2 phương thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Năm 2021, Bộ GD&ĐT bổ sung nhiều điểm mới về đăng ký xét tuyển thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH,CĐ sư phạm, giáo dục mầm non bằng một trong hai hình thức, bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện).
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ được chọn một trong hai phương thức.
Phương thức 1: Đăng ký trực tiếp tất cả các thông tin trên phiếu đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học; cao đẳng năm 2021; thí sinh không được điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi điểm tiếp nhận đã cập nhật thông tin của thí sinh vào cơ sở dữ liệu trong thời gian quy định.
Phương thức 2: Đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện), thí sinh đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển phần thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT; phần đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến phải hoàn thành trong thời gian quy định và thí sinh có thể điều chỉnh nhiều lần thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định.
Thí sinh cũng cần lưu ý ghi đúng mã cơ sở đào tạo, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của cơ sở đào tạo. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.
Điều chỉnh nguyện vọng 3 lần
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định bằng phương thức trực tuyến (năm 2020 điều chỉnh nguyện vọng 1 lần).
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thay đổi này có lợi cho thí sinh và phù hợp với thực tiễn; giúp thí sinh suy nghĩ kỹ khi lựa chọn trường học, ngành học; các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được các thí sinh phù hợp.
Phí đăng ký cho thí sinh, từ 30.000 đồng/nguyện vọng còn 25.000 đồng/nguyện vọng.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyên thí sinh không nên ỷ lại việc được điều chỉnh tới 3 lần mà chủ quan trong việc lựa chọn nguyện vọng. Việc Bộ GD&ĐT nâng lên 3 lần điều chỉnh nguyện vọng là cơ hội để thí sinh có thể chỉnh sửa nếu có sai sót. Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên chủ quan khi được điều chỉnh nhiều lần.
“Chỉ cho phép điều chỉnh 1 lần tức là các em cần cân nhắc thật kỹ càng rồi mới quyết định, điều chỉnh là chốt. Nhưng khi có 3 lần lại khiến các em phân vân, suy nghĩ không chín chắn dẫn đến có thể lựa chọn lần 3 lại là lựa chọn xấu nhất. Tuy nhiên, chọn 1, 2, 3 lần hay nhiều lần đi chăng nữa thì nếu không biết cách chọn lựa, bị phân tán tư tưởng thì cũng sẽ không có được lựa chọn tốt nhất” -TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang tư vấn.
Thí sinh phải chọn được ngành học phù hợp
Các chuyên gia lưu ý, sau khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT, điều quan trọng nhất hiện nay là học sinh “chốt” được phương án đăng ký xét tuyển đại học.
Theo ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), muốn chọn ngành, hướng nghề đúng với bản thân thì trước tiên học sinh cần phải hiểu rõ chính mình.
Mỗi một ngành nghề đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công. Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa giữa thứ mình thích; điều mình có khả năng, và quan trọng nhất, thứ xã hội cần.
Bên cạnh đó, các thí sinh khi trúng tuyển cần rèn luyện, học tập để có năng lực, kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Khi có năng lực chuyên môn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, có kỹ năng mềm thì chắc chắn sẽ có công việc như ý.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị các Sở GD&ĐT có kế hoạch hướng dẫn các trường, các điểm tiếp nhận nguyện vọng thí sinh, để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh trong việc đăng ký trực tiếp, trực tuyến; kiểm tra kỹ hơn thông tin của thí sinh để giảm sai sót.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường đại học, cao đẳng tiếp tục phát huy ưu điểm, tập trung vào về công khai minh bạch tư vấn cho thí sinh và làm tốt công tác kiểm tra, đặc biệt tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, xét tuyển công bằng, khách quan, đúng quy chế.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].