Trong số 7 bài học kinh nghiệm sinh tử về quản lý sự nghiệp chia sẻ trên mạng Linkedin, Indra Nooyi có 2 bài học rút ra từ những lần về thăm gia đình tại Ấn Độ: “Con người là tất cả” và “Hãy để lại vương miện trong gara”
1. Con người là tất cả
Sự thành công của một doanh nghiệp thường đi kèm với một điều quan trọng: làm việc nhóm
Trước đây, nếu bạn muốn tuyển dụng được người có tài năng tốt nhất, tất cả những gì bạn cần quan tâm chỉ là về công việc. Trong thế giới ngày nay, điều đó là chưa đủ. Bạn không chỉ cần quan tâm đến cái đầu của nhân viên, mà còn phải hiểu trái tim của họ.
Khi Steve Reinemund là Giám đốc điều hành của Pepsi, ông đã làm điều này rất tuyệt vời. Ông ta gửi các lá thư viết tay cho nhân viên cám ơn họ đã làm tốt công việc.
Khi tôi trở thành CEO, tôi cũng cố gắng làm như vậy.
Nhưng cách tôi nghĩ về tất cả những điều này đã thay đổi hoàn toàn vào năm 2007, khi tôi về Ấn Độ để thăm mẹ tôi lần đầu tiên sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành.
Một dòng người gồm toàn người thân, bạn bè của mẹ tôi đang đến nhà tôi. Họ sẽ đi thẳng tới mẹ tôi và nói, "Xin chúc mừng!" hoặc "Bà đã thật giỏi khi nuôi dạy Indra được như ngày nay!"
Tôi bất ngờ nhận ra tôi chưa bao giờ thực hiện được điều tương tự như vậy với các cấp dưới của tôi.
Vì vậy, ngay khi tôi trở lại Mĩ, tôi quyết định gửi thư cảm ơn cha mẹ của một số giám đốc điều hành cấp dưới của tôi ở PepsiCo. Và kể từ đó, tôi cũng thường gửi các bức thư cảm ơn cho cả vợ hoặc chồng của họ.
Tác động của những bức thư này đã dẫn đến một số kinh nghiệm có ý nghĩa nhất mà tôi từng có. Nếu có lời khuyên nào cho những người đang cần hướng dẫn của tôi trong việc lãnh đạo, thì đây là lời khuyên: Bạn hãy thử viết thư cảm ơn chân thành tới người thân của cấp dưới, bạn sẽ vô cùng bất ngờ vì việc làm này có tác động tích cực ngoài mong đợi.
2. Hãy để lại vương miện trong gara
Không ai trong chúng ta chỉ là một nhân viên. Chúng ta cũng là một bà mẹ, người vợ, người chồng, con gái hoặc con trai. Ai cũng phải cố gắng cân bằng nhiều vai trò.
Và đó là bài học tiếp theo của tôi.
Tôi sẽ không bao giờ quên được lần trở về nhà sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Pepsi vào năm 2001. Mẹ tôi đã đến thăm vào thời điểm đó.
"Mẹ, con có tin tuyệt vời cho mẹ" tôi hét lên. Mẹ tôi bình tĩnh trả lời: "Đợi đã, mẹ cần con đi ra ngoài và lấy sữa!"
Vâng, tôi đi ra ngoài và lấy sữa. Khi tôi trở lại, tôi nhảy lên hào hứng. Tôi hét lớn: "Con có một tin tuyệt vời cho mẹ. Con vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Pepsi. Vậy mà tất cả những gì mẹ muốn con làm là đi ra ngoài và lấy sữa sao?"
Mẹ tôi đã nói: "Để mẹ giải thích cho con nghe. Con có thể là Chủ tịch của Pepsi. Nhưng khi bước vào ngôi nhà này, trước tiên con là vợ và mẹ. Không ai có thể thay được vị trí đó của con. Vậy nên hãy để vương miện trong gara!"
Mẹ tôi nói đúng, tất nhiên. Cho dù chúng ta là ai, chúng ta làm được gì, không ai có thể thay thế chúng ta trong gia đình của chúng ta.
Bây giờ, tôi phải thừa nhận, khó lòng có thể đảm nhiệm tất cả các vai trò làm mẹ, làm vợ, làm nhân viên, và cả làm một cá nhân như mình muốn trong cùng một lúc được. Thông thường, bạn cần phải có sự lựa chọn, và điều đó đặc biệt đúng nếu bạn muốn trở thành CEO. Không có cách nào khác.
Tuy nhiên, sau tất cả những lựa chọn đau đớn mà chồng tôi và tôi phải làm, tôi biết gia đình tôi đã may mắn vô cùng. Nhiều gia đình ở Mĩ không có đại gia đình bên cạnh để giúp đỡ chăm sóc trẻ em hoặc không có một công việc đủ chu cấp tài chính cho các dịch vụ này.
Đây là một thách thức chúng ta cần phải thực hiện ngay. Chúng ta cần kết hợp với nhau, như các tập đoàn và như một xã hội để hỗ trợ những người lao động đang chăm sóc trẻ nhỏ, cha mẹ già cả hoặc cả hai.
Tôi tự hào nói rằng chúng tôi đang cố gắng làm như vậy tại PepsiCo. Mùa thu này, chúng tôi sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ tại chỗ tại trụ sở chính của chúng tôi ở Purchase, New York và chăm sóc trẻ tại chỗ cho nhân viên tại Plano, Texas. Và chúng tôi cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ cho nhân viên của PepsiCo tại một số nước trên khắp thế giới.
Đó chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chúng tôi để đảm bảo rằng chúng tôi đang hỗ trợ nhân viên của chúng tôi bằng mọi cách, hỗ trợ họ phát triển không chỉ trong sự nghiệp mà cả trong cuộc sống.
Indra Nooyi (sinh năm 1955) là một người Mĩ gốc Ấn, trở thành CEO của Pepsi vào năm 2006 và Tổng Giám đốc của công ty này vào năm 2007.
Năm 2014, bà được xếp hạng trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất toàn cầu của Forbes và cũng được đứng thứ 82 trong danh sách các phụ nữ quyền lực nhất thế kỷ 21 do tạp chí Fortune bình chọn.
Nhân dịp một thập kỷ điều hành Pepsi, bà đã chia sẻ 7 bài học quan trọng dành cho nhà lãnh đạo vĩ đại: Tầm nhìn - Tính bền bỉ - Thuyết phục – Nghe - Học tập - Cộng tác - Khiêm tốn.
Hai trong số 7 bài học đó (Cộng tác và Khiêm tốn) bà đã học được từ chính những lần gặp mẹ của mình.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết "Để lại vương miện trong gara" - Bài học giản dị của nữ CEO Pepsi sau khi về thăm mẹ tại chuyên mục Quà tặng Cuộc sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].