FDA cảnh báo về những tai nạn đáng tiếc khi xăm, dán đề can Henna

Xăm hay dán đề can Henna đang là mốt với những người yêu thích hình xăm (tattoo) tuy nhiên đã xuất hiện những vấn đề về sức khoẻ đáng tiếc.

Những hình xăm đẹp đẽ (bên trái) có thể để lại hậu quả trên da như trong hình bên phải - Nguồn: FDA

Những hình xăm đẹp đẽ (bên trái) có thể để lại hậu quả trên da như trong hình bên phải - Nguồn: FDA

Đề can Henna hay hình xăm tạm thời: da có thể bị nóng rát, phồng rộp

Đề can Henna hay còn gọi là hình xăm tạm thời có thể dùng để trang trí bất cứ bộ phận nào của cơ thể, như khu vực bàn tay, gương mặt hoặc quanh mắt.

Đúng như tên gọi, đề can Henna là những hình vẽ trang trí được in trên một tấm đề can. Để in hình vẽ này trên da, người dùng chỉ cần áp mặt có hình vẽ vào cơ thể, thấm ướt mặt còn lại của đề can, hình vẽ sẽ lưu lại trên da.

Hình vẽ có thể tồn tại từ 3 – 5 ngày trên da. Hình thức làm đẹp này được nhiều người yêu thích vì không đau, có thể tự dán đề can theo ý thích tại nhà.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về một số trường hợp bị dị ứng với các loại đề can này.

Nguyên nhân là do không phải tất cả các loại màu sử dụng trên đề can đều an toàn. Màu trên đề can chủ yếu làm từ lá cây Henna – 1 loại cây có khả năng  lưu màu trên da xuất xứ từ Ấn Độ.

Tuy nhiên, người kinh doanh có thể thêm vào các loại hóa chất như thuốc nhuộm tóc, thuốc nhuộm từ than đá – có chứa p-phenylenediamine (PPD), một chất có thể gây kích ứng nghiêm trọng về da với một số người.

FDA đã nhận được báo cáo của một số người tiêu dùng về phản ứng của đề can Henna. Những người này thông tin hình xăm ‘tạm thời’ đã để lại sẹo ‘lâu dài’ trên da của họ.

Một số người bị phồng, rộp da, một số khác thậm chí bị chảy mủ ở phần áp dụng hình xăm. Đặc biệt, một số người phải đến phòng cấp cứu vì cảm giác đau rát nặng và phải chấp nhận sẹo lâu dài.

Bà Linda Katz, gián đốc Phòng quản lý về Mỹ phẩm và màu nhuộm (FDA) cho biết: ‘Các hình xăm tạm thời không đồng nghĩa với việc bạn không gặp nguy hiểm’.

Do loại đề can này có thể được bán ở kios lưu động, và luật của một số tiểu bang có thể không quản lý việc kinh doanh đề can Henna, nên việc áp dụng loại đề can này như thế nào cho an toàn phụ thuộc phần nhiều vào người tiêu dùng.

FDA khuyến cáo người sử dụng đề can Henna nên thử dùng đề can ở các phần ít lộ ra của cơ thể, trước khi dùng trên các bộ phận như mặt, dưới mắt...

Riêng với sản phẩm đề can hình xăm, FDA đã ban hành 2 cảnh báo nhập khẩu để ngăn cản sự lưu hành.

Tuy nhiên, do nhu cầu với sản phẩm này là không nhỏ nên các lô hàng vẫn lén lút được nhập khẩu vào Mỹ.

Để đối phó với tình trạng này, FDA đã ban hành Thư cảnh báo để các công ty/salon làm đẹp biết rằng họ vi phạm luật khi sử dụng các sản phẩm không được FDA ủng hộ.

Một hình xăm Henna bị dị ứng nghiêm trọng - Nguồn: FDA

Một hình xăm Henna bị dị ứng nghiêm trọng - Nguồn: FDA

Xăm Henna: Nguy cơ dị ứng, sẹo phồng do mực xăm không đảm bảo

Khác với đề can Henna, người xăm Henna phải đến các cơ sở thẩm mỹ/ xăm hình để thực hiện. Các nghệ sĩ sẽ dùng mực Henna để vẽ lên cơ thể khách hàng. Hình xăm cũng chỉ tồn tại từ 5 – 7 ngày.

Vấn đề của xăm Henna là mực xăm được làm từ một loại lá cây (cây Henna) chỉ được phép áp dụng cho việc nhuộm tóc.

FDA khẳng định mực xăm này không được phép sử dụng trên da, do đó, về bản chất, loại hình làm đẹp này không được FDA đảm bảo độ an toàn.

Bởi vì mực Henna vốn chỉ bao gồm màu nâu, cam – nâu, nâu đỏ – nên các thành phần khác sẽ được thêm vào để tạo ra những màu sắc khác, như ‘Henna đen’ hay ‘Henna xanh’.

Ngay cả những màu truyền thống như Henna nâu, cũng có thể bị thêm các thành phần khác để làm cho hình xăm đậm hơn, tồn tại lâu hơn trên da.

Một thành phần được biết đến để làm đậm màu hình xăm là thuốc nhuộm từ bột than đá (PPD), có thể gây hại nghiêm trọng cho da. Theo luật của Mỹ, PPD không được sử dụng trong mỹ phẩm dùng cho da.

Đề can Henna được bán rất nhiều ở Việt Nam

Henna là một hình thức xăm mình truyền thống của Ấn Độ, hiện nay đã lan rộng ra toàn thế giới. 

Xăm Henna có ưu điểm so với xăm mình truyền thống là không dùng kim xăm, không gây đau mà chỉ dùng một loại mực đặc biệt để vẽ hình trên da, sau 3 - 7 ngày, các hình vẽ này sẽ dần bay màu. 

Thời gian gần đây, bên cạnh xăm Henna, đề can Henna (hay Henna sticker) cũng được rao bán khá rầm rộ trên một số website ở Việt Nam.

Giá của các hình xăm này thường từ 85.000 – 100.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với việc đến các Thẩm mỹ viện hoặc các cửa hàng xăm chuyên nghiệp. 

Ngoài đề cam hình xăm Henna thông thường, còn có một số loại đề can hình xăm phản quang. Xuất xứ chủ yếu của tất cả các sản phẩm này đều là từ Trung Quốc. Sản phẩm này được bán trôi nổi và không được kiểm định chất lượng, độ an toàn bởi bất cứ cơ quan chức năng nào.

Decal Henna được giới thiệu trên một website bán hàng trực tuyến ở Việt Nam

Decal Henna được giới thiệu trên một website bán hàng trực tuyến ở Việt Nam

Phương Phương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính