Theo quan niệm của Đông y, những cảm xúc của con người có thể gây ra những tác động xấu đối với sức khỏe.
Điều này tùy theo tác động của từng loại cảm xúc mà ảnh hưởng đến những tạng phủ khác nhau như: Nộ thương Can (tức giận ảnh hưởng đến gan); Hỷ thương Tâm (Vui mừng tác động đến tim); Tư thương Tỳ (lo nghĩ ảnh hưởng lách); Bi thương Phế (đau buồn ảnh hưởng đến phổi); Khủng thương Thận (sợ hãi ảnh hưởng thận).
Những áp lực quá mức thường ảnh hưởng đến can khí, khiến can khí uất kết gây nhiều chứng bệnh nội thương.
Trong chứng stress, can khí uất kết lâu ngày làm tổn thương âm huyết, dẫn đến các chứng Âm hư – Dương xung như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…
Biểu hiện chứng stress ở mỗi người lại khác nhau do cơ địa thần kinh yếu, do tiên thiên bất túc, nhưng nhìn chung đều dẫn đến ảnh hưởng công năng của ngũ tạng, chủ yếu là công năng của tâm, can, tỳ, thận và làm cho âm dương mất cân bằng, gây ra những chứng bệnh khác nhau như đau đầu, mất ngủ, hay cáu giận, buồn bã, mất tập trung, hay quên, tức ngực đau vùng tim, đau lưng, tiểu nhiều, rối loạn tiêu hóa, suy giảm hoạt động tình dục…
Việc điều trị stress theo Đông y là cần lập lại cân bằng âm dương, điều hòa công năng tạng phủ như sơ can lý khí, giải uất, kiện tỳ an thần, điều hòa khí huyết.
Có thế áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để điều trị chứng stress, trong đó có việc tự xoa bóp bấm huyệt.
Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng điều hòa âm dương, khí huyết, điều hòa công năng tạng phủ và đặc biệt có tác dụng thư giãn cơ nên làm giảm trương lực cơ và có tác dụng thư giãn rất tốt.
Điều trị stress bằng xoa bóp bấm huyệt cần xoa bóp toàn thân, nhưng cần tập trung điều chỉnh nhiều vào các tạng có rối loạn chức năng như đau ngực, đau vùng tim thì cần xoa bóp vùng ngực, đau đầu thì xoa bóp vùng đầu…
Massage vùng đầu – mặt – vai gáy
Dùng 2 bàn tay xoa khắp mặt khoảng 1 phút. Tiếp đó dùng 2 ngón trỏ miết vùng trán từ ấn đường ra thái dương theo hình rẻ quạt khoảng 10 – 20 lần.
Dùng ngón trỏ và ngón cái miết cung mày và nhào bờ cung lông mày. Sau đó miết các rãnh tự nhiên từ đầu trong cung mày xuống rãnh mũi má, vòng quanh môi rồi miết lên vùng trước tai và thái dương.
Day, nhào, bóp cơ vùng má khoảng 1 phút. Day các huyệt phong trì bằng 2 ngón cái. Xác định huyệt phong trì bằng cách xòe 2 bàn tay, đặt hõm giữa lòng bàn tay vào đỉnh 2 tai, các ngón tay ôm chặt lấy đầu, hướng ngón cái về phía sau gáy.
Sau đó miết 2 ngón tay cái từ trên xuống dưới, vượt qua một ụ xương rồi rơi xuống một chỗ hõm ở hai bên khối cơ nổi sau gáy, đó chính là vị trí của huyệt phong trì.
Động tác tiếp theo là chải tóc từ trước ra sau bằng 10 đầu ngón tay, thực hiện động tác này khoảng 20 lần. Tiếp đến chặt vùng đầu, chán bằng các ngón tay.
Ngoài day ấn huyệt phong trì, có thể day ấn thêm các huyệt dễ xác định như ấn đường, thái dương, huyệt bách hội nằm ở điểm lõm ngay trên đỉnh đầu…
Bên cạnh đó cần vận động cột sống cổ bằng cách cúi, ngửa, nghiêng, xoay theo biên độ sinh lý.
Massage vùng ngực
Xoa vuốt mơn từ hai bên cổ xuống vai, vòng vào ngực, đưa lên cổ rồi kéo thẳng xuống dưới.
Miết kẽ sườn từ dưới xương đòn tới bờ sườn. Miết bờ xương ức. Day, bóp, nắn, nhào cơ ngực.
Massage bấm huyệt vùng bụng
Xoa quanh rốn theo chiều kim đồng hồ. Miết dọc theo khung đại tràng bằng mu bàn tay.
Day, nhào cơ bụng, day quanh rốn và bấm huyệt Trung quản khoảng 2 phút. Xác định huyệt Trung quản bằng cách đo từ rốn lên trên 4 tấc (1 tấc bằng chiều ngang của ngón tay cái).
Massage tay và chân
Xát ấm gan bàn tay. Sau đó xoa vuốt từ mặt trong cổ tay lên trên, vòng qua vai rồi kéo xuống tới mu tay. Nhào bóp cơ cẳng tay, cánh tay, cơ vai, cánh tay. Vận động các khớp bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, vai theo biên độ sinh lý.
Xát ấm gan bàn chân. Sau đó xoa vuốt mơn cẳng chân và đùi. Nhào bóp cơ cẳng chân, cơ đùi. Vận động các khớp bàn ngón chân, cổ chân, khớp gối, khớp háng theo biên độ sinh lý của khớp.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hết stress chỉ với vài động tác massage theo hướng dẫn của Bác sĩ Đông y tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].