Là một căn bệnh dễ lây, thủy đậu đang bùng nổ thành dịch trên khắp cả nước và tấn công chủ yếu ở trẻ nhỏ. Khác với quan niệm dân gian, bệnh chỉ đến một lần, tự khỏi và lành tính, thủy đậu có rất nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Đôi khi, trẻ có thể tử vong.
Cụ thể, bệnh có thể gây nhiễm trùng da, từ đó sẽ để lại sẹo trên cơ thể. Đôi khi, nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng da nặng dẫn đến nhiễm trùng máu. Ở một số trẻ nhỏ có thể gặp bến chứng viêm phổi, viêm tủy, viêm tiểu não và có thể mắc bệnh zona khi về già.
Đặc biệt, với phụ nữ có thai dưới 12 tuần, thủy đậu có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, gây ra dị tật.
Điều đáng nói, phần lớn các biến chứng xảy ra khi trẻ nhỏ không được chăm sóc khoa học. Nhiều gia đình áp dụng các phương pháp dân gian như tắm lá, bôi lá lên da của trẻ, kiêng khem tắm rửa… Theo các bác sĩ, chính những điều đó gián tiếp đánh đổi tính mạng người bệnh, nhất là với trẻ nhỏ.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, khi trẻ bị bệnh, phụ huynh không cần kiêng ăn, kiêng tắm, trùm kín cho trẻ. Nhiều người cho rằng, bệnh trở nặng khi gặp gió, gặp nước là sai lầm. Chưa kể, quan niệm cho rằng, trùm kín để mụn “trổ” ra, nhanh hết bệnh là không đúng.
Khi chúng ta trùm kín người trẻ, không tắm rửa sạch sẽ dễ gây mồ hôi, ngứa ngáy, dễ nhiễm trùng mụn nước và để lại sẹo (nếu không nhiễm trùng sẽ không có sẹo). Ngoài ra, trùm kín cơ thể khiến nhiệt không thể thoát nên nhiều trẻ có thể bị sốt cao hơn.
Nhiều gia đình, khi con mắc bệnh lại mang lá đi đun cho uống, cho tắm, nhất là với gốc rạ (gốc lúa). Theo bác sĩ Khanh, điều đó là phản khoa học, dễ gây nhiễm trùng da cho trẻ, khiến bệnh nặng hơn.
Để không xảy ra các biến chứng, bác sĩ Khanh khuyến cáo, khi trẻ bị bệnh thủy đậu, cha mẹ nên tắm rửa sạch sẽ cho con, tắm nhanh, tắm nơi kín gió. Đặc biệt, không được tắm bằng các loại lá, gốc rạ… như truyền miệng.
Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, gia đình nên cho trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám. Ngoài ra, khi thấy mụn nhiễm trùng tấy đỏ lan qua xung quanh hoặc trẻ mọc nhiều mụn nước, sốt quá cao, bỏ ăn thở mệt thì gia đình nên đưa đến bác sĩ.
Để tránh mắc bệnh, phụ huynh nên tiêm vacxin phòng tránh bệnh, thường xuyên rửa tay, mang khẩu trang cho trẻ nhỏ.
Hồng Ngọc/GiaDinhMoiBạn đang xem bài viết Hậu họa khôn lường khi con bị bệnh thủy đậu mà chăm sai cách của nhiều bà mẹ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].