Vitamin K1 là một vitamin có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, chuyển hóa xương và điều chỉnh nồng độ canxi trong máu. Hãy cùng tìm hiểu liều và cách dùng vitamin K1 an toàn qua bài viết dưới đây nhé!
1 Vitamin K1 là gì?
Vitamin K1 là loại vitamin tan trong dầu được tình cờ phát hiện vào những năm 1930, đảm nhận vai trò quan trọng trong việc hoạt hóa các yếu tố đông máu ở gan.
Vitamin K1 (phylloquinone) được tạo ra tự nhiên trong các loại thực phẩm thực vật, chiếm khoảng 75 - 90% tổng lượng vitamin K mà cơ thể cần tiêu thụ và góp phần vào các chức năng sinh học của vitamin K.
Một trong những thực phẩm có thể giúp bổ sung vitamin K1 vào chế độ ăn uống gồm:
- Rau bina.
- Cải xoăn.
- Súp lơ.
- Củ dền.
- Bắp cải.
- Dầu đậu nành.
- Mayonnaise và bơ thực vật.
Vitamin K1 là một loại vitamin tan trong dầu được phát hiện vào những năm 1930
2 Vitamin K1 được dùng trong trường hợp nào?
Vitamin K1 được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:
- Thiếu hụt chất chống đông máu do thuốc chống đông máu gây ra bởi các dẫn xuất coumarin hoặc indanedione.
- Giảm prothrombin máu do điều trị bằng kháng sinh.
- Giảm prothrombin máu thứ phát do các yếu tố hạn chế tổng hợp và hấp thu vitamin K.
- Giảm prothrombin máu do thuốc khác tương tác với quá trình chuyển hóa vitamin K.
- Dự phòng và điều trị chảy máu do thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh.
- Điều trị xuất huyết nội sọ liên quan đến thuốc chống đông máu đối kháng vitamin K.
Vitamin K1 được sử dụng trong các trường hợp giảm prothrombin máu
3 Liều dùng vitamin K1
Đường uống
Đối với các vấn đề về đông máu hoặc tăng chảy máu:
- Người lớn và thanh thiếu niên: Liều thông thường là 2,5 đến 25 miligam (mg), hiếm khi lên đến 50 mg. Liều có thể được lặp lại, nếu cần.
- Trẻ em: Không khuyến khích sử dụng.
Người lớn và thanh thiếu niên dùng đường uống từ 2,5 đến 25mg
Đường tiêm
Vitamin K1 có thể được sử dụng tiêm tĩnh mạch (IV), tiêm dưới da (SQ) và tiêm bắp (IM) với liều dùng có thể thay đổi tùy thuộc vào mục đích điều trị các tình trạng của bệnh nhân:
Mục đích | Liều dùng |
Phòng ngừa bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh | Một liều duy nhất tiêm dưới da (SQ) hoặc tiêm bắp (IM) 0,5 - 1 mg trong vòng một giờ sau khi sinh |
Điều trị bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh | Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 1 mg. Liều có thể được điều chỉnh cao hơn khi cần thiết nếu mẹ đang dùng thuốc chống đông đường uống. |
Xuất huyết do điều trị thuốc loại coumarin | Ban đầu nên sử dụng liều 2,5 - 10 mg, tối đa 25 mg. Trong một số ít trường hợp có thể cần tới 50 mg. Nếu trong vòng 6 - 8 giờ sau khi tiêm mà thời gian prothrombin không giảm thì nên lặp lại liều. |
Xuất huyết và nguy cơ xuất huyết tăng do giảm prothrombin huyết | Liều từ 2,5 - 25 mg trở lên (hiếm khi lên đến 50 mg) |
Vitamin K1 có thể được sử dụng đường tiêm với liều tùy thuộc vào mục đích điều trị
4 Cách dùng vitamin K1
Nhu cầu hàng ngày
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra lượng vitamin K1 khuyến nghị hàng ngày như sau:
- Từ 0 - 6 tháng: 2 mcg/ngày.
- Từ 6 - 12 tháng: 2,5 mcg/ngày.
- Từ 1 - 3 tuổi: 30 mcg/ngày.
- Từ 4 - 8 tuổi: 55 mcg/ngày.
- Từ 9 - 13 tuổi: 60 mcg/ngày.
- Từ 14 - 18 tuổi: 75 mcg/ngày.
- Nam giới: 120 mcg/ngày.
- Nữ giới: 90 mcg/ngày.
FDA khuyến nghị nam giới cần cung cấp 120 mcg vitamin K1/ngày
Thời điểm uống vitamin K1
Vitamin K1 là một vitamin tan trong dầu, điều này giúp chúng được hấp thu tốt nhất khi uống cùng bữa ăn giàu chất béo. Vì vậy, bạn có thể uống vitamin K1 trong hoặc ngay sau bữa ăn 30 phút vào bất kỳ buổi sáng, buổi trưa hoặc buổi tối kèm theo một cốc nước lọc.
Bạn có thể uống vitamin K1 trong hoặc ngay sau bữa ăn 30 phút
5 Lưu ý khi sử dụng vitamin K1
Vitamin K1 có thể tương tác với khoảng 10 loại thuốc gây nên những tác tác dụng không mong muốn như:
- Vitamin K1 có thể làm giảm tác dụng của các thuốc chống đông máu như anisindione, warfarin, dicumarol,... Do đó, một số sản phẩm vitamin K1 được sử dụng để điều trị các biến chứng chảy máu hoặc loãng máu quá mức do các thuốc chống đông máu gây ra theo chỉ định hoặc lời khuyên của bác sĩ.
- Vitamin K1 có thể bị cản trở hấp thu khi sử dụng chung với các thuốc cô lập acid mật (colestipol, cholestyramine). Vì vậy, bạn nên uống vitamin K1 cách xa thời gian dùng 2 loại thuốc kia khoảng 4-6 tiếng. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả của thuốc và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn sản xuất vitamin K trong ruột, từ đó làm giảm tổng hợp vitamin K1.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề khi sử dụng vitamin K1 như:
- Chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch vitamin K1 khi không dùng được đường uống hoặc trong những tình huống cấp cứu cần tác dụng nhanh.
- Dùng liều cao cho người bị bệnh gan nặng có thể làm suy giảm chức năng gan.
- Tiêm vitamin K1 có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Hãy thông báo cho bác sĩ khi cảm thấy mệt mỏi, ngứa, choáng váng, đau ngực, khó thở, đổ mồ hôi lạnh hoặc sưng mặt.
- Chỉ được dùng vitamin K1 khi có sự chỉ định và theo dõi từ bác sĩ, đặc biệt là đối với trẻ em.
Bạn chỉ được dùng vitamin K1 khi có sự chỉ định và theo dõi từ bác sĩ
Xem thêm:
- Vitamin K1 là gì?Tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ, thực phẩm chứa vitamin K1
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin K1
- Vitamin K2 là gì? Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ khi sử dụng
Vitamin K1 rất cần thiết đối với cơ thể con người, đặc biệt là trẻ sơ sinh bởi việc thừa hay thiếu đều không có lợi cho sức khỏe. Hy vọng thông qua bài viết trên, bạn biết rõ được liều dùng và cách dùng vitamin K1 để đảm bảo việc bổ sung vitamin K1 cho cơ thể đạt kết quả tốt nhất. Hãy chia sẻ bài viết này nếu thấy hữu ích bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Hướng dẫn cách dùng và liều lượng vitamin K1 an toàn, hiệu quả tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].