Chia sẻ về công việc của một người thầy giáo và cũng là một người thầy thuốc, nhiều người thầy trong ngành y bật mí, công việc giảng dạy của họ có nhiều khác biệt và khó khăn mà những người thầy ngành khác không gặp phải.
Bác sĩ Nguyễn Phương Thanh, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Trong ngành y, nếu là thầy giáo lâm sàng thì họ phải vừa chữa bệnh vừa giảng dạy. Dạy học trong ngành y có rất nhiều khó khăn. Bởi, ngành y kiến thức khổng lồ, thay đổi cập nhật liên tục, nhiều khi những điều chúng tôi vừa dạy cho sinh viên xong đã thành sai, thành lạc hậu.
Do vậy, phương pháp giảng dạy của người thầy là cực kỳ quan trọng. Người thầy cần áp dụng những tiến bộ mới nhất về giáo dục.
Đặc biệt, giáo dục trong ngành y không hướng đến học nội dung kiến thức mà hướng đến cách tìm và hiểu tri thức luôn luôn cập nhật.
Một điều nữa tạo nên những khó khăn, vất vả cho thầy cô ngành y là thu nhập. Lương giảng viên chưa cao nên họ chưa chú tâm vào chất lượng giảng dạy.
Công tác giảng dạy đi liền với nghiên cứu, xuất bản quốc tế, hợp tác quốc tế nhưng những thứ này chưa mạnh ở Việt Nam…”.
Đồng quan điểm đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai cũng bộc bạch: “Với kinh nghiệm giảng dạy và chữa bệnh nhiều năm tôi nhận thấy làm thầy trong ngành y rất khó.
Nó khác hoàn toàn so với các ngành khác. Bởi người thầy không chỉ truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức cho học trò mà còn phải dạy học trò biết cách làm nghề, biết cách giao tiếp, ứng xử, đạo đức nghề nghiệp…
Ngành y có đặc thù là phải giao tiếp với người bệnh, mà mỗi người bệnh lại có những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau và cũng khác hẳn với những người khỏe mạnh.
Không chỉ phải giao tiếp với người bệnh mà chúng tôi còn phải giao tiếp với nhiều người nhà bệnh nhân. Trong một môi trường đặc thù như vậy nếu người thầy thuốc không giao tiếp, ứng xử khéo sẽ rất dễ xảy ra mâu thuẫn.
Vậy nên, người thầy trong ngành y không phải chỉ làm nhiệm vụ dạy học trò kiến thức mà còn phải dạy học trò kỹ năng giao tiếp, ứng xử với các tình huống xảy ra trong công việc.
Và hơn hết, người thầy ngành y đồng thời họ cũng là một người thầy thuốc với nhiệm vụ cứu người.
Do đó, trên vai họ luôn phải gánh 2 sứ mệnh cao cả là dạy người và cứu người. Đó là sự khác biệt và cũng là khó khăn mà các thầy cô ngành khác không gặp phải”.
Mặc dù có sự khác biệt, có khó khăn và vất vả nhưng với những người thầy ngành y đó cũng làm niềm vui. Bởi các thầy cô không chỉ mang thiên chức “sự nghiệp trồng người” mà còn là thầy thuốc - cứu chữa và chăm sóc người bệnh.
An BìnhBạn đang xem bài viết Hai gánh nặng trên vai người thầy trong ngành y tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].