Cụ thể, hai bệnh nhân may mắn là cụ bà 73 tuổi bị sẹo giác mạc. Đã nhiều năm nay sống trong bóng tối. Bệnh nhân may mắn thứ hai là nam giới 42 tuổi bị đục giác mạc di truyền, 8 năm qua không nhìn rõ.
Hai bệnh nhân là những người may mắn trong 1.000 hồ sơ chờ ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt TW. Mỗi bệnh nhân được ghép một mắt.
TS.BS Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cho biết, sau khi hội chẩn 1.000 hồ sơ các bác sĩ đã chọn được 2 bệnh nhân đủ điều kiện để ghép. Giác mạc của bé Hải An có tế bào nội mô tốt, trong. Sau khi ghép mắt của hai bệnh nhân đã có phản ứng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt TW, ghép giác mạc là một phẫu thuật ghép mô nên mọi nguy cơ sau ghép đều giống như ghép thận, ghép gan...
Thành công sau ghép cũng phụ thuộc vào việc cơ địa của bệnh nhân có đáp ứng tốt với mảnh ghép hay không (vì có sự đào thải mảnh ghép), tay nghề của bác sĩ, chất lượng của giác mạc cho (giác mạc người cho đã lớn tuổi thường không tốt bằng người trẻ...), thời gian từ lúc lấy giác mạc mắt đến khi ghép (càng sớm càng tốt, tối đa là 14 ngày)...
Sau khi ghép giác mạc, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ, dùng thuốc đặc trị trong vài tháng đến vài năm để bảo đảm về mặt thẩm mỹ và chức năng (sáng mắt).
Bé Hải An 7 tuổi 3 tháng, ngụ tại Hà Nội đã qua đời sau một thời gian chống chọi căn bệnh ung thư thể sao.
Cả gia đình và bé đều có nguyện vọng hiến tặng mô tạng, nhưng do chưa đủ 18 tuổi nên Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia chỉ có thể nhận giác mạc của bé.
Xúc động trước trường hợp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã viết: "Món quà này thực sự là một viên ngọc sáng giữa đời! Đôi giác mạc của Con nay mai sẽ giúp được 2 người mù lòa có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Như vậy, tuy thân thể con rời xa chúng ta nhưng Con vẫn tiếp tục được sống thêm một lần nữa, Con sẽ vẫn được ngắm nhìn cuộc sống tươi đẹp này..."
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Đôi mắt của bé Hải An 7 tuổi đã giúp 2 bệnh nhân thoát khỏi bóng tối tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].