Đừng để 'xã hội hóa' thành khẩu hiệu 'bòn rút' túi tiền phụ huynh

Nhiều khoản đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện đầu năm học mới của phụ huynh đang bị lạm dụng để 'bòn rút' túi tiền phụ huynh...

  Nhiều nơi, quỹ tự nguyện, các khoản đóng góp đầu năm ngoài quy định trở thành gánh nặng cho phụ huynh học sinh

Nhiều nơi, quỹ tự nguyện, các khoản đóng góp đầu năm ngoài quy định trở thành gánh nặng cho phụ huynh học sinh

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa đảm bảo đầu tư đầy đủ, toàn diện cho các cơ sở, đơn vị giáo dục và người dân thực sự mong muốn đóng góp, cải thiện chất lượng giáo dục cho con em mình thì xã hội hoá là điều tất yếu và cần thiết.

Trên thực tế, rất nhiều đơn vị, nhiều ban đại diện cha mẹ đã làm tốt công tác xã hội hoá. Chất lượng giáo dục cùng cơ sở vật chất ở những trường này được nâng lên rõ rệt nhưng trái lại, xã hội hoá vẫn tồn tại một góc tối cần xóa bỏ.

Vấn đề này được nhìn nhận bởi chính những người làm giáo dục, chịu phản ứng gay gắt của không ít các bậc phụ huynh, nhất là khi các khoản thu vô lý, trở thành gánh nặng cho không ít gia đình Việt mỗi khi bắt đầu năm học mới.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội, nguyên hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, không thể nói xã hội hoá là không tốt, ngược lại có rất nhiều nơi làm tốt nhưng nó cũng có một thực tế là người ta đang lợi dụng xã hội hoá không nhằm vào mục tiêu vì trẻ em, vì giáo dục mà lợi dụng để làm nhiều việc khác. Đó là mặt trái của cơ chế thị trường buộc ta cần nhìn nhận xã hội hoá một cách bình tĩnh vì giải quyết được bài toán này không phải điều dễ dàng.

Suy xét lại, theo quy định, việc thu xã hội hoá nhằm mục đích để “cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe… hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học”… Nhưng ở một số nơi, năm nào trường cũng lấy cớ này để “đập đi, xây mới” với các khoản đóng góp không hề thay đổi. 

Chưa kể, là một mức thu tự nguyện, thế nhưng ở rất nhiều trường, trong quá trình triển khai, khoản thu xã hội hoá ít khi có sự bàn bạc, thống nhất với phụ huynh, thay vào đó là một mức thu cố hữu được đặt ra, chia đều cho phụ huynh trong trường. Ngoài ra, các khoản thu có sự cào bằng, phát sinh lạm thu. 

Cá biệt hơn, xã hội hoá biến tướng với hình thức phân biệt giàu nghèo, ở một số nơi, thay vì kêu gọi toàn bộ phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ vận động phụ huynh là doanh nhân, người giàu.

Vì lẽ đó, nói đến xã hội hoá, các “quỹ xây dựng”, “quỹ khuyến học”… phụ huynh chỉ ngao ngán và mong muốn một sự minh bạch trong tất cả các khoản thu ngoài quy định.

  TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Hà Nội, nguyên hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng

TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Hà Nội, nguyên hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, để chống biến tướng xã hội hoá không phải dễ. Để khắc phục được sự tham ô, tham nhũng  lợi dụng  danh nghĩa vì “lợi ích học sinh”, chỉ có cách xây dựng kiềng 3 chân bền vững.

“Đầu tiên phải kể đến, chúng ta hãy để cho nhà trường tự chủ, hiệu trưởng tự chịu trách nhiệm về đơn vị mình. Khi nhà trường được quyền tự quyết định về mọi mặt, ở đâu làm tốt, hiệu trưởng được vinh danh và ngược lại, nơi nào có sai trái, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. Để làm được điều đó, giáo dục cần thống nhất tuyển chọn hiệu trưởng vừa là nhà giáo dục vừa là nhà quản lý.

Khi là người xuất thân từ giáo dục, họ sẽ biết cách nâng cao chất lượng giáo dục thực sự. Còn với những người làm quản lý gốc quan chức, họ đi lên bằng phong bì thì sẽ tìm cách bù đắp bằng phong bì”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, ở nhiều nhà trường hiện nay đang thiếu  không khí dân chủ thực sự. Trong khi đó, vai trò dân chủ rất quan trọng, nó góp phần phát triển nhân cách học sinh, hoàn thiện giáo viên, nhà trường. Khi có bất cứ đề án nào cần thực hiện, chúng ta phải đem ra thảo luận, đóng góp nhưng nhấn mạnh phải là sự tham gia thường xuyên chứ không phải dân chủ giả vờ, dân chủ không ý nghĩa. 

Song song dân chủ, cần có cơ chế giám sát cộng đồng, tổ chức này sẽ như “con mắt” theo dõi toàn bộ hoạt động của nhà trường và phân định đúng – sai khách quan hơn. 

“Tất cả các giải pháp trên cần có quy chế rõ ràng để tất cả các bên, những người có liên quan thực hiện mới tạo hiệu quả đồng bộ. Khi có kiềng 3 chân, tôi chắc chắn sẽ không có sự lạm dụng nguồn xã hội hoá”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính