Đặc cọc tiền cho chủ nhà rất khó đòi lại!?
Chị Nguyễn Trà My (29 tuổi, ở Hà Nam) cùng với 2 người bạn của mình thuê chung một nhà trọ ở Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Căn phòng trọ khép kín, diện tích khoảng 25m2 được thuê với giá 3 triệu đồng/tháng, giá điện là 4.000 đồng/số, nước 30.000 đồng/m3, mạng và vệ sinh 150.000 đồng/tháng.
Lúc mới đến thuê nhà, chị Trà My và các bạn của mình đã đồng ý với điều kiện của chủ nhà đưa ra là đóng tiền 2 tháng, cọc 1 tháng tiền nhà. Hợp đồng nhanh chóng được lập ra với thỏa thuận: Bên nào muốn chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho bên kia một tháng; Nếu có lỗi xảy ra do bên cho thuê nhà hoặc bên đi thuê nhà thì bên còn lại được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước 1 tháng; Bên cho thuê nhà hoàn trả số tiền đã đặt cọc cho bên thuê…
Đọc hợp đồng thấy khá đầy đủ các điều khoản, nhìn chủ nhà cũng không phải người xấu, hơn nữa do muốn tìm chỗ ở ổn định lâu dài nên chị My và các bạn đã ký hợp đồng 1 năm, hết hợp đồng lại tiếp tục gia hạn ở thêm 1 năm nữa.
Nhưng sự cố bắt đầu xảy ra khi tiền điện, nước của phòng chị My tăng đột biến. Khi đó là tháng 5, thanh toán tiền điện, nước tăng hơn so với tháng 4 vài trăm nghìn nên chị My và bạn không để ý nhiều, chỉ nghĩ trời nóng hơn nên dùng điện nước nhiều hơn.
“Đến tháng 6, chúng tôi dùng điện nước vẫn như tháng 5 (ban ngày đi làm, tối về mới tắm giặt, dùng quạt, điều hòa, trong phòng có 1 chiếc tủ lạnh) nhưng khi thanh toán tiền điện, nước tăng nhiều so với tháng 5.
Nghi ngờ đồng hồ điện, nước phòng mình có vấn đề nên chúng tôi nhắc chủ nhà kiểm tra, nhưng gọi mãi mà họ không kiểm tra mà còn bảo “trời nắng nóng nhà nào chẳng dùng nhiều hơn”.
Đến tháng 7 thì điện, nước tăng “phi mã”, gấp 3 lần tháng 5. Theo hóa đơn chủ nhà cộng sổ, chúng tôi phải đóng hơn 1 triệu tiền nước và khoảng 2,5 triệu tiền điện.
Quá choáng với số tiền điện, nước phải đóng nên chúng không đồng ý, yêu cầu chủ nhà đối chiếu số điện nước các phòng bên cạnh. Thật bất ngờ, phòng hàng xóm 2 người ở, nuôi 1 chú chó to đùng, tắm rửa cho chó suốt ngày nhưng chỉ hết 1 khối nước cả tháng và chưa đến chục số điện.
Chúng tôi nghi ngờ đã có trò mờ ám xảy ra với đồng hồ điện, nước của chúng tôi vì tất cả đồng hồ đều để ở ngoài hành lang và không có camera giám sát.
Nhưng chủ nhà không có thiện chí tìm nguyên nhân mà còn bảo do phòng chúng tôi toàn con gái nên dùng nhiều điện, nước, còn hàng xóm là con trai nên dùng ít là bình thường. Đồng thời bắt chúng tôi phải đóng đủ số tiền điện nước tăng “phi mã”, có gì tháng sau theo dõi tính sau” – chị Trà My kể lại.
Quá bức xúc với cách xử lý của chủ nhà nên chị My và các bạn thông báo sẽ chuyển đi với lý do đồng hồ điện, nước có vấn đề nhưng chủ nhà không kiểm tra, sửa chữa (lỗi từ phía chủ nhà) và yêu cầu hoàn trả tiền đặt cọc.
“Lúc chúng tôi thông báo thì chủ nhà không nói gì, nhưng đến ngày chúng tôi trả nhà trọ, đòi tiền cọc thì họ lật lọng không trả với lý do chúng tôi không báo trước 1 tháng.
Bạn tôi lấy hợp đồng ra nói chuyện với họ nhưng cũng vô ích với cách hành xử thiếu văn hóa của chủ nhà. Tôi đề nghị báo công an nhưng bạn tôi lo ngại thủ tục phiền hà và không muốn mất thời gian cãi nhau với chủ nhà nên chấp nhận mất cọc” – chị My chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ đó, bạn Đỗ Thị Trang (25 tuổi, quê ở Ninh Bình) cũng bị mất oan tiền đặt cọc với chủ nhà. Trang cùng một người bạn thân thuê nhà trọ ở Cầu Giấy. Căn phòng rộng 20m2 với đầy đủ tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, nóng lạnh có giá 3,5 triệu đồng/tháng, điện giá 4.000 đồng/số, nước 30.000 đồng/m3, mạng và vệ sinh 120.000 đồng/tháng/phòng.
Sau khi xem nhà, Trang và bạn đã ký hợp đồng thuê nhà 6 tháng với chủ nhà (từ tháng 2/2022 – tháng 8/2022), đóng tiền 1 tháng và đặt cọc 1 tháng (3,5 triệu đồng).
Lúc đầu chủ nhà quảng cáo phòng đầy đủ tiện nghi, nhưng thực tế khi đến ở Trang mới nhận thấy đồ dùng trong nhà thường xuyên hỏng hóc, hết tủ lạnh hỏng lại đến máy giặt hỏng, gọi chủ nhà đến sửa nhưng chỉ được vài ngày lại hỏng.
Nhà để xe thì chật kín, mỗi sáng đi làm Trang và bạn phải mất rất nhiều thời gian, công sức để lấy được chiếc xe máy ra ngoài.
Tốn khá nhiều tiền để thuê nhà nhưng chất lượng nhà ở lại không xứng với đồng tiền bỏ ra nên khi hết hạn hợp đồng, Trang không gia hạn ở thêm mà chuyển đi nơi khác.
Theo như hợp đồng thỏa thuận trước đó, sau khi hết hợp đồng, nếu không gia hạn thêm thì sẽ thanh toán tiền điện nước trừ vào tiền cọc và trả lại phần tiền thừa.
Khi Trang và bạn chuyển đi, chủ nhà nói chắc nịch đến tối rảnh sẽ chốt tiền điện nước, phần thừa còn lại sẽ chuyển khoản trả.
“Nhưng đến nay đã chuyển đi hơn 1 tháng mà tôi vẫn chưa đòi lại được hơn 2 triệu tiền cọc dư sau khi trừ điện nước. Gọi điện, nhắn tin nhắc nhiều lần mà chủ nhà bảo bận chưa chuyển được. Tôi bảo đến nhà lấy tiền mặt thì lại lấy cớ đi làm không có nhà. Nhiều lúc nghĩ, tiền của mình mà sao giống đi xin người ta quá vậy…” – Đỗ Trang chia sẻ.
Cần chú ý điều gì khi đi thuê nhà trọ để không bị mất tiền oan?
Để tránh rơi vào cảnh mất tiền oan khi đi thuê nhà trọ, các luật sư khuyến cáo, người đi thuê nhà cần thận trọng với những thông tin mời chào hấp dẫn trên mạng xã hội, những thông tin quảng cáo tràn lan khắp nơi.
Với những trường hợp chủ nhà trọ yêu cầu tiền đặt cọc quá lớn, người thuê nhà cần cần tìm hiểu kỹ thông tin và chỉ đặt tiền khi thỏa thuận rõ ràng.
Và trước khi ký hợp đồng thuê nhà, người thuê nhà cần đọc kỹ các điều khoản ghi trong hợp đồng, xem kỹ các khoản chi phí hàng tháng, tiền phát sinh, tiện ích dịch vụ được sử dụng, số tiền đặt cọc, điều kiện kết thúc hợp đồng…
Trong hợp đồng thuê nhà cũng cần ghi chi tiết giá thuê, thời gian thuê, áp dụng giá thuê đó trong thời gian bao lâu, đến khi nào sẽ tăng giá, tỉ lệ tăng mỗi năm không quá bao nhiêu phần trăm, việc sửa chữa đồ dùng trong nhà trọ, sửa nhà, thay đổi công năng, vật dụng... do ai trả tiền.
Khi lập hợp đồng, chủ nhà cần cung cấp cho bên thuê một số giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người thuê nhà. Hai bên không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng. Tuy nhiên trên thực tế, các bên nên thực hiện công chứng, chứng thực để đảm bảo tính pháp lý và tránh trường hợp bị mất hợp đồng.
Khi xảy ra tranh chấp, người thuê nhà cần thu thập các chứng cứ để chứng minh và nhờ sự giúp đỡ từ công an, chính quyền địa phương hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên cho thuê nhà đang cư trú để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình.
An AnBạn đang xem bài viết Đi thuê nhà trọ cần chú ý điều gì để không bị mất tiền oan? tại chuyên mục Bất động sản của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].