Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế năm 2017, ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam cũng cho thấy, có khoảng 431 trường hợp phát ban nghi sởi, trong đó có 141 trường hợp dương tính với sởi.
Trong số 141 trường hợp dương tính, có 54 trường hợp (38,3%) dưới 9 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 trường hợp (39%) không tiêm chủng, 22 trường hợp (15,6%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 10 trường hợp (7,1%) có tiêm vắc xin sởi. Số ca mắc sởi năm 2017 giảm 29,2% so với năm 2016 (609 trường hợp mắc).
Ngoài ra, chỉ trong khoảng 2 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội cũng đã ghi nhận 53 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 13 trường hợp tay chân miệng và 4 trường hợp ho gà.
Các dịch bệnh tại Hà Nội trong tuần qua đều ghi nhận số ca mắc giảm so với các tuần trước đó. Tuy nhiên, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp để tăng cường sức đề kháng, phòng chống các dịch bệnh mùa xuân như cúm, sởi, ho gà...
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.
Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học.
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi – Rubella đầy đủ và đúng lịch.
2. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Để công tác phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tốt, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý:
- Các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa xuân đặc biệt là tại các nơi diễn ra các Lễ hội đầu xuân năm 2018 theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND Thành phố.
- Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tuần theo quy định.
- Tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt phát ban nghi sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng và ho gà.
- Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập, đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền GDSK cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch, đặc biệt là dịch bệnh mùa xuân như sởi, ho gà, cúm và các dịch bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết...
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hà Nội đã có 22 trường hợp mắc sởi trong khoảng 2 tháng đầu năm tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].