1. Giám sát và thúc đẩy con
Có thể bạn cho rằng những lời bạn nói với con chỉ đi từ tai nọ sang tai kia, nhưng một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh phát hiện cha mẹ thường xuyên "cằn nhằn", nói ra những kỳ vọng cao thì con lớn lên có khả năng thành công hơn và tránh được những cạm bẫy.
Đặc biệt, một nghiên cứu trê 15.000 bé gái ở Anh trong hơn 10 năm, từ 13-14 tuổi đến 23-24 tuổi phát hiện những đứa trẻ có cha mẹ thường xuyên bày tỏ kỳ vọng cao sẽ:
- Tăng khả năng học đại học
- Giảm khả năng mang thai ở tuổi vị thành niên
- Giảm khả năng thất nghiệp trong thời gian dài
- Giảm khả năng mắc kẹt trong những công việc lương thấp, bế tắc
Có thể khi cha mẹ nói ra những kỳ vọng cao với con, con không nghe hết toàn bộ, hoặc không lắng nghe một cách chú tâm. Nhưng kết quả là con vẫn sẽ nghe được những kỳ vọng đó.
Như một bài báo của Đại học Essex viết: "Đằng sau mỗi người phụ nữ thành công là một người mẹ cằn nhằn".
2. Khen con đúng cách
Có hai cách chủ yếu khen con của cha mẹ. Cách thứ nhất là khen khả năng bẩm sinh của con. Cách thứ 2 là khen nỗ lực của con.
Ví dụ:
Khen khả năng bẩm sinh: Tốt lắm! Con thông minh quá!
Khen nỗ lực: Tốt lắm! Con đã rất cố gắng và đã làm đúng rồi!
Lời khuyên của giáo sư tâm lý học từ ĐH Stanford đó là, khi khen con, hãy khen nỗ lực thay vì khả năng sẵn có.
Nghiên cứu của giáo sư Carol Dweck liên quan đến sự khác biệt giữa tư duy cố định và tư duy phát triển.
Có thể thấy, nếu bạn khen con vì khả năng bẩm sinh, có nghĩa bạn đang khen con vì một thứ mà con chẳng cần cố gắng làm gì để đạt được, và là thứ con không thể làm gì để cải thiện.
Nhưng khi bạn khen con vì nỗ lực của con, tức là bạn đang khuyến khích con phát triển yếu tố đó để thành công trong cuộc sống.
Ảnh hưởng của những lời khen này có thể tác động đến trẻ ngay từ 1-3 tuổi.
3. Cho con ra ngoài chơi
Khi trời đẹp, cả cha mẹ và con đều nên dành thời gian ra ngoài chơi.
Dân văn phòng hẳn đều biết tác hại của việc ngồi cả ngày. Nhưng hãy nhìn xem bạn đang bắt con mình làm gì suốt 6,7 tiếng mỗi ngày? Chính là ngồi trong lớp học.
Do đó, các nhà khoa học khuyên cha mẹ nên khuyến khích trẻ ra ngoài chơi càng nhiều càng tốt.
Các nhà nghiên cứu châu Âu theo dõi 153 bé trai tuổi từ 6-8 tuổi về thời gian hoạt động ngoài trời của trẻ và kết luận:
Trẻ càng ngồi nhiều, ít hoạt động thể chất thì càng kém tiến bộ trong việc đọc trong vòng 2 năm sau đó. Nó cũng tác động tiêu cực đến khả năng làm toán của trẻ.
4. Đọc cùng con đúng cách
Điều này rất quan trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Cha mẹ của những đứa trẻ cực thành công là người đọc sách cùng con khi con còn nhỏ.
Và đọc sách cũng cần lưu ý xem bạn đang đọc sách đúng cách hay sai cách.
Sai cách tức là bạn chỉ đơn thuần đọc cho con nghe.
Cashc hiệu quả chính là tương tác cùng con trong khi đọc sách. Hãy yêu cầu con đọc một phần cuốn sách. Hỏi con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu con còn quá nhỏ, hãy nhờ con lật trang sách giúp bạn.
5. Để con làm việc nhà
Julie Lythcott-Haims, giảng viên ĐH Stanford, tác giả cuốn sách bán chạy How to Raise an Adult (Cách nuôi dạy nên một người trường thành) trích dẫn Đại Nghiên cứu Harvard, có nói con người cần hai yếu tố để thành công trong cuộc sống, thứ nhất là tình yêu, thứ hai là tinh thần làm việc.
Vậy làm thế nào để phát triển tinh thần làm việc cho trẻ ngay từ rất nhỏ?
Chính là từ việc rửa bát, lau nhà, đổ rác, dắt chó đi dạo, dọn phòng,... những việc mà cha mẹ thường phải cằn nhằn, nhắc nhở con cái mỗi ngày (xem lại số 1).
Bằng việc bắt con làm việc nhà, cha mẹ giúp con nhận ra rằng con cần phải làm việc để trở thành một phần của cuộc sống.
(Theo Inc)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 điều cha mẹ nên làm với con mỗi ngày tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].