Nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt thành tựu đáng kể trong đảm bảo người dân tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, trong đó có phòng tránh thai, sức khoẻ sinh sản. Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu, lĩnh vực này còn rất nhiều thách thức và khoảng trống.
Việc đầu tư liên tục cho kế hoạch hoá gia đình đã giúp Việt Nam đảm bảo sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và thông tin về kế hoạch hoá gia đình cho người dân trên toàn quốc. Điều đó thể hiện ở việc, tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gần như gấp đôi so với thời kỳ năm 1988.
Cũng nhờ có sự đầu tư đúng mức, tỉ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể, số ca tử vong mẹ/ca sinh sống đã giảm gần 30 lần và tổng tỉ suất sinh cũng đã giảm hơn một nửa, từ trung bình 5 con/cặp vợ chồng xuống chỉ còn 2,09 con/cặp vợ chồng.
Bên cạnh những yếu tố nhân văn rõ nét như cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em, đáp ứng các quyền sinh sản, giảm nhu cầu phá thai và góp phần xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực dân số kế hoạch hoá gia đình cũng khẳng định mạnh mẽ lợi ích kinh tế mang lạ hiệu quả rất cao.
Ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, các kết quả công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đã đạt được đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân. Thể hiện ở việc, đầu tư vào các chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình đã tiết kiệm các khoản chi cho dịch vụ xã hội và tăng GDP bình quân/người khoảng 2%/năm.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức trong công tác kế hoạch hóa gia đình. Nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm chương trình giáo dục giới tính toàn diện và có chất lượng.
Xóa bỏ những khoảng trống nói trên để có thể mang lại lợi ích cho mọi người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, giúp phát huy được hết tiềm năng của họ. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế xã hội to lớn và lâu dài.
Ông Bjorn Andersson - Giám đốc khu vực UNFPA khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã thông báo: “Lần đầu tiên trong lịch sử, số phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên sinh sống tại các quốc gia đang phát triển hiện đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên tới gần 700 triệu người. Các biện pháp tránh thai hiện đại là phương tiện tốt nhất giúp họ thực hiện quyền được tự đưa ra quyết định về số con và khoảng cách giữa các lần sinh con mà họ mong muốn.
Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều thành tựu ấn tượng trong việc thực hiện các quyền và trong chăm sóc SKSS/SKTD tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á và Thái Bình Dương nói chung. Tuy nhiên, hiện nay hơn 140 triệu phụ nữ tại khu vực này vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ, đặc biệt ở khu vực Nam Á có hơn 70 triệu người vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu đó”.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, hiện nay, UNFPA đang thực hiện Kế hoạch Chiến lược mới, nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề trong phát triển bền vững với mong muốn hoàn thành ba mục tiêu mang tính thay đổi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cho toàn thế giới.
Ba mục tiêu mang tính thay đổi này gồm: không có tử vong mẹ; không có nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ; không có bạo lực giới và các hành vi có hại liên quan tới bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Hiện nay, có khoảng 214 triệu phụ nữ ở các khu vực đang phát triển có nhu cầu tránh thai hoặc trì hoãn việc sinh con. Trong số các phụ nữ có nhu cầu chưa được đáp ứng này, có 6,3 triệu là trẻ em gái vị thành niên ở độ tuổi sinh hoạt tình dục đang sinh sống tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu không bảo đảm được quyền tiếp cận tới thông tin và dịch vụ có chất lượng cho thanh niên và vị thành niên, ước tính, hằng năm trong khu vực có tới 3,6 triệu ca phá thai không an toàn.
Thiếu thông tin và dịch vụ sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và cuộc sống của trẻ em, vị thành niên và người trưởng thành, bao gồm: tử vong sinh, tử vong sơ sinh, ung thư cổ tử cung; vô sinh, các nguy cơ lây nhiễm HIV, các hậu quả về thể chất, tâm lý và xã hội… Những hậu quả này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của những người bị nhiễm bệnh.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Hằng năm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tới 3,6 triệu ca phá thai không an toàn tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].