh như lơ mơ, hôn mê thì có thể bệnh nhân đã bị ngộ độc nặng.
- Co giật là tình trạng xảy ra khi bệnh nhân ngộ độc cấp thuốc trừ sâu hữu cơ có clo, thuốc diệt chuột, thuốc diệt cỏ.
- Liệt cơ là do nạn nhân sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật hữu có có chứa phốt pho, clo, nereistoxin, pyrethroid. Ngoài ra, hóa chất này còn làm liệt cơ hô hấp dẫn đến các biểu hiện như khó thở, thở nhanh kèm theo niêm da xanh tím do thiếu oxy.
- Hô hấp: một trong những lý do gây tử vong tức thì là suy hô hấp, cụ thể là do hội chứng muscarin bao gồm tăng tiết dịch, co thắt phế quản gây suy hô hấp thường xuất hiện ở nạn nhân ngộ độc thuốc trừ sâu phốt pho hữu cơ và thuốc trừ sâu carbamate. Nạn nhân thường bị khó thở, thở khò khè hoặc thở rít, thở nhanh nông hoặc ngược lại thở chậm, rời rạc; da xanh tím, vã mồ hôi, co kéo các cơ hô hấp, thấy rõ hõm trên xương ức.
- Tuần hoàn: tác động của chất độc có thể biểu hiện thông qua việc mạch nhanh, tụt huyết áp quá mức hay mạch chậm. Một số nhóm thuốc như thuốc diệt chuột nhóm fluoroacetamid và fluoroacetat có thể gây ngừng tim, co giật.
- Tiết niệu: màu nước tiểu chuyển dần từ đỏ thành đen (thẫm màu) hoặc sử dụng nhóm hóa chất bảo vệ thực vật này có thể gây tiêu cơ vân dẫn đến thiểu niệu hoặc suy thận vô niệu.
- Hội chứng cường cholinergic: các triệu chứng trên lâm sàng của ngộ độc cấp cụ thể như nôn mửa, khó thở, tức ngực, da tái lạnh, vã mồ hôi, run toàn thân hoặc co giật.
Hóa chất bảo vệ thực vật có thể gây ra các triệu chứng như nôn mửa
4 Hướng dẫn sơ cứu ngộ độc hóa chất thực vật
Để hạn chế tối đa các ảnh hưởng lên sức khỏe người bị ngộ độc, chúng ta cần phải tiến hành sơ cứu kịp thời để bảo vệ các chức năng sống của cơ thể:
Sơ cứu chung
Hãy di chuyển bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc, không tiếp xúc với hóa chất và đảm bảo rằng bệnh nhân thở được bằng thực hiện các phương pháp hỗ trợ hô hấp như thở oxy, hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân không thở, không nôn .
Trong quá trình sơ cứu, hãy chắc chắn rằng bạn được bảo vệ cẩn thận, tránh khỏi nguồn gây ngộ độc. Hãy liên hệ ngay với 115.
Thở oxy là một trong các cách sơ cứu bệnh nhân nhiễm độc
Sơ cứu ngộ độc hóa chất thực vật trên da
Trong trường hợp nạn nhân bị ngộ độc trên da, mục tiêu quan trọng và cần được tiến hành đó chính là pha loãng thuốc và ngăn chặn sự hấp thụ.
Hãy làm ướt vùng phơi nhiễm và cởi bỏ quần áo bị nhiễm độc. Rửa sạch chất độc bám trên da bằng xà phòng và nước .
Cởi bỏ quần áo ngăn chặn sự hấp thụ chất độc của cơ thể
Sơ cứu ngộ độc hóa chất thực vật vào mắt
Bạn nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước sạch nhanh chóng, nhẹ nhàng trong ít nhất 15 phút nếu bạn nhiễm độc ở mắt .
Rửa bằng nước sạch nhanh chóng khi mắt bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật
Sơ cứu người hít phải hóa chất thực vật
Nếu nạn nhân ngộ độc thông qua đường hô hấp, hãy đưa ngay bệnh nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc, đặt bệnh nhân ở vị trí thông thoáng.
Tiến hành thông khí giúp nạn nhân nhiễm chất độc bằng đường hô hấp
Sơ cứu người uống nhầm hóa chất thực vật
Tùy vào dạng hóa chất gây nên ngộ độc ở nạn nhân mà phương pháp sơ cứu sẽ khác nhau. Có thể tiến hành làm nôn bằng tăm bông hoặc tay ngoáy họng, rửa dạ dày hoặc cho uống thuốc xổ muối.
Gây nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể
5 Lưu ý khi sơ cứu ngộ độc hóa chất thực vật
Để góp phần nâng cao tỉ lệ sống cho nạn nhân bị ngộ độc, hãy lưu ý các điều dưới đây:
- Cung cấp kịp thời cho bác sĩ thông tin về loại hóa chất bao gồm các bao bì để bác sĩ tiến hành điều trị đặc hiệu kịp thời. Điều này rất quan trọng.
- Không tiến gây nôn khi trạng thái của bệnh nhân là bất tỉnh hoặc bị co giật.
- Đảm bảo đường thở của nạn nhân luôn thông thoáng bằng cách kê cao đầu, đầu hơi nghiêng sang một bên.
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Đảm bảo đường thở bệnh nhân luôn thông thoáng trong quá trình sơ cứu
6 Phòng ngừa ngộ độc hóa chất thực vật
Để hạn chế tối đa những tình huống không may, mọi người có thể:
- Tuân thủ an toàn lao động khi sử dụng thuốc trừ sâu bằng cách đeo khẩu trang, bao tay, đứng phun thuốc theo cùng chiều gió, không đứng cuối ngọn gió.
- Tuân thủ các quy định khi cất giữ, vận chuyển, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.
- Vứt bỏ thuốc trừ sâu đúng nơi quy định tránh gây ô nhiễm môi trường.
- Phải đảm bảo đủ thời gian cách ly rau củ quả để hóa chất bảo vệ thực vật còn không đáng kể trước khi sử dụng.
- Không lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật .
Đeo trang phục bảo hộ khi sử dụng thuốc trừ sâu
Xem thêm
- Ngộ độc rượu bia - Triệu chứng, cách phòng ngừa và lưu ý khi ngộ độc
- Tránh ngộ độc thức ăn dịp Đại lễ ngày nắng nóng
- Ngộ độc botulinum là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Hy vọng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn xử trí khi xảy ra các tình huống ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật. Nếu thông tin trên bổ ích, hãy chia sẻ đến người thân và bạn bè nhé!
Bạn đang xem bài viết Hướng dẫn cách sơ cứu người bị ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].