Theo thông kê, hiện cả nước đã có tới 83,4% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) có thẻ BHYT. Trong đó 5 tỉnh, thành phố có 100% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT gồm: Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và Cà Mau.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, mục tiêu đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV trên cả nước có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Để đạt được mục tiêu này, nhiều văn bản và hành lang pháp lý đã được ban hành.
Các địa phương cũng đã chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT.
Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đã và đang chung tay hỗ trợ Việt Nam triển khai BHYT cho người nhiễm HIV về kỹ thuật và những nguồn tài chính quan trọng.
Bà Stephanie De Goes, điều phối viên chương trình PEPFAR tại Việt Nam cho rằng, BHYT là cột sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của một quốc gia.
Để đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT thì Bộ Y tế cần nghiên cứu, sửa đổi, tháo gỡ những rào cản, khó khăn, cho phép người nhiễm HIV có nhiều cơ hội tiếp cận với BHYT hơn.
PEPFAR cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về thông tin chiến lược để có môi trường thuận lợi cho việc triển khai BHYT trong thời gian tới. Đồng thời, PEPFAR cũng sẽ cùng với Việt Nam đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng trong môi trường thân thiện.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, với mục tiêu bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân qua BHYT từ 1/1/2019 thì thời gian còn rất ngắn, lộ trình đưa thuốc ARV từ nguồn BHYT thay thế cho nguồn viện trợ đã rất rõ ràng. Việc thanh toán thuốc ARV qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là bắt buộc, được thể chế bằng luật.
Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục khẩn trương, chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Đồng thời, GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng nhắc nhở các địa phương kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS còn chậm cần khẩn trương triển khai ngay trong tháng này và tháng sau vì phải thanh toán các dịch vụ y tế khác cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT với cơ quan BHYT để làm quen dần trước khi thanh toán thuốc ARV qua BHYT.
Cơ sở điều trị HIV/AIDS nào nếu không thể ký được hợp đồng với BHYT cần phải chuyển bệnh nhân sang phòng khám, bệnh viện có hợp đồng với BHYT. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nới rộng tiêu chuẩn cơ sở điều trị HIV/AIDS để nhiều cơ sở y tế có thể tham gia vào điều trị.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Đến năm 2020: 100% người nhiễm HIV trên cả nước sẽ có thẻ bảo hiểm y tế tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].