Hong Kong, thập niên 60 của thế kỷ trước, trong “In the mood for love” - “câu chuyện tình dang dở hoàn hảo của thiên niên kỷ mới” của Vương Gia Vệ
Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa một người đàn ông và một người đàn bà xa lạ tạo nên câu chuyện đầy chất thơ.
Những cuộc gặp gỡ bất chợt của hai người sống sát vách, nỗi đau bị phản bội vì chính hai người bạn đời của họ ngoại tình với nhau, cùng chung sở thích và trên hết là nỗi cô đơn đã kéo họ lại gần với nhau. Từ từ mà chậm rãi, họ sa vào một mối quan hệ không thể cưỡng lại mà chẳng thể tiến tới.
Họ đến với nhau nhiều hơn, khi dạo phố, bữa ăn hàng, cùng ăn một tô mì khi đói bụng, một bát chè lúc ốm đau chất chứa rất nhiều quan tâm lo lắng nhưng tất cả đều có khoảng cách. Không có chuyện “mèo mả gà đồng” bởi họ không hề muốn “giống như những người kia”.
Thương thầm, trộm nhớ, trái tim cùng nhịp đập, ân cần gửi trao qua từng ánh mắt nhưng luân thường đạo lý, quan niệm xã hội, nếp nhà cùng vô vàn thứ khác tạo nên một bức tường vô hình mà hiện hữu ngăn cách họ.
Khi chỉ có một mình, họ thường tự hỏi lòng: Chẳng biết người kia đang làm gì rồi ước ao gặp mặt ngay để nói đủ chuyện trên trời dưới bể, để thỏa lòng yêu thầm kín và chỉ cần vậy, chẳng mong cầu gì thêm.
Đến với nhau không phải vì đam mê thể xác, chỉ đơn giản là chung nỗi niềm, cảm thương, yêu mến nhau vì nội tâm thông hiểu. Họ hoàn toàn có thể tiến đến làm một cặp tình nhân đúng nghĩa.
Nhưng không, họ muốn giữ sự thanh sạch trong lòng, tránh đi vào con đường dung tục "ông ăn chả, bà ăn nem" để nhớ nhau, trân trọng nhau dù có phải “niềm đau chôn giấu”.
Tạm đặt tên cho mối quan hệ này một mối tình đi và điều tuyệt diệu nhất của mối tình này là sự tiết chế. Chưa một lời nói yêu trực tiếp, chẳng hề có một nụ hôn hay đụng chạm ân ái.
“Sống để dạ chết mang theo”. Để rồi một ngày, sau bao nhiêu năm, người đàn ông lặn lội đến Angkor Watt, thì thầm với những bức tường đổ nát rồi vĩnh viễn bịt kín lại bằng bùn.
Mối quan hệ đẹp như một điệu khiêu vũ chậm, người này tiến thì người kia lùi vô cùng nhịp nhàng giống như trò cút bắt của những người biết chắc rằng không bao giờ có được nhau.
Việt Nam, thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, trong một cuộc gặp gỡ của hai người dưng ngược lối
Tại sao lại bắt đầu câu chuyện bằng “In the mood for love” bởi hình như cũng có nhiều điểm chung để bắt đầu. Chỉ trừ vợ chồng họ không ngoại tình với nhau và cuộc sống riêng của mỗi người đều đang ổn.
Cũng từ từ mà chậm rãi, họ sa vào mối quan hệ mang lại nhiều cảm xúc thân thuộc và khó gọi tên. Khi vui lúc buồn, nói đủ chuyện mà cảm giác chưa bao giờ là đủ. Chẳng thể gọi tên nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ có ý định phản bội người vợ người chồng của mình để tiến đến một mối quan hệ có thể định danh.
Cũng giống như phim, chính luân thường đạo lý, quan niệm xã hội, nếp nhà cùng vô vàn thứ khác tạo nên một bức tường vô hình mà hiện hữu ngăn cách họ.
Ừ thì mối quan hệ này chẳng hiếm giữa cuộc đời này, lùi một bước là thành người dưng, tiến một bước là phạm sai lầm.
Cứ lưng chừng ở giữa, người tiến thì có kẻ lùi, giày vò trong từng nỗi nhớ, mãi mãi là một nửa nhưng không phải bạn bè cũng chẳng thể là yêu.
Đáng lẽ phải quên đi thì lại để nó ngày một lớn lên, luôn tự dặn lòng chúng ta chỉ là bạn mà nào có đúng nghĩa là bạn. Ngày qua ngày vừa thấy dày vò vụn vỡ vì những đấu tranh trong lòng vừa thấy ấm áp với người đấy.
Người cứ ở đó, ta ở đây, đem nụ cười của mình làm đảo điên cuộc sống của nhau
Người ở đó, ta ở đây, đem nhớ nhung đan vào tim nhau
Người ở đó, ta ở đây, đem mơ hồ phủ lên mắt nhau
Người ở đó, ta ở đây, vờ bình tâm mà trong lòng có chút dậy sóng
Người ở đó, ta ở đây, mà sao biết nhau nghĩ gì
Người ở đó, ta ở đây, chẳng có gì rõ ràng
Người ở đó, ta ở đây, chớp mắt là lại thành người dưng
Luôn dặn lòng, dặn nhau phải tiết chế. Nếu một ngày kia, nếu chẳng thể đừng thì xin như nhân vật nam chính trong “In the mood for love” thì thầm với những bức tường đổ nát để cất giữ nỗi niềm của mình thêm... ngàn năm nữa.
Cứ lặng lẽ đồng hành, không xen vào cuộc sống riêng tư, không ràng buộc, tô điểm thêm cho cuộc sống của nhau.
Đàn bà tuổi 30Bạn đang xem bài viết [Góc vườn] - Không phải tình yêu, chẳng phải bồ bịch, vậy chúng ta là gì của nhau? tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].