Sự chia sẻ quá mức trên Facebook và các mạng xã hội khác dường như đang biến cuộc sống thực trở thành ‘hàng nhái’ (fake) hơn bao giờ hết.
Trẻ con học cách ‘diễn’ từ khi 3 tuổi
Không biết là tốt hơn hay tồi hơn, nhưng với các thế hệ trước, đặc biệt là các bà mẹ, thường chỉ nói về một ngày mệt mỏi với công việc nội trợ và chăm sóc con cái bằng một câu đơn giản: ‘Cuối cùng mọi sự cũng tốt đẹp’.
Giờ đây, với các bậc cha mẹ thời hiện đại, sống trong một thế giới của update và upload diễn ra từng giây từng phút, chúng ta bị cám dỗ bởi việc cập nhật những điều lặt vặt nhất trong cuộc sống cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người chiêm ngưỡng.
Những người đó bao gồm tất cả, từ những người bạn thân, họ hàng đến đồng nghiệp, cả những người chúng ta mới gặp một vài lần, thậm chí chưa gặp lần nào.
Nội dung của những dòng trạng thái hay bức ảnh mà chúng ta up lên có thể là rất bình thường với người này, nhưng lại là ‘khiếm nhã’ với người khác.
Theo khảo sát của trang web Parents.com, có tới 65% các bậc cha mẹ nghĩ rằng post một bức ảnh các con trong bộ đồ lót lên mạng xã hội là không ổn, nhưng 35% còn lại cho đó là vô cùng bình thường.
Tương tự, trong cuộc khảo sát của trang web này với 2.000 người, thì 79% cho rằng các bậc phụ huynh khác đang chia sẻ quá mức các vấn đề riêng tư trên mạng xã hội, trong khi chỉ có 32% người trả lời nghĩ rằng chính bản thân mình đang chia sẻ quá mức (!)
Quan trọng hơn những đánh giá của người lớn, chúng ta dường như vẫn chưa đánh giá hết tác hại của việc nghiện Facebook của cha mẹ đối với trẻ em.
Đây là thế hệ đầu tiên các em bé được sinh ra trong thế giới ‘dường như là hạnh phúc’ tràn ngập Facebook, Twitter, Instagram.
Không khó để nhận ra mấy nhóc tì 3 – 4 tuổi bắt đầu biết cách ‘pose’ rất chuyên nghiệp.
Một tư thế phổ biến, cái gọi là tư thế ‘ngồi kiểu nữ sinh’ được các bé học theo: chân hơi khuỵu, tay giơ trên đầu, nụ cười đóng băng một cách hoàn hảo.
Một loạt các bé khác thì diễn theo kiểu: tay chống hông, cùi chỏ hếch lên...
Trẻ học theo những gì người lớn thích trong đời thực và ‘Like’ trên Facebook, vì thế, ngay từ tuổi còn thò lò mũi, bọn trẻ đã biết nếu mẹ cười trước hành động gì của chúng, mẹ sẽ ‘pót’ lên Facebook ngay sau đó.
Trẻ thích nổi tiếng lúc bé nhưng sẽ xấu hổ khi lớn lên
Trong khi cha mẹ lớn lên ở thời mấy anh chị em phải tranh nhau để ngồi vào máy tính bàn của gia đình, chơi mấy game đơn giản, thì bọn trẻ giờ đây đã học được về sức mạnh và sự lan truyền của mạng xã hội. Chúng biết đây là nơi bất cứ ai cũng có thể trở thành ngôi sao.
‘Sự tập trung vào việc chụp và uploading những bức ảnh tự sướng, hay bản chất dân chủ hóa một cách tự nhiên của YouTube, khiến cho trẻ khao khát sự nổi tiếng nhiều hơn hẳn so với các thế hệ trước’ – Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Kaveri Subrahmanyam nhận xét.
Trong một nghiên cứu với trẻ em từ 9 đến 13 tuổi ở trung tâm Truyền thông điện tử của Đại học California, những đứa trẻ có tài khoản mạng xã hội hoặc YouTube riêng, có ham muốn nổi tiếng nhiều hơn so với những trẻ không có.
Ngay cả những đứa bé chưa đủ lớn để ra khỏi ghế ngồi phụ trên xe ô tô cũng biết hỏi có bao nhiêu ‘Like’ với những post liên quan đến chúng.
Bọn trẻ ở tầm tuổi mẫu giáo có quá ít ý tưởng về sự riêng tư. Tuy nhiên, từ tầm 9 – 10 tuổi trở lên, chúng bắt đầu cảm thấy xấu hổ khi bị bố mẹ đăng hình lên Facebook.
Có thể không phải là những bức ảnh hiện tại, mà những bức ảnh từ khi chúng còn nhỏ sẽ gây phiền toái vì ‘chủ sở hữu’ giờ đây đã lớn, không muốn bị phơi bày hình ảnh thời ‘bỉm sữa’ của mình.
Dù sao, trước khi post bất cứ hình ảnh nào về con cái lên mạng xã hội, cũng không thừa khi cha mẹ tự hỏi: ‘Sẽ thế nào khi con mình 14 tuổi và xem lại post hay ảnh này?’.
Ví như, một đứa trẻ chắc chẳng vui vẻ khi nhìn lại bức ảnh hồi nhỏ đang kẹt trong một tủ đựng đồ và khóc toáng lên, cha mẹ của em, thay vì đi tới và kéo con ra ngay lập tức, đã dừng lại để chụp một bức ảnh ‘funny’ để đưa lên Instagram.
Cha mẹ chạy theo sự hoàn hảo, trẻ bị bỏ rơi và cảm thấy cô đơn
Một nghiên cứu gần đây của các nhà tâm lý Mỹ chỉ ra rằng nếu cha mẹ quá say mê với mạng xã hội, trẻ sẽ có tâm lý bị bỏ rơi.
Đồng tình với quan điểm này, Catherine Steiner – Adair, Tiến sĩ giáo dục, tác giả của cuốn sách ‘Sự mất liên lạc: Bảo vệ trẻ em và mối quan hệ gia đình trong thời đại số’ cho rằng: ‘Mạng xã hội rất tuyệt khi giúp chúng ta nhanh chóng chia sẻ mọi thứ với gia đình và bạn bè ở bất cứ đâu trên toàn thế giới.
Nhưng sẽ có một điều gây lo ngại là: bố mẹ đang bị kéo ra khỏi đời sống thực của gia đình, đắm chìm trong smartphones và màn hình máy tính. Trong lúc đó lũ trẻ cảm thấy bị bỏ rơi và cô độc’.
Hình ảnh bà mẹ hạnh phúc khi xưa là say mê trong bếp làm bánh, vui chơi với bọn trẻ gọn gàng và xinh xắn ngoài công viên.
Nhưng bà mẹ hạnh phúc ngày nay phải là cố gắng tỏ ra ‘bằng anh bằng em’ khi khoe điện thoại xịn trên Facebook, khoe bánh mới nướng theo công thức gợi ý bởi Pinterest, khoe ảnh mới check – in vào một khu nghỉ dưỡng cao cấp...
Sự khoe khoang thì thời nào cũng có ở một số người, nhưng nếu trước đây, ‘khán giả’ còn bị hạn chế, thì giờ, khán giả là hàng nghìn hàng vạn.
Sự khoe khoang bắt đầu ‘leo thang’ trở thành nghệ thuật. Điều đó thực sự có sức hấp dẫn và khiến nhiều bậc cha mẹ mất quá nhiều thời gian vào mạng xã hội, thay vì dành thời gian chăm sóc con cái trong cuộc sống thực.
Cuộc sống thực chẳng bao giờ hoạn hảo, vậy bạn có cảm thấy băn khoăn không khi hầu như tất cả những gì hiện ra trên Facebook feed của chúng ta lại bóng loáng, hạnh phúc và đẹp đẽ đến vậy?
Một khảo sát của trang web Parents.com cho thấy 67% người được khảo sát cho rằng hầu hết các bậc cha mẹ không thật thà trên mạng xã hội khi nói về quá trình nuôi dậy con của họ.
Một bà mẹ có tên Mary chia sẻ cảm giác ‘hối lỗi’ khi đi làm về muộn đến mức không thể ăn tối cùng gia đình. Trong khi đó, một người bạn trên Facebook của Mary vừa khoe một bức ảnh với tràn ngập các món ăn ngon mà cô ấy ‘tự tay’ nấu cho gia đình.
Mary kể lại: ‘Mấy ngày sau, tôi vô tình gặp chồng của cô bạn vừa khoe ảnh trên Facebook.
Tôi buột miệng hỏi: Chắc là một bữa tối ngon tuyệt đang đợi anh ở nhà tối nay?
Anh ấy bảo: Tối nay á, chắc lại là đồ ăn nhanh McDonald thôi. Chúng tôi ăn như vậy vài lần mỗi tuần’ (!)
‘Tôi không thể tin điều anh chồng bạn tôi nói hoặc là tôi đã để cho trí tưởng tượng dẫn dắt quá nhiều khi nhìn trên Facebook’ – Mary nói – ‘Tất nhiên là bạn tôi chỉ là đưa ra một góc của toàn bộ câu chuyện, cô ấy đã không post tất cả’.
Một khảo sát của trang web Parents.com cho thấy 67% người được khảo sát cho rằng hầu hết các bậc cha mẹ không thật thà trên mạng xã hội khi nói về quá trình nuôi dậy con của họ.
Một bà mẹ khác thì thú nhận rằng mình cũng là người thích bắt chước theo những tấm poster nói về sự hoàn hảo.
‘Tôi đã từng luôn luôn quan tâm đến việc bạn bè nghĩ thế nào về mình, như một người mẹ, người vợ và người phụ nữ.
Những post của tôi rất lựa chọn, phải đảm bảo rằng không có cái gì bừa bộn ở đằng sau, bọn trẻ ăn mặc hoàn hảo và tôi trông không đến nỗi tệ’ – chị Vicky Lyashenko, mẹ của 2 đứa trẻ 6 và 4 tuổi tâm sự.
‘Tôi phải mất mấy năm mới vượt qua được cảm giác đó và không còn quan tâm đến việc người khác nghĩ như thế nào về mình’.
Ai cũng biết rằng, chẳng có bà mẹ nào là hoàn hảo, thế nhưng vòng luẩn quẩn là xem nhà ai đẹp nhất, mẹ nào khéo tay nhất, em bé nào đáng yêu nhất... trên mạng xã hội vẫn chưa hề có dấu hiệu kết thúc.
Đừng bỏ lỡ những khoảnh khắc hạnh phúc chỉ vì ‘pose’ và ‘post’
Một bà mẹ Mỹ chia sẻ câu chuyện của mình:
‘Một buổi sáng, tôi mặc áo cho con, giống như mọi khi, thằng bé không thích cái áo len tôi chọn cho nó.
Thằng bé đá chân và ngã lăn trên giường, tôi thì cố gắng trùm cái áo len vào người, trượt mất nó rồi lại cố lần nữa,... cho đến khi cả hai mẹ con ngã ra vì buồn cười.
Tiếng cười khúc khích ngọt ngào của con âm vang khắp căn nhà.
Không có máy ảnh hay smartphone lúc đó. Đó chỉ là một khoảnh khắc, giống như nhiều bà mẹ thường bắt gặp khi nuôi con, rất là ngốc nghếch và ngọt ngào, điên rồ và vô ưu.
Đó là khi khoảng khắc giản dị đời thường diễn ra, chẳng có khán giả nào. Chẳng có ‘Like’ nào và chỉ được ‘Share’ bởi 2 người liên quan nhất: mẹ và con.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Facebook đã biến cuộc sống thành ‘Fakebook’ như thế nào? tại chuyên mục Nếp nhà của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].