Đây là hoạt động do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên (Hà Nội) tổ chức để chào mừng Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2024) và 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận; 1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, hơn 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QR code).
Ngoài ra, Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã chủ động, tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển 977 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2019 đến nay, thành phố đã có 2.756 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.491 sản phẩm 4 sao và 1.247 sản phẩm 3 sao. Năm 2024, thành phố tiếp tục đánh giá, phân hạng gần 500 sản phẩm nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô, trong nước, tiến tới xuất khẩu.
Chương trình Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức lần này có ý nghĩa quan trọng góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đồng thời cũng đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Sự kiện diễn ra từ ngày 21-25/8, với hơn 100 gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó còn có các khu trưng bày, trải nghiệm sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề với hơn 1.000 sản phẩm các loại đến từ 38 tỉnh trên cả nước, trong đó có 19 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đây là cơ hội giúp các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP..., góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững
Những năm qua, TP.Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng phát triển làng nghề, sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng. Là cánh tay nối dài của UBND Thành phố quản lý về nội dung này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp các Sở: Công Thương, Du lịch, Y tế và các quận, huyện, thị xã tổ chức các sự kiện, hội chợ, festival, tuần hàng, hội thảo, thực hiện xúc tiến đẩu tư, thương mại và du lịch nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng; quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hóa của Thủ đô đến với người tiêu dùng, khách du lịch… Các sự kiện diễn ra vào các buổi tối kết hợp chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng phục vụ nhân dân và du khách.
An NhiênBạn đang xem bài viết Hơn 1.000 sản phẩm OCOP các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên được giới thiệu tại Hà Nội tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].