Vì sao hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn?
Theo Liên minh HTX, tính đến giữa năm 2023, tổng số HTX trên cả nước là 30.425 HTX, 120.983 tổ hợp tác và 133 Liên hiệp HTX. Mô hình kinh tế HTX trực tiếp đóng góp 4,8% vào tổng sản phẩm quốc gia (GDP), đồng thời đóng góp gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ có 60% số HTX hoạt động hiệu quả và đáp ứng đủ yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là "thiếu vốn".
Một nghiên cứu tại Việt Nam chỉ ra rằng chưa đến 20% HTX có khả năng tự lực vốn; 0,5% HTX có cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các HTX nông nghiệp thì tỷ lệ này thấp hơn nữa. Hơn 80% số HTX phải vay trên thị trường phi chính thức.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có nhu cầu vay vốn lớn, các ngân hàng sẵn sàng cho vay, nhưng HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng. Có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, phương án sản xuất, kinh doanh của HTX khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi.
Thứ hai, năng lực tài chính, vốn tự có, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất, tài sản bảo đảm…của HTX còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Thứ ba, các HTX chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách, báo cáo để đánh giá hiệu quả hoạt động và thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên giá trị thấp.
Và cuối cùng liên kết trong sản xuất của các HTX còn chưa tương xứng với số lượng, quy mô của HTX hiện nay. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm vẫn còn chưa thật sự lớn mạnh.
Tạo động lực phát triển bền vững cho mô hình hợp tác xã
Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á:
“Để làm nông nghiệp 4.0, HTX cần phát triển lên một tầm mới, đó là HTX công nghệ cao - tập trung sản xuất hàng hóa nông nghiệp có giá trị - với sự dẫn lối của doanh nghiệp. HTX như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm do chính doanh nghiệp đưa ra kế hoạch sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Tham gia HTX, người nông dân vẫn sở hữu ruộng đất và đóng góp vào chuỗi giá trị qua khâu sản xuất - tất nhiên trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn từ doanh nghiệp”.
Ngân hàng TMCP Bắc Á đang nỗ lực thúc đẩy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị HTX. Theo đó, liên minh HTX Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và thiết lập HTX dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất. Các HTX này sẽ được quản lý dưới sự kiểm soát của người nông dân, đảm bảo tính hiệu quả và sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HTX đến doanh nghiệp.
Đây cũng chính là mô hình mà Ngân hàng TMCP Bắc Á đang tư vấn và Tập đoàn TH đang định hướng triển khai. BAC A BANK và Tập đoàn TH phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX Việt Nam thành lập chuỗi HTX theo đơn đặt hàng, tận dụng tối đa các lợi thế về khí hậu, đất đai, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, từng vùng miền như chăn nuôi bò sữa, trồng thảo dược, rau củ quả sạch hữu cơ để đáp ứng toàn diện thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho nền nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, BAC A BANK cũng nghiên cứu và xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chuyên biệt cho từng loại hình HTX để cung cấp một cách linh hoạt các ưu đãi về lãi suất và thủ tục, phương thức giải ngân, thanh toán…
Từ hướng đi đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á là một trong số ít ngân hàng có riêng sản phẩm cấp tín dụng cho đối tượng bao gồm Hợp tác xã hoạt động trong các ngành mà HTX Việt Nam hoạt động lớn mạnh như: Gạo, Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Cà Phê, sản phẩm tài trợ nhà cung cấp - là sản phẩm hướng tới các Doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và HTX nói riêng trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn TH,…
BAC A BANK cam kết đồng hành với HTX và Liên minh HTX trên toàn quốc, không chỉ bằng việc cung cấp nguồn vốn mà còn bằng việc tư vấn dự án, hỗ trợ kỹ thuật, và thúc đẩy tiếp cận thị trường. Bằng việc hợp tác chặt chẽ, BAC A BANK đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực nguồn vốn đối với HTX và Liên minh HTX, góp phần vào phát triển nền kinh tế nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Giải bài toán thiếu vốn của Hợp tác xã bằng cách nào? tại chuyên mục Kinh doanh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].