Vào ngày gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao về việc học sinh ở xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên phải chui túi nilon, nhờ người lớn kéo qua suối để đi học.
Hành động này vô cùng nguy hiểm nhưng theo lãnh đạo địa phương thì chưa có phương án nào khác.
Trao đổi với Gia Đình Mới, TS Bùi Đức Chính, Giảng viên khoa công trình, trường Đại học GTVT cho biết, nếu như ngân sách của địa phương còn eo hẹp cũng như địa hình không đáp ứng được những cây cầu bê tông thì có thể lựa chọn giải pháp làm cầu treo dân sinh.
Đặc điểm của cây cầu treo là ở trên cao, do đó có thể tránh được những đợt lũ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để có thể tạm thời giúp học sinh qua suốt để đi học một cách an toàn, địa phương có thể làm một chiếc cầu treo nhỏ, trọng tải nhỏ, có thể chỉ dành cho người đi bộ.
Như vậy có thể giải quyết tạm thời nhu cầu đi lại của học sinh để chờ ngân sách của nhà nước xây cầu chắc chắn hơn.
“Đây là một phương án tôi nghĩ là phù hợp với địa hình vùng núi Tây Bắc”. – TS Bùi Đức Chính nhấn mạnh.
Hiện tại, người dân di chuyển từ trung tâm huyện tới bên bản Huổi Hạ qua đoạn đường dài 20 km mất gần 1 giờ đồng hồ. Nhưng vào mùa mưa lối đi chỉ rộng một mét, phần lớn học sinh sẽ đi bộ. Các em mất khoảng 5 giờ để tới trường.
Huyện đã tính toàn đến việc xây dựng cây cầu bắc qua suối vào bản Huổi Hạ dự kiến khoảng 5-6 tỷ đồng. Con số này là 70 tỷ đồng nếu như tính cả tiền xây cầu và làm đoạn đường dài 20 km từ trung tâm huyện tới bên bản Huổi Hạ.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Nam, cùng khoa công trình, trường Đại học GTVT, hiện tại người dân và học sinh đang cần gấp một cây cầu đi lại nên nếu đợi làm xong con đường và cây cầu với số tiền lên đến 70 tỷ đồng thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề trước mắt.
Để giải quyết nhu cầu đi lại tạm thời cho học sinh và người dân, lãnh đạo địa phương có để đề xuất thử nghiệm phương án làm cầu phao.
Theo chuyên gia, chi phí làm cầu không quá đắt như các cây cầu khác mà lại giải quyết được khó khăn phía trước.
Hoàng HiệpBạn đang xem bài viết Học sinh chui túi nilon qua suối: Chuyên gia cầu đường ‘hiến kế’ giải quyết tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].