Mấy ngày nay cộng đồng mạng sục sôi khi chia sẻ thông tin có phụ huynh "nổi điên" vì con chỉ đọc câu thơ lục bát theo cách đánh vần “ô vuông, tam giác” mà không nhận diện được mặt chữ.
Chia sẻ về câu chuyện này, GS. Nguyễn Lân Dũng - Nguyên Đại biểu Quốc hội là cha của PGS.TS bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (thế hệ học sinh khóa đầu tiên của trường Thực Nghiệm và cũng là Đại biểu Quốc hội đương nhiệm) khẳng định: "Thành công trong học tiếng Việt của hàng trăm học sinh Trường Thực nghiệm Giảng Võ do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng, trong đó con tôi và rất nhiều bạn trẻ thành đạt là học sinh Khoá I."
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, phương pháp học tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại rất khoa học, hợp lý, đem lại nhiều lợi ích cho học sinh. Bằng chứng là đã có khoảng 800.000 người học (thống kê chưa đầy đủ) theo phương pháp này.
"Con trai tôi là PGS. Nguyễn Lân Hiếu và bạn học của con tôi là GS. Ngô Bảo Châu, PGS. Phan Hương… là những thế hệ học sinh đầu tiên học theo phương pháp này. Tôi chơi với các bạn trong lớp này của cháu suốt mấy chục năm qua. Các cháu đều thành đạt và rất kính yêu thầy Đại. Thời kỳ mà Lân Hiếu đi học tiểu học tại trường, về nhà gia đình không phải dạy dỗ thêm gì mà con có thể đọc rất nhanh, rất đúng, rất khoa học, đạt thành tích học tập cao”, GS Lân Dũng tiết lộ.
Nói thêm về phương pháp học đánh vần tiếng Việt theo hình thức "ô vuông tam giác" của giáo sư Hồ Ngọc Đại, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ rõ, phương pháp học tiếng Việt của trường Thực Nghiệm có sự logic hợp lý về mặt sư phạm và tâm lý, có đầy đủ cơ sở khoa học, triết học và nó có sự khác biệt với các thói quen cũ.
Đầu tiên là học tiếng. Ví dụ: Trong đầm gì đẹp bằng sen… Mỗi cháu có một hộp các hình bằng nhựa. Mỗi tiếng được tượng trưng bằng một hình. Chữ trùng nhau thì cùng một hình. Đấy là khái niệm về Tiếng. Sau đó học từng nguyên âm, từng phụ âm. Các chữ được nối từ các dấu chấm nên học rất vui. Sau đó ghép phụ âm với một nguyên âm.
Ví dụ Ba, To, Mi… Sau đó học đến ghép vần hai chữ như an, la, ma… Sau đó mới học đến vần cuối. Ví dụ AN +H thành ANH. Các phụ âm viết khác nhau nhưng đọc theo âm. Ví dụ C,K,Q đều đọc là Cờ. Nối phụ âm với một âm chứ không đọc từng chữ. Ví dụ CON đọc là Cờ On Con, không đọc Cờ - O co- -N- con. CANH là Cờ- anh-CANH…
Các cháu học rất nhanh, kể cả các cháu người dân tộc ở miền núi mà Bộ trưởng Luận ngạc nhiên khi lên thị sát ở Lào Cai. Không thể nói Bộ trưởng Luận lách luật (!).
Vì lúc đó Quốc hội quy định chỉ một bộ sách giáo khoa, nên với quyền của Bộ trưởng, GS Luận quyết định cho dạy thí điểm. Vấn đề vì sao thí điểm nhiều năm thế thì lại là chuyện hoàn toàn khác, trách nhiệm ở người khác. Chuyện in ấn, chuyện tiền bạc, cần làm rõ, liên quan gì đến giáo sư Đại?
Thời kỳ Nguyễn Lân Hiếu đi học đã học như vậy và không gặp phải bất kỳ khó khăn gì trong quá trình học tập, gia đình không phải giúp đỡ gì. Đặc biệt, con đi học với tâm trạng rất vui vẻ, hạnh phúc, do vậy có thể dễ dàng đạt được nhiều thành tích cao hơn.
Phương pháp dạy học kiểu của thầy Đại giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, tư duy logic, tìm thấy sự vui thích trong học tập để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, đúng như khẩu hiệu của nhà trường đề ra lúc bấy giờ .
Và hơn hết, có thể tự tin nói học sinh học ở trường Thực nghiệm học theo phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại mà tôi theo dõi khoá đầu tiên đều thành đạt, dù mỗi cháu ở các cương vị khác nhau sau này.
Các cháu vẫn họp với nhau luôn và thật sự thân thiết với nhau. Các cháu luôn ghi nhớ những kỷ niệm tốt đẹp ở Trường thực nghiệm và biết ơn các thầy cô đã từng dạy các cháu.
"Sự thành công của các học sinh trường Thực nghiệm cũng là lý do mà có những thời điểm các bậc phụ huynh ở Hà Nội chen nhau đăng ký cho con vào học ở trường Thực Nghiệm, chen chân xếp hàng chờ nộp đơn vào trường từ đầu cấp đến mức xô đổ cửa cổng trường như từng xảy ra cách đây vài năm" – GS Dũng chia sẻ.
L.MinhBạn đang xem bài viết Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: 'Con tôi học tiếng Việt dễ dàng nhờ học thầy Hồ Ngọc Đại' tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].