Hỏi: Chào bác sỹ,
Em mới đi làm răng sứ. Bác sỹ cho em hỏi răng sứ có bền không? Độ bền của răng sứ phụ thuộc vào gì? Và em có phải kiêng cữ gì không?
Vĩnh Thuật (TP HCM)
Trả lời: Độ bền của răng sứ phụ thuộc vào chất lượng cùi răng (răng thật được mài nhỏ đi) và mão răng sứ lựa chọn trong quá trình điều trị.
Trước hết xin nói về răng sứ:
Răng sứ là một loại răng đặc biệt, được cấu tạo gồm hai thành phần là sườn (lõi phía trong của răng) và lớp sứ phủ ở bên ngoài.
Răng sứ có nhiều loại, phụ thuộc vào vật liệu được sử dụng để chế tạo ra sườn như kim loại, Titanium, zirconia, cercon hay những kim loại quý như vàng,...
Nhưng tựu chung lại, có thể chia răng sứ thành hai loại cơ bản là răng sứ có kim loại (sườn răng được chế tạo bởi kim loại hoặc hợp kim có kim loại) và răng toàn sứ không kim loại.
Răng có sườn bằng kim loại
Kim loại, một trong những tính chất vật lý của nó là bị oxy hóa. Răng sứ được chế bảo bởi kim loại sau một thời gian sử dụng nhất định sẽ bị oxy hóa. Đây chính là thời điểm kết thúc sứ mạng của nó. Lúc này nó cần phải được thay lại bằng răng sứ mới.
Răng toàn sứ không kim loại
Răng toàn sứ không kim loại đã khắc phục được nhược điểm này. Có nghĩa là nó không bị oxy hóa hay gây ra tác dụng gì đối với mô nướu răng. Trừ trường hợp bị bể, mẻ thì răng toàn sứ không kim loại có thể đánh giá độ bền sử dụng tương đương với răng thật.
Vấn đề thứ hai là Cùi răng. Đối với những răng không phải chữa tủy, còn nguyên vẹn, cứng chắc và nếu được bọc bởi mão răng toàn sứ thì có độ bền sử dụng như răng thật.
Nếu được bọc bởi mão răng kim loại thì sẽ chịu sự chi phối của độ bền răng kim loại. Ví dụ răng kim loại thì sử dụng được khoảng 5 năm, răng Titan sử dụng được khoảng 10 năm,...
Đối với những răng đã chữa tủy thì tuổi thọ của cùi răng sẽ bị giảm đi theo thời gian. Tủy răng chính là nguồn sống của răng. Chữa tủy răng sẽ làm cho răng bị vôi hóa và theo thời gian sẽ dễ bị nứt, gãy.
Độ bền của răng chữa tủy sẽ phụ thuộc vào chế độ ăn nhai, giữ gìn của bệnh nhân sau này. Răng chữa tủy phải tuyệt đối tránh va đập cũng như ăn, cắn những đồ cứng.
Răng sứ sau khi làm xong sẽ được giữ gìn, vệ sinh giống như răng thật. Và răng sứ cũng như răng thật, chúng tôi đều khuyên bệnh nhân của mình nên giữ gìn trong ăn uống, tránh ăn, cắn, nhai những đồ ăn cứng. Tuyệt đối không sử dụng răng như một công cụ để cắt, xé những đồ vật cứng.
Chúc bạn có lựa chọn sáng suốt!
Bs Trần MừngBạn đang xem bài viết Răng sứ có độ bền như thế nào? tại chuyên mục Sức khỏe răng miệng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].