Tâm sự này được bác sĩ Trần Thành Công (bác sĩ chuyên khoa 1 ngoại tổng quát, Bệnh Viện Quận 2, Tp.HCM) chia sẻ trên Facebook để nói về thực trạng mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có: ‘phong bì hay quà biếu bác sĩ và người nhà bác sĩ’.
Từ góc nhìn của một người công tác trong ngày y tế, hằng ngày chiến đấu với tử thần để mang lại sự sống cho người bệnh, bác sĩ Công tâm sự, cho đến cuối cùng giá trị lớn nhất mà người bác sĩ nhận được là sự thanh thản khi lặng nhìn người bệnh ra viện khỏe mạnh.
Sau những giờ tăng ca, những ‘trận chiến khốc liệt với tử thần’ khiến anh kiệt sức để anh phải bật thốt ‘kiệt sức rồi đâu cũng là giường’.
Nhưng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đâu hiểu được áp lực, nỗi vất vả của các bác sĩ. Và rồi khi ra viện họ trả giá bác sĩ vì thái độ trước và trong điều trị bằng phong bì hay quà biếu.
Với những trường hợp như vậy một đồng bác sĩ Công cũng không nhận. Bởi vì anh biết ‘nhận thêm một đồng tôi cũng chẳng giàu thêm, nhưng tôi khiến giá trị của bản thân cũng như của cả ngành trong mắt họ chẳng còn là gì cả’.
Gia Đình Mới xin đăng tải bài viết của bác sĩ Trần Thành Công:
Giá trị của một bác sĩ
Trước đây, tôi từng đọc qua một câu chuyện. Khi một người đến mua một bức tranh ưng ý của một danh họa, khi danh họa đưa giá bà ta bĩu môi giá cao quá.
Danh họa ấy mời bà đi xem phòng tiếp theo, là những bản phác thảo hỏng, ông bảo tôi phải mất chừng này lần vẽ mới ra được bức tranh mà bà ưng ý muốn mua. Vậy là quý bà ấy vui vẻ đồng ý mua và còn thêm một khoản tiền vì nghĩ mình mua với giá hời...
Ấy là câu chuyện ở phương trời Tây, nơi người ta nói chuyện bằng ngôn từ của học thức, lịch lãm và tôn trọng.
Nhân câu chuyện trà dư tửu hậu với bố mẹ tôi về bệnh nhân tại khoa về một người quen mà ông bà gửi tôi điều trị.
Dĩ nhiên, ngoài trách nhiệm điều trị theo đúng phác đồ và kinh nghiệm tại khoa, vấn đề hỏi han chăm sóc dạ thưa và ‘ nhiều lời’ hơn bình thường một chút là điều nên làm trong lúc này.
Tôi là người thuộc dạng ‘quân pháp bất vị thân’, điều dưỡng trong khoa họ hiểu tôi điều đó và hiếm khi họ thấy tôi gửi gắm ai, ngay cả bố mẹ tôi nằm viện.
Trở lại câu chuyện người thân gửi gắm, khi gửi gắm rồi cả gia đình mặc sức ngồi trên giường, giờ chích thuốc điều dưỡng khoa mời hết năm lần bảy lượt không chịu ra để họ làm công việc.
Điều dưỡng thì than, bác ơi, người nhà bác không cho em làm việc. Bác ơi người nhà bác hết người này thay ca người nọ hỏi em suốt đêm một vấn đề....
Thế là cả thầy lẫn trò ngồi với nhau, thôi thì.. thiên hạ đủ loại người em ơi, ráng chịu cực mai mốt mình... chịu khổ.
Giá trị của người thân, quen làm bác sĩ
Khi bạn có người thân, quen làm bác sĩ, lợi điểm của bạn là sẽ được tham vấn chuyên môn, nơi nào nên tới, bác sĩ nào là chuyên môn vững về lĩnh vực đó.
Hướng dẫn bạn để tránh trường hợp ‘có bệnh vái tứ phương’ để chỉ ‘vái’ về một phương thôi. Điều này là sự tham vấn rất có lợi và hữu ích.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng, bác sĩ chúng tôi luôn có lòng tự tôn, kinh nghiệm đúc rút thực tiễn khác nhau.
Mỗi bác sĩ là ‘một đơn nguyên điều trị’ khác nhau ít chịu sự chi phối của Bộ Y tế, Sở Y tế, Giám đốc bệnh viện… mà họ làm việc dựa trên quy chuẩn chuyên môn, hướng dẫn, phác đồ điều trị... không những của Việt Nam mà là Quốc tế.
Bởi thế, khi gửi gắm nhau, chúng tôi ngầm hiểu: ‘bác cứ làm theo những gì chuyên môn bác nghĩ là tốt nhất nhé, chứ không hề can thiệp vào điều trị’.
Vì vậy, có câu chuyện tuần trước khi người quen tôi gửi gắm bác sĩ một bệnh viện lớn xem bệnh cho họ đang nằm tại khoa cấp cứu của họ.
Và đàn anh của tôi có nhắn lại: ‘em yên tâm, anh khám và đã nói người nhà là có em gửi rồi em nhé!’.
Để người nhà yên tâm. Chúng tôi hiểu, khi xã hội phát triển theo thiên hướng què cụt về nhận thức, ngay cả những người có tư duy, chứ đừng nói về mặt học thức thì phải chấp nhận sống chung với ‘lũ’...
Giá trị để mua chuộc một bác sĩ
Khi bạn cảm nhận ngành Y giống như một xã hội thì bạn sẽ hiểu rằng sẽ không có một thang đo chuẩn và một yêu cầu chuẩn cho một nền y tế què cụt, một ngành què cụt trong một xã hội què cụt hiện nay.
Đơn giản sư thầy còn có con, còn bia ôm, nhậu nhẹt (tôi không có ý chê trách tôn giáo, vì bản chất tôn giáo nào cũng hướng thiện, chỉ có người thực hiện nó là chưa hẳn).
Vậy thì mọi thước đo của bạn sẽ đều lệch lạc. Đơn giản ngành Y là một xã hội thu nhỏ vậy thôi.
Bộ Y tế quy định không nhận tiền bạc, quà biếu TRƯỚC, TRONG điều trị, còn SAU thì có quyền......
Vậy bạn trả giá thế nào cho một bác sĩ?
Trở lại câu chuyện danh họa và giá trị của một bức họa. Một bác sĩ ‘thành phẩm’ cũng vậy phải trải qua những tháng ngày ăn nằm bệnh viện, ngủ hành lang được phút nào hay phút đó, ăn được lúc nào hay lúc đó để có sức mà chiến đấu như tôi hay nói đùa với mấy cô điều dưỡng gặm được vài miếng là phải móc vài cái hậu môn rồi....
Nếu cho bạn bao nhiêu tiền thì bạn dám tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh thậm chí là những bệnh nhân lây nhiễm thì bạn sẽ hiểu giá trị của mấy cô điều dưỡng chăm sóc bạn họ được trả vài triệu đến 5 hay 6 triệu một tháng....
Có những bệnh nhân gửi gắm xong khi ra viện vì thái độ trước và trong điều trị họ gửi tôi phong bì hay quà biếu thì một đồng tôi cũng không nhận.
Bởi vì tôi biết nhận thêm một đồng tôi cũng chẳng giàu thêm, nhưng tôi khiến giá trị của bản thân cũng như của cả ngành trong mắt họ chẳng còn là gì cả.
Cho đến cuối cùng giá trị lớn nhất nhận được là sự thanh thản khi lặng nhìn người bệnh ra viện khỏe mạnh.
Hơn ai hết, bác sĩ là người mong muốn nhất người bệnh của mình khỏe lại. Điều đó đánh giá một cách mạnh mẽ nhất GIÁ TRỊ của một bác sĩ...
Một bác sĩ được nhiều người tin tưởng nhờ điều trị là một người bác sĩ giá trị, một bác sĩ giá trị thì không bao giờ sợ đói ăn...
Bạn trả giá thế nào cho bác sĩ?
Linh NhiBạn đang xem bài viết Giá của một bác sĩ là bao nhiêu? tại chuyên mục Chân dung Bác sĩ của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].