BS. CKI Nguyễn Đức Hạnh, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết hiện nay, trong điều trị ung thư, bên cạnh các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, còn có các phương pháp điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch và một số thuốc, thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường miễn dịch không đặc hiệu hỗ trợ điều trị ung thư.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh khác nhau mà các Bác sỹ sẽ lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.
Sẽ rất nguy hiểm, không có hiệu quả chữa bệnh, tốn kém về mặt kinh tế nếu như người bệnh tự ý mua thuốc điều trị đích hay điều trị miễn dịch để điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên ngành ung.
- Điều trị đích trong ung thư:
Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích, tức là dùng các loại thuốc để khóa sự tăng trưởng và lan tràn của tế bào ung thư, can thiệp vào các phân tử đặc hiệu (các đích phân tử) trong cơ chế sinh ung và sự tăng trưởng của khối bướu là một liệu pháp chống ung thư thế hệ mới, mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân.
Thuốc điều trị đích trong ung thư đã được áp dụng hàng chục năm.
Các thuốc điều trị đích ung thư được chia thành hai loại chính là các kháng thể đơn dòng và các chất ức chế phân tử nhỏ. Tên gọi của các thuốc điều trị đích phụ thuộc vào kiểu thuốc và đích tế bào của chúng.
Cơ chế tác dụng của thuốc điều trị đích là ngăn chặn sự sinh sôi tế bào ung thư bằng cách gây cản trở các phân tử đặc hiệu cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của khối u. Một số các phân tử này có thể có mặt trong các mô bình thường nhưng chúng thường bị đột biến hoặc biểu hiện quá mức trong các khối u.
Liệu pháp điều trị đích cần phải có xét nghiệm xác định bệnh nhân có nhạy cảm với liệu pháp điều trị đích mà bác sĩ muốn áp dụng hay không.
Thuốc điều trị đích cũng gây một vài tác dụng phụ cho người bệnh, nhưng không nghiêm trọng như điều trị hóa chất.
Những tác dụng phụ phổ biến nhất khi dùng thuốc đích là tình trạng khô da, nổi mẩn mụn ngoài da, nhất là vùng mặt, cổ. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị viêm niêm mạc miệng, rối loạn đường tiêu hóa dẫn đến táo bón, tiêu chảy…
Với người gặp tác dụng phụ quá nặng thì sẽ phải dùng các loại thuốc hỗ trợ và nhiều bệnh nhân được bác sĩ giảm liều trong quá trình điều trị để giảm tác dụng phụ.
- Điều trị miễn dịch trong ung thư:
Là phương pháp sử dụng thuốc có tác dụng ức chế sự ức chế của tế bào ung thư đối với tế bào miễn dịch giúp tế bào miễn dịch của con người tiêu diệt được tế bào ung thư.
Thuốc điều trị miễn dịch được sản xuất dựa trên công trình khoa học đoạt giải Nobel 2018 được coi là phương pháp trị ung thư mới nhất và mang nhiều hy vọng cho người bệnh. Ngay khi thông tin được đăng tải, rất nhiều người quan tâm tới liệu pháp tiên tiến bậc nhất này.
Phương pháp này khác biệt với các mô thức can thiệp loại bỏ khối u thường thấy, như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị, ở việc nâng cao vai trò hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư một cách tự nhiên. Bắt đầu phát triển và được áp dụng từ năm 2010.
Liệu pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân ung thư đã ở giai đoạn muộn, di căn xa mà các phương pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị không thể thực hiện đươc.
Tuy nhiên không phải người bệnh ung thư nào ở giai đoạn muộn cũng có thể sử dụng được phương pháp điều trị này. Người bệnh muốn được sử dụng phương pháp điều trị này phải được làm xét nghiệm để xác định có phù hợp hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, liệu pháp này không thay thế các phương pháp điều trị ung thư khác và được chỉ định tùy thuộc vào từng cá thể người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần cân nhắc vì chi phí điều trị vô cùng tốn kém.
- Tăng cường (nâng cao) miễn dịch:
Là phương pháp sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng nhằm mục đích tăng cường miễn dịch của con người, thuốc có tác dụng hỗ trợ và tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt; trên cơ sở đó sẽ gia tăng cường sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các tác nhân gây bệnh. Các thuốc và thực phẩm chức năng này không có tác dụng chữa bệnh.
Thuốc tăng cường miễn dịch có thể sử dụng khi cơ thể suy giảm miễn dịch khi mắc các bệnh mạn tính, sức khỏe suy yếu do tuổi già, những người bị suy dinh dưỡng…
Và bất cứ ai cũng có thể sử dụng loại thuốc này, đặc biệt là những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh ung thư, do người bệnh ung thư không những phải chịu gắng nặng bệnh tật mà còn phải chịu tác động nặng nề bởi các phương pháp điều trị ung thư như hóa chất, tia xạ…
BS. CKI Nguyễn Đức Hạnh cho biết, vì cùng có chữ “miễn dịch” nên nhiều người bệnh đã nhầm lẫn và không phân biệt được phương pháp điều trị miễn dịch trong ung thư với các thuốc tăng cường miễn dịch hỗ trợ điều trị ung thư.
Phương pháp điều trị miễn dịch trong ung thư là một phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh ung thư thông qua cơ chế miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư còn các thuốc và thực phẩm chức năng có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch của con người không phải là phương pháp điều trị ung thư mà nó có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư bằng cách tăng cường miễn dịch của cơ thể con người giúp cho hệ miễn dịch hạn chế được sự tiến triển của tế bào ung.
Các thuốc và thực phẩm chức năng giúp tăng cường hệ miễn dịch thì người bệnh nào cũng có thể sử dụng được còn thuốc điều trị đặc hiệu ung thư thông qua cơ chế miễn dịch ( điều trị miễn dịch trong ung thư) thì không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng được do vậy cần phải có chỉ định điều trị của các Bác sỹ chuyên ngành ung thư.
Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc và thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường miễn dịch cũng cần phải có chỉ định và tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ điều trị, không nên tự ý sử dụng một cách bừa bãi sẽ rất tốn kém về mặt kinh tế mà không đạt được hiệu quả tối ưu.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Hiểu đúng về điều trị đích, điều trị miễn dịch trong chữa bệnh ung thư tại chuyên mục Chiến thắng Ung thư của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].