Hàng triệu khách hàng cần giúp ‘xua đuổi tình nhân’ của chồng
Một người phụ nữ trung niên mặc một bộ váy ren đen và một cái kính đen to bất thường được đưa vào văn phòng với ánh sáng lờ mờ. Bà muốn giấu tên nên tôi sẽ gọi bà ấy là bà X.
Bà sẵn lòng kể về kinh nghiệm sử dụng dịch vụ của Bệnh viện Tình yêu Weiqing, nơi nổi tiếng nhất Thượng Hải về dịch vụ xua đuổi tình nhân.
Với một giọng nói thì thầm, hơi run, bà nói về mối quan hệ với chồng. Hai vợ chồng bà có những mâu thuẫn ngày càng căng thẳng. ‘Tôi nghĩ trước đây chúng tôi cũng từng có một cuộc hôn nhân, nhưng bây giờ là một điều gì đó tốt hơn, một cuộc sống thật’ – giọng bà xúc động, mặc dù đôi mắt vẫn kiên quyết.
Bà đã tham gia các buổi tư vấn hôn nhân trong nhiều tuần liền, những bài học về tính tích cực và làm thế nào để trở thành một người vợ tốt hơn, đáng yêu hơn.
Ming Li, một người đồng sáng lập Bệnh viện Tình yêu Weiqing, khuyên những phụ nữ như bà X về những bí mật của một cuộc hôn nhân thành công, làm thế nào để ngăn chặn chồng ngoại tình.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những lời khuyên này là quá muộn và người chồng đã có ‘bồ nhí’.
‘Khi tôi phát hiện ra chồng ngoại tình, tôi chọn cách nói trực diện’, bà X nói. ‘Chúng tôi đã mâu thuẫn, cãi vã đầy cay đắng và tôi cứ liên tục hỏi anh ấy, 'Tại sao - tại sao anh làm vậy, trong khi em gắn bó với anh biết bao năm?'
Lúc đầu, chồng tôi cảm thấy tội lỗi. Nhưng sau đó, ông ấy không muốn nói chuyện với tôi nữa. Đó là lúc tôi tìm kiếm sự giúp đỡ’.
Bà X chọn cách trả một khoản phí để Bệnh viện Tình yêu Weiqing thực hiện dịch vụ ‘xua đuổi tình nhân’. Trong trường hợp này, là tìm cách ‘chia loan rẽ thúy’ giữa cô thư ký 24 tuổi với chồng của bà X, người gấp đôi tuổi của cô.
Mặc dù tốn hàng ngàn đô, nhưng bà X cho rằng đây là lựa chọn tốt hơn việc ly dị với ông chồng đã lừa dối bà.
‘Chúng tôi đã cùng nhau trải qua nhiều chuyện’ – bà nói.
‘Tôi không muốn phải từ bỏ tất cả. Chia tay chưa bao giờ là cụm từ tôi từng nghĩ đến. Và tôi cũng sắp 50 tuổi đến nơi, chẳng có cơ hội nào cho một người đàn bà như tôi’.
Ming Li và cộng sự của cô, Shu Xin, bắt đầu xây dựng Bệnh viện Tình yêu từ 17 năm trước. Họ đã giao dịch với hơn 1 triệu khách hàng và đang chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải.
Bệnh viện Tình yêu chuyên giúp hàn gắn hôn nhân, vũ khí đặc biệt của họ là dịch vụ 'xua đuổi tình nhân'.
Cả 2 đều bầy tỏ niềm vui, hào hứng miêu tả những việc mà họ đã làm được trong lĩnh vực tư vấn hôn nhân, cũng như vũ khí bí mật mang tên xua đuổi tình nhân của họ.
‘Chúng tôi đã có 33 cách để xua đuổi người thứ ba. Trong hôn nhân, có đủ loại vấn đề. Một trong số đó là ngoại tình. Điều này rất nghiêm trọng, chẳng những tồi tệ với gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định trong xã hội’ – Shu Xin giải thích.
Ông còn tiếp tục liệt kê bốn kỹ thuật chính của mình, với các mức độ thuyết phục khác nhau: thuyết phục tình nhân yêu người khác, nhờ sếp của chồng điều chuyển ông ta đến thành phố khác, nhờ cha mẹ hoặc bạn bè can thiệp, hoặc làm cho tình nhân của chồng ghê sợ bằng cách miêu tả những điểm tồi tệ, bệnh di truyền khó chịu của chồng.
Người viết muốn đọc đầy đủ 29 phương pháp còn lại, nhưng Shu Xin nói đó là bí mật kinh doanh không thể chia sẻ.
Truyền thông Trung Quốc đầy rẫy các câu chuyện liên quan đến ngoại tình, bao gồm cả bạo lực, tống tiền, đe dọa… Tuy nhiên, Bệnh viện Tình yêu khẳng định rằng họ không liên quan đến bất cứ điều gì phạm luật.
Gặp một ‘bác sĩ phẫu thuật’ chuyên cắt ‘khối u’ bồ nhí
Một doanh nhân khác cũng thực hiện dịch vụ tương tự, tên là Dai Peng Jun, sắp ra mắt công ty của mình.
Ông điều hành dịch vụ ‘xua đuổi tình nhân’ ở Thượng Hải như một phần của công ty thám tử thông thường.
Nói một cách giản dị, ông điều hành một nhóm các điệp viên bí mật đi khắp đất nước giúp phụ nữ chia cắt người đàn ông của họ ra khỏi những cô ‘bồ nhí’, như cách thông tục hay gọi ở Trung Quốc.
‘Có một cách cuối cùng để loại bỏ các cô tình nhân. Đó là chúng tôi kết bạn với họ, chụp với họ những bức ảnh hoặc quay video cảnh thân mật, sau đó gửi đến cho khách hàng của chúng tôi’ - Dai Peng Jun cho biết.
Bằng cách ‘lạt mềm buộc chặt’ này, các ông chồng nhận ra tình nhân cũng chẳng chung thủy với họ. Họ thường rời bỏ các cô và trở về đoàn tụ với gia đình.
Dai Peng Jun cho rằng dịch vụ ‘xua đuổi tình nhân’ rõ ràng là một dịch vụ công quan trọng, khi hầu hết những người đàn ông giàu có Trung Quốc hiện nay coi chuyện có ‘bồ nhí’ là bình thường.
Do kết quả của cải cách kinh tế ở Trung Quốc, rất nhiều người giàu lên nhanh chóng. Mặt trái của vấn đề là: nhiều người đàn ông giàu có muốn quay lại chế độ ‘thê thiếp’ như xưa.
Ông chủ Dai Peng-Jun giới thiệu tôi với một trong những ‘trợ thủ đắc lực’ của ông, cũng có tên là Dai.
Anh chàng có một phong thái quyến rũ, giọng nói trầm ấm và nam tính. Anh ấy làm việc như là một ‘bác sĩ phẫu thuật’ trong quá trình ‘cắt đuôi’ với các ông chồng đào hoa.
Dai giải thích: ‘Tự bản thân làm việc như một mồi nhử, và cả đội đều sẵn sàng ở đằng sau để hỗ trợ’.
‘Tôi phải hiểu được những góc khác nhau để làm hài lòng người phụ nữ. Ví dụ nếu cô ấy thích lối sống sang trọng, muốn sản phẩm sang trọng, nhà hàng đẹp, chúng tôi sẽ làm thỏa mãn cô ấy’.
Rõ ràng ném tiền qua cửa sổ để chiều chuộng phụ nữ là việc của Dai.
Anh sẽ dụ dỗ các cô bồ, sau khi chiếm đoạt được các cô, Dai có những bức ảnh hoặc video mà khách hàng của anh cần.
Tôi phân vân làm thế nào để Dai có thể coi việc lừa dối phụ nữ như cách để kiếm sống. ‘Chúng tôi thực hiện các biện pháp cần thiết. Chúng tôi đại diện cho hôn nhân được bảo đảm, khách hàng yêu cầu gì chúng tôi làm nấy. Các cô bồ mới chính là người có hành động sai’ – Dai cho biết.
Thật khó để đo lường mức độ phổ biến của dịch vụ xua đuổi tình nhân.
Trong 17 năm qua, Weiqing cho biết họ đã phát triển mạnh mẽ, với triển vọng sẽ sớm được niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải.
Nhà nghiên cứu xã hội học Zhang Lijia thì tin rằng hiện tượng này có thể giải thích phần nào từ sự thay đổi của Luật Ly hôn của Trung Quốc.
Từ năm 2011, bất kỳ tài sản nào mà một người đàn ông có thể chứng minh anh ta đã tạo ra trước hôn nhân thì không cần phải chia sẻ với vợ cũ của anh ta.
Tòa án cũng thường cấp cho gia đình người đàn ông quyền nuôi con, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. ‘Họ nói rằng luật ly hôn đã được viết để làm cho những người đàn ông cười và phụ nữ khóc’, Zhang Lijia cho hay.
‘Ngoài các thành phố thì chuyện phụ nữ ly hôn thường bị coi là một điều đáng xấu hổ’ – bà Zhang nói.
Bà X xuất hiện ở đầu phóng sự này rõ ràng đã dựa vào dịch vụ xua đuổi tình nhân như lựa chọn duy nhất. Bà cho rằng việc bỏ mấy ngàn đô ra cho dịch vụ này là đáng đồng tiền bát gạo.
Tôi hỏi bà, liệu bà còn yêu chồng không, liệu có khả năng một cô bồ nhí khác xuất hiện thế chỗ cho cô đã bị xua đuổi không?
‘Tất nhiên là tôi vẫn yêu ông ấy. Có quá nhiều điểm tốt của ông ấy khiến tôi vẫn yêu. Và giờ thì tôi biết hôn nhân của chúng tôi có vấn đề gì, tôi đã biết cách để thu xếp mọi chuyện tốt hơn’ – bà X nói.
Thật khó để nói gì về một thái độ lạc quan như thế, và Bệnh viện Tình yêu Weiqing rõ ràng là không có lý do gì để phủ nhận thái độ này.
Bà Ming Li, đồng sáng lập bệnh viện đặc biệt này nói: ‘Một vụ ngoại tình giống như là khối u của hôn nhân, vì vậy điều đầu tiên cần làm là loại bỏ khối u.
Sau đó mối quan hệ của cặp đôi sẽ tốt hơn. Kết hôn giống như việc lái xe, bạn thấy là không dễ để có bằng lái, nhưng cứ 18 tuổi là có thể kết hôn. Chúng tôi đang dạy mọi người cách đi đúng và an toàn’.
Theo BBC
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Dịch vụ ‘xua đuổi bồ nhí của chồng’ nở rộ ở Trung Quốc tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].