Sẽ có 38% thí sinh trượt công lập
9 giờ sáng nay (ngày 1/6), hơn 80.000 thí sinh Hà Nội sẽ có mặt ở các điểm thi để làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020.
Thí sinh thi vào các trường công lập không chuyên sẽ thi cả ngày 2/6 và sáng 3/6 với 4 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Thí sinh thi vào các trường chuyên công lập sẽ thi trong cả 2 ngày 2/6 và 3/6 với 4 môn thi chung và môn chuyên.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố có hơn 101.000 thí sinh tốt nghiệp THCS, số đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 là gần 86.000 học sinh.
So với năm học trước, số học sinh đăng ký dự tuyển ít hơn gần 10.000 học sinh. Tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường công lập chiếm 62%.
Còn lại khoảng 23.000 học sinh, trong đó 20% vào các trường THPT tư thục, 10% vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và số còn lại tham gia học nghề.
Do đó, tuy có dễ thở hơn so với năm trước nhưng các chuyên gia giáo dục vẫn nhận định kỳ thi sẽ căng thẳng bởi là năm học đầu tiên Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển với 4 môn thi thay vì 2 môn như những năm trước, thí sinh không được cộng điểm từ học bạ, học nghề.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các thí sinh là phải tham dự đủ 4 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Chỉ xét tuyển những học sinh có đủ 4 bài thi, không có bài thi nào bị điểm 0 và không vi phạm quy chế thi đến mức bị hủy kết quả bài thi.
Một số trường có “tỷ lệ chọi” ở mức cao là các trường công lập nổi tiếng, hàng năm có số lượng lớn thí sinh đăng ký dự thi, cụ thể như (chỉ tính nguyện vọng 1): THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình: 1/1,6; THPT Phan Đình Phùng: 1/1,8; THPT Kim Liên: 1/1,8; THPT Yên Hòa: 1/2,2…
Đáng chú ý, các trường ngoại thành cũng có số lượng đăng ký cũng không thua kém các trường công lập nổi tiếng ở nội thành, tiêu biểu như: THPT Chương Mỹ B: 1/1,5; THPT Đông Anh: 1/1,7; THPT Dương Xá: 1/1,6; THPT Hai Bà Trưng - Thạch Thất: 1/1,9...
Một số trường cũng có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 rất cao như: THPT Tây Hồ (2.303 thí sinh); THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (4.136 thí sinh); THPT Phan Huy Chú - Quốc Oai (2.548 thí sinh); THPT Quang Minh (2.310 thí sinh); THPT Chương Mỹ B (3.252 thí sinh); THPT Quang Trung - Đống Đa (2.640 thí sinh). Tuy nhiên, thống kê này chỉ mang tính tham khảo và có thể thay đổi “tỷ lệ chọi” ở các trường vì học sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng trong hai ngày 15 và 16/5 vừa qua.
Các trường THPT chuyên, trường công lập “tốp đầu”, trường áp dụng theo hình thức song bằng (tú tài và tiếng Anh) cũng khá căng thẳng, nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng.
Ngăn chặn mọi hành vi tiêu cực
Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, Hà Nội đã bố trí 169 điểm thi với hơn 3.600 phòng thi đáp ứng các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi đã được rà soát kỹ và chốt danh sách cụ thể.
Để hạn chế những hành vi tiêu cực, trong đó, có việc để lọt đề như ở kỳ thi năm trước, năm nay, Sở đặc biệt lưu ý đến việc lựa chọn đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi.
Công tác coi thi cần được thực hiện nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh làm bài thi đạt kết quả cao.
Công tác thanh tra được triển khai ở mọi khâu của kỳ thi, từ khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, hồ sơ thi, phương án bảo đảm an toàn tại các điểm thi, coi thi, chấm thi, xử lý các bài thi vi phạm quy chế thi, đến việc chấm phúc khảo bài thi.
Hoạt động thanh tra nhằm xử lý các tình huống bất thường và chủ động phát hiện, phòng ngừa tiêu cực trong kỳ thi.
Hoạt động thanh tra thi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật; không được làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, cá nhân tham gia kỳ thi; kịp thời xử lý cá nhân vi phạm quy chế thi theo quy định.
Kiểm tra việc bố trí phòng làm việc của Ban Chấm thi tự luận, phòng chấm thi, phòng chấm kiểm tra, khu vực làm phách; Ban Chấm trắc nghiệm. Kiểm tra camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm.
Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng như: Bút viết; bút chì; com-pa; tẩy; thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.
Thí sinh được mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền hoặc nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp sang thiết bị khác.
Thí sinh không được mang vào phòng thi như: Vũ khí, chất gây nổ, gây cháy; đồ uống có cồn; giấy than; bút xóa; tài liệu; thiết bị truyền thông tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Hơn 86.000 thí sinh Hà Nội đang làm thủ tục dự thi vào lớp 10 tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].