Sự việc khoa Vi sinh Y học, Bệnh viện Xanh Pôn diễn ra tình trạng kỹ thuật viên cắt đôi que thử HIV và trộn mẫu máu của các bệnh nhân trước khi tiến hành xét nghiệm khiến dư luận xôn xao và đặt nghi vấn về tính chính xác của kết quả xét nghiệm cũng như hậu quả nghiêm trọng của vụ việc.
Nói về sự việc này, GS Nguyễn Ánh Trí cho biết, hành động chẻ dọc que thử HIV và trộn 4 mẫu máu trong xét nghiệm là sai sót quá rõ ràng, gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt chuyên môn.
Trước khi cho ra đời một thanh kit, nhà sản xuất phải tính đủ mọi mặt như chiều rộng, sâu, dài và trải qua hàng vạn lần thử nghiệm mới có được thông số cuối cùng, qua đó phát hiện chính xác kháng nguyên.
Nhân viên y tế nếu không thực hiện đúng theo quy định của nhà sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng nồng độ kháng nguyên thấp, hay bỏ sót kháng nguyên, gây hiện tượng âm tính giả. Nghiêm trọng hơn là bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng kết quả vẫn cho âm tính.
Nếu cả hai sai sót là chẻ đôi que thử và trộn 4 mẫu máu cùng phối hợp với nhau thì hậu quả càng nghiêm trọng khi để lọt các trường hợp bị nhiễm bệnh. Trộn 4 mẫu máu gây hiện tượng các kháng nguyên bị pha loãng.
Vì vậy, rất nhiều người nhiễm bệnh nhưng do nồng độ để phát hiện bệnh không đủ dẫn tới tình trạng âm tính giả.
“Xét về chuyên môn, Bệnh viện Xanh Pôn đã buông lỏng quản lý chất lượng về mua sắm trang thiết bị test kit, sử dụng bộ test kit, kiểm tra, đánh giá quy trình xét nghiệm, trả kết quả cho bệnh nhân nên mới để xảy ra hậu quả trên.
Sự buông lỏng quản lý, không ai biết hoặc biết sai vẫn lơ đi. Hoặc có người đã làm sai mà không ai nhắc nhở, cảnh báo để dừng việc đó lại. Chứng tỏ công tác huấn luyện đào tạo về chuyên môn, ý thức về xét nghiệm gần như là buông thả. Chuyện này rất dễ xảy ra ở những cá nhân tham lam, hám lợi” – GS Nguyễn Anh Trí nói.
Theo GS Nguyễn Ánh Trí, công tác quản lý chất lượng là tiến trình, không phải là đích đến. Do vậy, vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn là bài học cảnh tỉnh cho tất cả các cơ sở y tế trên cả nước, căn dặn các nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế không được hám lợi.
“Lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn cần nhanh chóng kiểm tra lại tất cả các quy trình từ trước tới nay xem có bao nhiêu người từng xét nghiệm “thử nghiệm” rồi sau đó mời họ đến xét nghiệm lại bằng quy trình test kit chuẩn”.
GS Trí cũng cho biết, trong tất cả quy trình xét nghiệm thì công tác quản lý chất lượng rất quan trọng, phải làm thường xuyên, không được buông lỏng nếu không sẽ để xảy ra sai sót.
Nếu bằng nguyên lý kỹ thuật elisa thì không được làm phương pháp trộn mẫu máu để làm xét nghiệm. Mà việc trộn mẫu máu chỉ được sử dụng bằng phương pháp kỹ thuật PCR khuếch đại gen đến hàng triệu lần.
Việc xét nghiệm Elisa chỉ là test nhanh, khi có kết quả dương tính bệnh nhân sẽ được tư vấn đến những cơ sở y tế xét nghiệm HIV được Bộ Y tế cấp phép như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện đa khoa Medlatec…
Tại đây, bệnh nhân phải được xét nghiệm bằng ba kỹ thuật với hai nguyên lý khác nhau mới có thể khẳng định. Tất cả các quy trình phải làm theo quy chuẩn của nhà sản xuất. Ai đó nói rằng, việc trộn các mẫu máu để tiết kiệm vật tư y tế, ngân sách Nhà nước thì chỉ là “đánh tráo khái niệm”.
L.MinhBạn đang xem bài viết GS Nguyễn Anh Trí: 'Chẻ dọc que thử HIV và viêm gan B là sai sót rõ ràng' tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].