'Hộ chiếu vắc-xin' là gì?
"Hộ chiếu vắc-xin" là khái niệm mới để chỉ loại chứng nhận cho việc một cá nhân đã được tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng COVID-19. “Hộ chiếu vắc-xin” là bằng chứng đảm bảo về tình trạng tiêm chủng, đồng thời ghi lại kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mới nhất của mỗi người. Theo đó, có thể nới lỏng hoạt động đi lại và mở lại các sự kiện đông người.
Ý tưởng về “hộ chiếu vắc-xin” nhận được nhiều sự đồng tình, nhằm hướng tới cuộc sống bình thường như trước đây. Nhiều người kỳ vọng "hộ chiếu vắc-xin" là một giải pháp để thế giới sống chung với đại dịch COVID-19, để mở cửa lại nền du lịch.
Ngày 17/3, Ủy ban châu Âu (EU) đã đề xuất thiết lập một Chứng nhận y tế số xanh (DGC)- một loại “hộ chiếu vắc-xin” để tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do và an toàn trong nội khối trong đại dịch COVID-19. Trước EU, Israel và Trung Quốc đã ban hành loại giấy thông hành đặc biệt này.
Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cần phải thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế. Lý do được đưa ra là vì hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu còn hạn chế.
'Hộ chiếu vắc-xin' được sử dụng ra sao?
EU đề xuất cung cấp "hộ chiếu vắc-xin" cho người dân đã tiêm vắc-xin, có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 hoặc từng mắc COVID-19. Tất cả công dân EU đều có quyền đi lại trong khối và “hộ chiếu vắc-xin” giúp việc thực hiện quyền đó trở nên dễ dàng hơn.
EU khẳng định thông tin cá nhân của hành khách sẽ được bảo mật, chứng chỉ cấp hiển thị trên điện thoại di động hoặc giấy. Các quan chức EU cũng hy vọng giấy chứng nhận vắc-xin thuyết phục các nước thành viên gỡ bỏ biện pháp hạn chế đi lại. Ban điều hành trước đó cảnh báo lệnh hạn chế có thể làm suy yếu nguyên tắc đi lại tự do cốt lõi của EU, gây thiệt hại cho thị trường chung.
Tuy nhiên, khi “hộ chiếu vắc-xin” chưa phổ biến trên thế giới, các nước vẫn yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly đủ 14 ngày theo quy định phòng dịch.
Với Việt Nam, phân tích chính sách “hộ chiếu vắc-xin” của một số nước, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định, chính sách cụ thể liên quan đến “hộ chiếu vắc-xin” phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vắc-xin và ở từng nước.
Từ đó, Việt Nam sẽ có cơ chế phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương vào ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và giao thương có sự kiểm soát.
An An (T/H)Bạn đang xem bài viết ‘Hộ chiếu vắc-xin’ là gì và được sử dụng ra sao? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].