Nhà văn của ngôn tình Hoàng Anh Tú đã có trong tay một cuốn sách bán rất chạy: 'Em Muốn Có Một Cuộc Tình Già Với Anh'.
Nhân dịp cuốn sách này ra mắt bản in lần thứ 8, nhà văn có một bài viết khá thú vị, Gia Đình Mới xin đăng tải:
"Cuốn sách bán chạy là bởi nó nói đúng ước muốn của rất nhiều người vợ. Đặc biệt là những người vợ Việt- nơi mà ly dị- đứt gãy hôn nhân đồng nghĩa với đứt gãy cuộc đời.
Thế nên ai cũng mơ một cuộc tình già. Do vậy, nhiều người đánh đồng tình già là đến già cũng không ly dị.
Thậm chí với nhiều người, họ đặt cột mốc 50 tuổi là tình đủ già rồi. Sống cùng nhau đến 50 tuổi là thành công.
Vì sau tuổi 50, hiếm có ông nào bà nào muốn ly dị nữa. Tôi vẫn gọi những cuộc hôn nhân ấy là những cuộc hôn nhân chết già cùng nhau.
Tôi chắc chắn rằng nhiều người cũng chỉ cần có thế. Cũng chỉ cần ở bên nhau đến lúc tuổi già là đủ. Còn lãng mạn hay yêu đương nồng thắm thì chẳng mơ!
Tự bao giờ chúng ta dễ dàng thoả hiệp đến thế: Cho cuộc hôn nhân của mình. Rằng chỉ cần “khuất mắt trông coi”, “mắt không thấy thì tim không đau”.
Rồi cứ sống với nhau như thế, như thế đến già là được. Rằng chồng, hoặc vợ, chỉ cần đừng đi đâu xa khỏi mái nhà này thì dù tốt hay xấu đều cắn răng mà chịu đựng được.
Rằng vô tâm là tính cách định vị sẵn trong mọi người đàn ông rồi.
Rằng nói chuyện tình yêu sau hôn nhân là chuyện mộng ảo hoặc sến súa mà thôi. Tựa như hôn nhân là mồ chôn của tình yêu rồi vậy. Nên cái ý nghĩa Tình Già nghe sao mà thô kệch đến thế!
Không! Tôi vẫn nghĩ Tình Già không phải là chuyện của 2 mái đầu bạc trắng hay hai người già neo lại bên nhau bởi chẳng đi đâu khác được.
Tình Già càng không phải cứ “sống lâu lên lão làng”. Tôi nghĩ về Tình Già là năm tháng hôn nhân hun đúc lại mà thành chứ không phải năm tháng cuộc đời nối tiếp nhau mà có.
Nhiều người hẳn sẽ cười chế nhạo tôi rằng tôi sến súa, rằng tôi ảo tưởng và mơ mộng, rằng tôi đang đuổi bắt bóng trăng nơi đáy nước kia.
Nhưng tôi vẫn xây đắp cho mình một cuộc Tình Già như tôi hằng mơ ước.
Tôi vẫn theo đuổi cuộc Tình Già ấy, đắp bồi lên cuộc Tình Già ấy bằng những năm tháng hiện tại tôi sống bên người vợ thân yêu của mình.
Thành Rome hay Paris cũng phải bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên, qua bao năm tháng mới thành đó sao?
Chẳng bao giờ có một Paris diễm lệ nếu như nó chưa từng ngổn ngang gạch đá. Tôi cùng vợ mình mỗi ngày đắp đền từng viên gạch cùng nhau như vậy.
Tôi nghĩ về năm tháng chúng ta đi cùng nhau trên con đường Hôn Nhân. Con đường ấy vốn chưa bao giờ là bằng phẳng, thẳng tắp. Nó rất nhiều ổ gà. Nó rất nhiều đường cắt. Nó rất gập ghềnh. Nó vô cùng nhiều ngã rẽ.
Còn chưa kể rất nhiều người lại qua trên con đường đó mà số người không tuân thủ giao thông thì cũng chẳng ít- vẫn đầy những cô nàng gợi cảm muốn mượn chồng bạn một đêm, vẫn đầy những anh chàng galant muốn đưa vợ bạn lên giường.
Vậy thì bằng cách nào để chúng ta giữ được đôi bàn tay ấy đi đến cuối cuộc đời mình? Lại có câu: Người ta lạc bởi vì không có đích đến. Tôi nghĩ vậy!
Khi cả hai vợ chồng cùng một đích đến thì dù bao ngã rẽ, dù có khi sai đường, dù mưa nắng hay những tai nạn thì người còn lại luôn ở bên, đứng lại, sẵn sàng giơ tay ra đỡ bạn đời mình.
Bởi cả hai đều có một đích đến để cùng nhau thay vì cuộc chay thi xem ai đến trước. Chúng ta đến lúc bạc đầu rồi mà chẳng còn bàn tay nọ ở bên mình thì buồn bã lắm vậy.
Tôi vẫn nghĩ, người ta hãy bắt đầu cuộc Tình Già của đời mình không phải bằng mơ ước hay bằng hy vọng.
Lại càng đừng để đến lúc bạc đầu mới nói với nhau về Tình Già. Sao không bắt đầu từ hôm nay, khi gấp lại trang báo này, nhẹ nhàng đến bên nhau, hoặc nhắn cho nhau một tin nhắn thật lòng.
Như từng viên gạch nhỏ, ta cùng nhau xây lên một Paris vậy!
Như rượu chưng cất lâu năm, như nuôi lớn một gốc cây đời để xoà bóng mát lúc chiều về của cuộc đời mình vậy, Tình Già cần năm tháng bạn dành trọn cho hôn nhân của mình chứ không phải bằng tuổi đời mình là thế.
Bạn đã sẵn sàng cho Tình Già của đời mình hôm nay chưa?
Hoàng Anh TúBạn đang xem bài viết Hãy viết lại cuộc hôn nhân của bạn! tại chuyên mục Hôn nhân - Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].