Học chậm 9 năm so với bạn, nữ sinh khiếm thị vẫn ghi danh bảng vàng Thủ khoa

"Nếu khóc mà không làm cho cuộc sống tốt hơn, thì tại sao không cười", chỉ một câu nói rất ngắn gọn thôi nhưng đã giúp Nguyễn Thị Hồng thoát ra khỏi cuộc sống bế tắc khi Hồng bị mù cả 2 mắt.

  Cô sinh viên khiếm thị xuất sắc của trường ĐH KHXH Nhân văn Nguyễn Thị Hồng.

Cô sinh viên khiếm thị xuất sắc của trường ĐH KHXH Nhân văn Nguyễn Thị Hồng.

Những gam màu tươi vui tuổi ấu thơ và tai nạn khiến cuộc sống chìm trong bóng tối

Gặp Nguyễn Thị Hồng (SN 1988, quê Thanh trì, Hà Nội) trong buổi tối ngày 28/10, khi Hồng được vinh danh là 1 trong 86 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng Hà Nội năm 2019. 

Hồng là 1 trong 2 sinh viên xuất sắc nhất của trường Đại học KHXH Nhân văn tốt nghiệp năm 2019.

Hồng kể, Hồng không phải bị khiếm thị bẩm sinh. Trước năm 14 tuổi, cuộc sống của Hồng vẫn đầy những gam màu sắc vui tươi cùng gia đình, bạn bè. Hồng từng là niềm hy vọng rất lớn của gia đình và thầy cô bởi Hồng luôn là học sinh xuất sắc.

Tai nạn xảy ra năm Hồng 14 tuổi. Cú va đập mạnh vào mắt khiến Hồng bị vỡ nhãn cầu, tê liệt toàn bộ dây thần kinh, đôi mắt mờ dần. Hồng không thể đi học như các bạn cùng trang lứa. 

"Thời gian đó thật kinh khủng với mình. Minh không thấy được gì hết, suốt ngày ở nhà. Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè, rồi thèm được đi học. Mình buồn chán, và cảm nhận rõ rệt sự phân biệt đối xử của mọi người với mình.

Vì thế, trong suốt 3 năm sau đó, mình chỉ ở trong nhà, không bước chân ra tới cổng nhà" - Hồng nhớ lại.

Những câu chuyện về nghị lực sống đã giúp Hồng vươn lên

Thời điểm đó, bố mẹ mua cho Hồng chiếc đài nhỏ để Hồng nghe cho đỡ buồn. Một lần, đài phát sóng chương trình về nghị lực sống.

Đó là câu chuyện của một người bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được, nhưng người đàn ông ấy vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và suốt ngày cười nói, hát ca.

  Hồng mạnh mẽ vượt qua tự ti khi được nghe những câu chuyện nghị lực sống xung quanh mình/

Hồng mạnh mẽ vượt qua tự ti khi được nghe những câu chuyện nghị lực sống xung quanh mình/

Từ chiếc đài nhỏ ấy, Hồng được nghe nhiều câu chuyện về những người khuyết tật nhưng chưa bao giờ đầu hàng số phận, vẫn vươn lên theo mỗi cách riêng. Những câu chuyện ấy, dần dần giúp Hồng thoát khỏi sự tự ti, u uất. 

"So với nhiều người, mình vẫn còn đôi tay, đôi chân lành lặn, mình không thể nhốt mình trong 4 bức tường mãi được. Mình cũng muốn 1 ngày được tỏa sáng từ sự nỗ lực của mình".

Hồng xin bố mẹ cho mình được đi học. Cô theo học tại Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố vào những ngày cuối tuần. Dù việc học của Hồng tại Trung tâm gặp nhiều khó khăn nhưng Hồng thấy cuộc sống mình vui vẻ hơn. Những bài tập toán, tập văn vẫn khiến Hồng say mê như thời mắt còn sáng. 

Học hết chương trình lớp 12, Nguyễn Thị Hồng đăng ký xét ưu tiên vào ngành Công tác xã hội của trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, hồ sơ của Hồng được chấp nhận. Hồng cũng xác định bản thân sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới.

Học chậm 9 năm, lại khiếm thị, nhưng vẫn là cô sinh viên xuất sắc của trường

Hồng bắt đầu chặng đường mới tại trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn cùng với khóa sinh viên sinh năm 1997. Những ngày tháng đầu tiên của Hồng trên giảng đường vô cùng vất vả bởi không có tài liệu chuyên biệt cho sinh viên khiếm thị.

  Hồng muốn, dù cơ thể không lành lặn nhưng bản thân luôn nỗ lực để trở thành người có ích, sống cuộc đời có ý nghĩa.

Hồng muốn, dù cơ thể không lành lặn nhưng bản thân luôn nỗ lực để trở thành người có ích, sống cuộc đời có ý nghĩa.

Nhưng được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Hồng tìm ra cách để theo học. Trên lớp Hồng ghi âm lại các bài giảng của thầy cô, về nhà nghe lại và học. Khi tìm tài liệu, Hồng tìm theo từng bài, rồi dùng phần mềm đọc màn hình để ghi nhớ.

Thật đặc biệt và bất ngờ khi chỉ trong 3,5 năm học, nữ sinh khiếm thị Nguyễn Thị Hồng đã hoàn thành chương trình học và xuất sắc giành danh hiệu tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.

Ngày được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồng xúc động, khiếm tốn: "Tương lai phía trước vẫn còn rất nhiều những khó khăn với mình. Mình vẫn phải cố gắng rất nhiều để dù cơ thể không lành lặn nhưng vẫn trở thành người có ích cho xã hội".

Thành tích đạt của Nguyễn Thị Hồng (SN 14/11/1988)

  •  Điểm học tập toàn khóa: 3.71/4.
  •  Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc.
  •  Giấy khen cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc năm học 2015 – 2016.
  •  Giấy khen Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp trường, cấp Đại học Quốc gia năm học 2016 – 2017.
  •  Giấy khen Sinh viên 5 tốt cấp trường, cấp Đại học Quốc gia và Bằng khen cấp thành phố năm học 2017 – 2018.
  •  Đạt giải Nhì Nghiên cứu khoa học cấp trường.
  •  Tình nguyện trợ giảng lớp tiếng Anh ở Hội người mù Thanh Trì. 
  • Tư vấn về luật Người khuyết tật và các chính sách xã hội với người khuyết tật tại Hội người mù Thanh Trì.
Việt Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính