Sống đến 17 tuổi đã là sự kỳ tích
Tại khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Thanh Nhàn, một cô gái 17 tuổi, dáng người gầy gò, da mắt vàng sậm nằm bệt trên giường bệnh. My bị tiền hôn mê gan, mặc dù đã tỉnh nhưng chưa đủ nhận thức, em không hiểu và không thể trả lời các câu hỏi trực tiếp của người đối diện.
My sinh ra đã mắc căn bệnh teo mật bẩm sinh, 3 tháng tuổi đã phải lên bàn phẫu thuật can thiệp, bác sĩ thông báo My có thêm dấu hiệu xơ gan.
Vì bệnh tật, My không được đi học, đến bây giờ, em cũng chỉ biết viết đúng tên mình một cách nghuệch ngoạc.
Anh Nguyễn Mai Hồng (48 tuổi), bố bé My nhớ lại, bác sĩ còn thông báo với gia đình, bệnh của My, gia đình cứ xác định con ra đi lúc nào hay lúc ấy.
“Sau đợt cháu phẫu thuật lúc 3 tháng tuổi, một năm sau đó, có bác sĩ còn gọi hỏi cháu còn sống hay không”.
Gia đình My chỉ biết trông vào số trời, cố gắng cứu vãn từng ngày sống cho con. Khi các bác sĩ biết con còn sống được đến 17 năm, ai cũng nghĩ đó là kỳ tích.
Với mang căn bệnh tử trên đầu, My lại cuốn vào vòng luẩn quẩn khi gia đình vô cùng khó khăn. Bố mẹ My từng học nghệ thuật, với ước mơ làm hoạ sĩ. Thế nhưng, khi con gái đầu lòng bị bệnh, bố mẹ My phải từ bỏ niềm mơ ước.
Bố My 17 năm ròng rã vào viện chăm con, gánh nặng kinh tế đè lên vai người mẹ hiện làm bán hàng cho siêu thị, lương mỗi tháng không quá 4 triệu đồng. Dưới My, gia đình vẫn còn 2 em gái nhỏ, đứa họp lớp 4, đứa học lớp 1, lại còn bà nội bị động kinh.
“Nhà tôi như một cái bệnh viện nhỏ, lắm lúc, bà nằm truyền ở đầu giường, cháu nằm truyền ở cuối giường”.
Nhiều khi, gia đình không đủ tiền cho My vào viện, gia đình buộc cho My nằm tại nhà. “Đưa con đi viện suốt, tôi cũng học mót được cách tiêm truyền từ các bác sĩ, thế là tôi phải biến thành y sĩ, tự tiêm cho con để hạn chế tiền viện phí”, anh Hồng cho biết.
Chỉ trông chờ một phép màu
Với tình cảnh của My hiện tại, mỗi lần vào viện chỉ như giải pháp tạm thời kéo dài cho em vài ba ngày sống. Giải pháp duy nhất, tốt nhất hiện tại, chỉ còn ghép gan. Với gia đình cả tháng trông chờ vào đồng lương 4 triệu đồng, tiền đâu ra để làm chi phí ghép gan, chi phí sau thải ghép cho My.
Nên căn bệnh không khác gì một "án tử" treo lơ lửng trên đầu.
Chia sẻ về tình trạng bệnh tật của Nguyễn Trà My, Ths. BS Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Tiêu Hoá, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết:
“Bệnh nhân My bị teo đường mật bẩm sinh nối mật ruột từ hồi 3 tháng tuổi, từ đó đến nay, bạn ấy có rất nhiều lần phải vào viện vì nhiễm trùng đường mật, dần dần thành xơ gan. Ngày 15/2, My vào viện trong tình trạng vật vã, kích thích, gọi hỏi không đáp ứng.
Khi bác sĩ làm xét nghiệm, chẩn đoán bệnh nhân bị tiền hôn mê gan, hội chứng não gan ở bệnh nhân xơ gan, teo đường mật bẩm sinh đã phẫu thuật.
Bệnh nhân được đưa vào khoa Tiêu Hoá điều trị, sau khi được điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt, hết tình trạng tiền hôn mê gan, tỉnh táo, ăn uống được”.
Bác sĩ cũng cho biết, bệnh nhân tiên lượng xấu, bệnh tiến triển xơ gan có nhiều biến chứng như hôn mê gan, nhiễm trùng, hội chứng gan thận, xuất huyết tiêu hoá. Trên bệnh nhân có thể xảy ra tất cả biến chứng đó. Với trường hợp của My, giải pháp kéo dài tuổi thọ chỉ có ghép gan.
Giờ đây, gia đình anh Hồng chỉ mong một phép màu hiện ra, trước hết là đủ chi phí cầm cự cho My. Nếu may mắn hơn, cháu sẽ được kéo dài sự sống, được sinh hoạt và làm việc như những người bình thường.
Anh Hồng nghẹn ngào: “Ngày nó bị bệnh, tôi đi tìm hiểu, thấy người ta nói bệnh nó chỉ có 2 cách chữa được, là ghép gan hoặc cấy tế bào gốc. Nếu nó có số sống thọ, tôi sẵn sàng cắt gan ra cho con, thế nhưng, chi phí tiền tỉ, tôi cũng không dám mong đợi nhiều”.
“Nhiều lúc nó đau đớn, rồi ra vào bệnh viện suốt, nó trách tôi, sao cứu nó làm gì, để nó chết luôn đi, cứ để nó chết thanh thản chứ đừng thúc ép nó. Nghe con nói mà đau lòng lắm, nhưng ai nỡ nhìn con mình phải chết”, anh Hồng tâm sự.
Mọi quyên góp xin gửi về:
Anh Nguyễn Mai Hồng - 0972.244.031
STK: 04400014801693 - Chủ tài khoản Doãn Thị Hồng Anh - Ngân hàng seABank
Hồng HảiBạn đang xem bài viết Hà Nội: Cô gái xin bố được chết vì không có tiền chữa bệnh tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].