Bỏ gánh lo sổ bạ, thủ tục giấy tờ mỗi khi khám bệnh
Chị N.M.L (36 tuổi, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bị cao huyết áp, đang đi giữa đường bị ngất. Chị được người đi đường đưa đến Trạm y tế xã Tượng Sơn sơ cấp cứu. Tuy nhiên, do giấy tờ tuỳ thân không có, bệnh nhân trong tình trạng bị ngất nên bác sĩ không biết khai thác bệnh sử ra sao, thông báo cho người nhà thế nào.
Rất may, sau đó, các bác sĩ đã thử tra thông tin trên hệ thống hồ sơ điện tử, may mắn, mọi tiền sử bệnh tật, thông tin cá nhân, gia đình của nạn nhân đều có. Bác sĩ hỗ trợ gọi người nhà cho bệnh nhân, đồng thời, nhanh chóng tìm được hướng xử lý tình trạng bệnh của chị L.
Trường hợp của chị L. chỉ là ví dụ điển hình, may mắn trong việc hưởng lợi của hồ sơ sức khoẻ điện tử. Một hoạt động đang được triển khai sâu rộng tại tỉnh Hà Tĩnh thời gian gần đây.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, người dân được tuyên truyền, hỗ trợ thành lập hồ sơ sức khoẻ trên phần mềm, tính đến nay, tỉ lệ số dân có hồ sơ sức khoẻ đã đạt 83%. Bên cạnh đó, nhờ có sự vào cuộc tích cực triển khai đồng loạt, liên thông giữa các cơ sở y tế nên quá trình tiếp cận dịch vụ y tế của người dân cũng nhiều thuận lợi.
Còn lại, 83% người dân Hà Tĩnh giờ đây đi khám bệnh không còn lo lắng về sổ bạ, sổ khám chữa bệnh và các thủ tục hành chính như trước đây. Tất cả đều được số hoá trên hệ thống, người dân chỉ cần đọc tên, mã định danh/số chứng minh thư là có thể tìm hiểu được toàn bộ quá trình khám chữa bệnh, bệnh tật bản thân…
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân có thể tự mình tìm kiếm và xem hồ sơ sức khỏe của mình trên mạng và tự tạo mã khóa để bảo mật hồ sơ của riêng mình. Hoặc khi người dân đi khám, chữa bệnh, cơ sở y tế sẽ hướng dẫn người dân tiếp cận hồ sơ sức khỏe của mình và tạo mã khóa để bảo mật hồ sơ sức khỏe cho mỗi người dân.
Người dân không phải đi khám để lập hồ sơ sức khỏe, không phải kê khai lại hồ sơ sức khỏe và không mất chi phí về hồ sơ sức khỏe điện tử.
Bà Phạm Thị Mẫn (68 tuổi, xã Hộ Độ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mỗi tuần 2 lần lên trạm y tế xã Hộ Độ nhận thuốc chữa bệnh tiểu đường. Với những người già như bà Mẫn, bỏ được nỗi lo giấy tờ, thủ tục đã là nỗi mừng vì “tuổi già thường lẫn”.
Trước đây, sau mỗi lần khám bệnh, bà đều phải gói kỹ giấy tờ, sổ bệnh ở góc tủ. Mất gì cũng được chứ người suốt ngày phải vào viện như bà, mất sổ bệnh là cả rắc rối lớn. Tuy nhiên, từ ngày xã vận động mọi người làm hồ sơ điện tử, nỗi lo cũng nguôi ngoai đi phần nào.
Giờ đây, bệnh nhân không cần kể lể chi tiết bệnh tật ra sao, từng đại phẫu, tiểu phẫu như thế nào mà chỉ sau một “click của bác sĩ”, mọi dữ liệu đều hiện sẵn.
Nhờ đó, không chỉ riêng với người dân, từ ngày áp dụng triển khai mô hình trên, ngay nhân viên y tế cũng được hưởng lợi. Khi bệnh nhân đến khám bệnh, bác sĩ chỉ bấm mã là đã có dữ liệu từ nhóm máu, đến những bệnh tật đã mắc, thậm chí có cả dữ liệu về dị ứng với những loại thuốc gì.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Khoa - Trưởng trạm Y tế xã Hộ Độ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, ứng dụng lớn nhất của hồ sơ sức khoẻ điện tử là lịch sử khám của người dân, trung thực, chính xác, và cụ thể. Đặc biệt, khi có sự liên thông hồ sơ giữa các cơ sở cũng tạo điều kiện tốt hơn trong quá trình khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Có nên ưu việt hơn?
Ở bước đầu triển khai, hồ sơ sức khoẻ đã cho thấy nhiều tiện ích, tuy nhiên, trên thực tế, người dân mong muốn có sự hoàn thiện hơn, đặc biệt trong việc liên thông kết quả chụp chiếu, xét nghiệm giữa các cơ sở y tế.
Hiện nay, một cái khó trong quá trình khám chữa bệnh, phải kể đến khi người bệnh đến điều trị tại cơ sở nào đều phải làm các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng thường ít có các bệnh viện, cơ sở công nhận các kết quả của nhau.
Ngay tại Hà Tĩnh, địa phương thực hiện rất tốt triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử với tỉ lệ tham gia rất đông, có sự cởi mở, liên thông giữa cơ sở nhưng cũng kêu khó với trường hợp trên.
Ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh chia sẻ, việc triển khai quản lý sức khoẻ điện tử cũng đang có những khó khăn nhất định. Riêng với mong muốn ghi nhận kết quả khám bệnh, chụp chiếu, vị lãnh đạo này cho rằng, hiện nay hồ sơ sức khoẻ mới chỉ dừng ở cung cấp thông tin, thay thế cho y bạ đơn thuần.
Vì vậy, người dân mong rằng, khi tiến hành áp dụng công nghệ 4.0 trong y học, nhất là trong hồ sơ sức khoẻ, mọi kết quả bệnh lý đều được cập nhật thì người dân sẽ không cần tốn nhiều chi phí, thời gian trong xét nghiệm, chụp chiếu.
Đặc biệt, khi lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện đã được xác định trong Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Hồ sơ sức khoẻ điện tử: Người dân mong nhiều hơn một cuốn y bạ điện tử? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].