GS Vũ Khiêu trong ký ức cháu đích tôn: Ông không bao giờ nghỉ, làm việc đến phút cuối đời

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, cháu nội của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu kể, những ngày gần cuối cuộc đời, ông vẫn miệt mài làm việc. Kể cả khi mở nội khí quản với ống thở gắn trên cơ thể không thể nói được, ông vẫn viết.

"Ông rất nghiêm khắc, luôn coi trọng chuyện đạo đức con người"

Ngày 30/9, chia sẻ với PV Dân Việt, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, cháu nội của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu cho biết, GS Vũ Khiêu trút hơi thở cuối cùng vào 12h37 ngày 30/9 tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 106 tuổi.

Trong ký ức của TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, ông nội như người cha, người thầy đã dạy bảo mình nên người. Anh Cảnh Linh là cháu đích tôn của GS Vũ Khiêu. Từ bé khi bố mẹ anh là GS.TS Đặng Cảnh Khanh và GS.TS Lê Thị Quý đi học nước ngoài, chính ông nội đã chỉ dạy cho anh những năm tháng đầu đời nên tình cảm ông cháu rất sâu sắc. 

  Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu chụp cùng gia đình GS Cảnh Khanh và chắt nội Minh Anh

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu chụp cùng gia đình GS Cảnh Khanh và chắt nội Minh Anh

"Tôi vẫn nhớ như in những điều ông đã dạy mình. Những bài học của ông rất nghiêm khắc. Ông dạy kiến thức nhưng ông luôn coi trọng chuyện đạo đức con người. Từ bé đến khi lớn lên ông luôn dạy tôi sống như thế nào mà theo quan niệm Nho giáo phải như bậc chính nhân quân tử, sống đàng hoàng, có ích, cống hiến cho xã hội. Đó là những bài học ông nội dạy cho tôi", anh Cảnh Linh kể.

Theo anh Cảnh Linh, bên cạnh việc giáo dục nghiêm khắc thì GS Vũ Khiêu rất gần gũi với con cháu. Anh làm rất nhiều lĩnh vực từ âm nhạc đến những công việc khác, ông nội như người tri âm, làm gương để con cháu noi theo.

"Mặc dù là nhà khoa học nhưng nhà khách của ông rất đông các văn nghệ sĩ đến. Ông là người có tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng nên được lòng mọi người. Có thể kể đến các cụ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận... Chính vì thế, khi ông làm công tác Tuyên giáo là cầu nối đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến với văn nghệ sĩ gần hơn thì nhiều người lắng nghe, đón nhận", anh Cảnh Linh hồi tưởng.

Làm việc đến phút cuối đời

Với nhiều người, làm việc đến khi nghỉ hưu sẽ an hưởng tuổi già bên con cháu nhưng với GS. Vũ Khiêu thì không. Ông làm việc rất cật lực. Anh Cảnh Linh nhớ như in lịch trình công việc mỗi ngày của ông nội mình thường kéo dài đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Mỗi ngày GS Vũ Khiêu chỉ ngủ khoảng 2, 3 tiếng sau đó luyện tập thể dục rồi lại tiếp tục công việc.

  Bức ảnh Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu chụp cùng cháu nội TS. Đặng Vũ Cảnh Linh khi đi du lịch ở Tuần Châu (Quảng Ninh) cách đây hơn 14 năm.

Bức ảnh Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu chụp cùng cháu nội TS. Đặng Vũ Cảnh Linh khi đi du lịch ở Tuần Châu (Quảng Ninh) cách đây hơn 14 năm.

"Ông làm tất cả vì tình yêu công việc của mình như biên soạn sách vở, nhiều nơi đặt ông viết những câu đối, văn tế anh hùng liệt sĩ, danh nhân… ông đều nhận lời hết và không hề lấy tiền của bất cứ ai. 

Văn chương của ông đi khắp các vùng miền hay đình chùa. nhiều nơi đâu đâu cũng thấy GS Vũ Khiêu viết. Vì những cống hiến không mệt nghỉ của ông, Nhà nước đã trao cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cùng với nhiều nhân vật là những "cây đa cây đề" cống hiến cho đất nước. Nhà nước ghi nhận ông là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Điều này rất vinh dự và đặc biệt khi ông đã nghỉ hưu", TS. Đặng Vũ Cảnh Linh bày tỏ.

Một điều đặc biệt nữa về GS Vũ Khiêu theo lời kể của người cháu nội đó là ông luôn dạy con cháu "tự thân vận động". 

"Ông chỉ dạy con cháu nhưng tự con cháu phải cố gắng vươn lên, cống hiến cho xã hội và được xã hội ghi nhận rồi thành công chứ không có chuyện ông đỡ đầu giúp. Ông không bao giờ nghỉ, làm việc cho tới phút cuối cùng. 

  Dù đi đâu GS Vũ Khiêu cũng có thói quen đọc và viết sách.

Dù đi đâu GS Vũ Khiêu cũng có thói quen đọc và viết sách.

Vào năm 2017, ông bắt đầu ốm nặng, chỉ nằm một chỗ trong bệnh viện. Trong thời gian đó nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn viết. Kể cả khi mở nội khí quản với ống thở gắn trên cơ thể không thể nói được, ông vẫn viết. Ông là con người không nghỉ ngơi. Đối với ông đó là niềm vui để cống hiến", người cháu nội xúc động nhớ lại.

Hơn 100 tuổi, GS Vũ Khiêu vẫn viết hơn 20.000 trang sách, đọc từ điển bách khoa… Cho tới một ngày ông không đọc được nữa thì nhờ thư ký đọc cho mình nghe.

"Cả cuộc đời ông đã dành tình yêu cho công việc, ông là tấm gương sáng để con cháu chúng tôi neo theo. Hiện gia đình đang thành lập Ban lễ tang để lo hậu sự cho ông", TS. Đặng Vũ Cảnh Linh chia sẻ thêm.

Theo Gia Khiêm/Dân Việt

Giáo sư, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu qua đời vào lúc 12h37 ngày 30/9 tại Bệnh viện Hữu Nghị. Hưởng thọ 106 tuổi, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính