Đau lưng là một trong những triệu chứng thường gặp trong đời sống. Với mỗi vị trí đau lưng khác nhau có thể chiến báo các bệnh khác nhau. Cùng tìm hiểu vị trí và nguyên nhân gây đau lưng qua bài viết dưới đây nhé!
Đau lưng là bệnh gì?
Đau lưng là tình trạng xuất hiện cảm giác đau nhức ở vùng lưng, có thể là nguyên nhân do bệnh lý cơ xương khớp hoặc các bất thường của cơ quan khác bên trong cơ thể.
1 Nguyên nhân gây ra đau lưng
Dựa vào nguyên nhân gây ra đau lưng. Bác sĩ thường chia đau lưng thành hai loại là đau lưng kiểu cơ học và đau lưng do viêm.
Đau lưng kiểu cơ học
Khi các cấu trúc ở lưng như cột sống, đĩa đệm, cơ, dây chằng ở lưng xuất hiện bất thường hoặc các tế bào thần kinh ở lưng bị chèn ép có thể gây ra đau lưng. Cụ thể là:
- Đứt dây chằng: khi dây chằng nối giữa các cột sống bị tổn thương do xoắn vặn hoặc hoạt động không đúng tư thế sẽ làm dây chằng bị đứt hoặc tổn thương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cột sống và gây đau.
- Chấn thương: khi xuất hiện chấn thương trực tiếp vào lưng sẽ gây ra tổn thương gân cơ dây chằng gây đau.
- Thoái hóa và thoát vị đĩa đệm: đĩa đệm bị chèn ép gây nên những kích thích thường xuyên vào dây thần kinh tại cột sống. Việc này làm xuất hiện cảm giác đau.
- Trượt đốt sống: tình trạng đốt sống lệch khỏi vị trí ban đầu sẽ khiến hoạt động của lưng không bình thường. Khi người bệnh cố gắng thực hiện những hoạt động hàng ngày có thể gây đau.
- Hẹp cột sống: khiến cho dây thần kinh chạy trong ống sống bị chèn ép và gây đau.
- Đốt sống bị gãy: có thể làm tổn thương cơ và thần kinh gây nên tình trạng đau.
- Vẹo cột sống: tình trạng cột sống bất thường khiến cho việc thực hiện các động tác vùng lưng bị ảnh hưởng. Nếu người bệnh hoạt động quá mức vùng lưng sẽ gây đau.
Thoát vị đĩa đệm có thể gây ra đau lưng
Đau lưng kiểu viêm
Đau lưng kiểu viêm thường là những cơn đau lưng khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động, đau nhiều về đêm, do các bệnh lý đặc trưng. Cụ thể là:
- Viêm khớp dạng thấp.
- Viêm cột sống dính khớp.
Bệnh viêm cột sống dính khớp có thể gây đau lưng
Nguyên nhân khác
Một số bệnh lý tác động vào khớp xương khiến cho cấu trúc vùng lưng bị ảnh hưởng gây nên tình trạng đau. Cụ thể là:
- Loãng xương: cột sống không khỏe mạnh sẽ dễ gãy hơn bình thường.
- Người bệnh thường đau nhức vùng cột sống thắt lưng và đau dọc các xương dài
- Đau cơ do xơ hóa: tình trạng xơ hóa cơ có thể gây mệt mỏi và đau cơ trong thời gian dài.
- Sỏi thận: thận là cơ quan nằm hai bên cột sống. Vì vậy, khi sỏi thận xuất hiện sẽ gây đau vùng hông lưng.
- Khối u: các khối u ở cột sống hoặc xung quanh cột sống có thể chèn ép và gây đau cột sống.
- Thai kỳ: thai to tác động vào vị trí cột sống sẽ gây nên đau mỏi vùng lưng.
Sỏi thận có thể gây đau lưng
2 Các triệu chứng đau lưng khác
Ngoài những triệu chứng đau lưng đã kể ở trên, người bệnh có thể gặp những dấu hiệu sau:
- Xuất hiện tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau vùng lưng.
- Có thể có biểu hiện toàn thân như sốt.
- Đau lưng lan ra trước hoặc lan lên trên.
- Đau lưng lan xuống mông, đùi và cẳng chân hai bên.
- Yếu liệt hai chân hoặc đại tiểu tiện không tự chủ.
Đau lưng có thể kèm theo sốt
3 Yếu tố gây làm tăng nguy cơ đau lưng
Đau lưng do nhiều nguyên nhân gây ra, chính vì vậy các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này cũng rất đa dạng như:
- Tuổi: càng lớn tuổi các xương cột sống, các khớp xương, đĩa đệm càng dần bị thoái hóa, gây nên tình trạng đau lưng. Độ tuổi xuất hiện đau lưng thường từ 40 trở lên.
- Béo phì: tình trạng thừa cân béo phì sẽ gây nhiều áp lực hơn lên cột sống và vùng chịu lực, đặc biệt là đốt sống thắt lưng sẽ dễ bị lệch dẫn đến đau.
- Ít vận động: khi cơ thể ít vận động, cột sống không được dẻo dai sẽ dẫn đến đau lưng khi đột ngột thay đổi tư thế.
- Tư thế học tập, làm việc sinh hoạt không đúng cách: ngồi sai tư thế gây cong vẹo cột sống.
- Hút thuốc: nghiên cứu cho thấy nicotin trong thuốc lá sẽ tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm gây nên tình trạng đau lưng.
Tư thế không đúng là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới đau lưng
4 Điều trị đau lưng
Khi bị đau lưng, bạn có thể được bác sĩ chỉ định một trong số những phương pháp điều trị sau:
Điều trị dùng thuốc
Một số thuốc được sử dụng để giảm tình trạng đau lưng như:
- Kháng viêm: Thuốc thường được sử dụng là nhóm thuốc kháng viêm không steroid như celecoxib, ibuprofen, meloxicam, diclofenac,...
- Giảm đau: trong tình trạng cấp tính, paracetamol giúp giảm cảm giác đau cho người bệnh.
- Giãn cơ: thuốc giãn cơ có thể giúp giảm áp lực khi căng cơ quá mức. Một số nhóm thuốc được sử dụng là baclofen, tizanidine, carisoprodol,...
Các thuốc làm giảm triệu chứng đau lưng phải được chỉ định từ bác sĩ
Điều trị không dùng thuốc
Vật lý trị liệu giúp hỗ trợ trong trường hợp đau lưng mạn tính và bán cấp, không được khuyến cáo điều trị kết hợp trong đau lưng cấp (thời gian đau nhỏ hơn 4 tuần). Các bài tập vật lý trị liệu bao gồm:
- Siêu âm trị liệu: giúp tăng trao đổi chất, tăng chuyển hóa giúp giảm đau, giảm sưng, giảm viêm.
- Kéo dãn cột sống: nhằm tăng độ mềm dẻo của cột sống quá đó giảm chèn ép rễ thần kinh, giảm những bất thường về cột sống, giảm tình trạng viêm,...
- Điện xung trị liệu: tạo ra dòng điện phá vỡ đường truyền từ vùng lưng về não bộ để giảm cảm giác đau.
- Chiếu đèn hồng ngoại: giúp lưu thông tuần hoàn máu để nuôi dưỡng vùng cơ, giúp cơ không bị căng.
Vật lý trị liệu giúp giảm đau lưng mạn tính
Điều trị đặc hiệu
Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định khi không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 6 - 8 tuần điều trị, xuất hiện các biến chứng như yếu hai chân, rối loạn đại tiểu tiện hoặc gặp tình trạng rách bao xơ,...
Phẫu thuật giúp sửa chữa một số tổn thương ở cột sống
5 Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Đau lưng là vấn đề thường gặp trong đời sống. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà người bệnh chủ quan vì đau lưng có thể là nguyên nhân của các bệnh lý nguy hiểm và cấp tính. Khi xuất hiện đau lưng kèm những vấn đề sau, mọi người nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám:
- Đau lưng ở người nhỏ hơn 20 tuổi hoặc lớn hơn 50 tuổi.
- Đau lưng gặp phải do các chấn thương va đập vùng cột sống.
- Đau lưng mạn tính kéo dài trên 3 tháng nhưng không biết nguyên nhân và không cải thiện với điều trị.
- Đau lưng kèm sụt cân nhanh
- Đau lưng liên tục, cải thiện khi vận động, không cải thiện khi nghỉ ngơi.
- Đau lưng kèm theo sốt cao, sưng đau vùng cột sống.
- Đau dữ dội vùng bụng kèm theo đau lưng.
- Đau lưng kèm theo các yếu tố như yếu liệt hai chi dưới tiến triển.
- Đau lưng kèm theo các đặc điểm rối loạn thần kinh như đại tiểu tiện không tự chủ.
Đau lưng kèm yếu liệt hai chi dưới tiến triển nên gặp bác sĩ ngay để điều trị kịp thời
Các chẩn đoán/xét nghiệm bệnh
Để chẩn đoán chính xác vị trí đau lưng, các biến chứng đi kèm và những nguyên nhân gây nên, bác sĩ có thể thực hiện những cách sau:
- Bác sĩ sẽ thực hiện hỏi bệnh về các vấn đề liên quan đến đau lưng như tính chất đau, thời gian đau, khởi phát đau, các yếu tố nguy cơ.
- Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện các nghiệm pháp để đánh giá như khám điểm đau cột sống, đánh giá đường cong sinh lý, đánh giá khả năng vận động cột sống, đo một số khoảng cách, thực hiện các kiểm tra như: dấu giật dây chuông, Lasegue,...
- Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm để tìm nguyên nhân có thể bao gồm: xét nghiệm máu, X-quang, cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner),...
Sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân gây đau lưng
Tham khảo một số bệnh viện có thể thăm khám
Khi gặp các vấn đề liên quan đến đau lưng, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tham khảo một số cơ sở y tế khám chữa đau lưng sau:
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Gia An 115,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Quân đội 108,...
Xem thêm:
- Tư thế đọc sách đúng cách vừa thoải mái vừa không gây hại mắt, cột sống
- Những bài tập đơn giản chống gù lưng, cong vẹo cột sống cho dân công sở
- Massage lưng và cổ giúp giảm đau hiệu quả
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các nguyên nhân, vị trí đau lưng cũng như những triệu chứng để nhận biết. Đây là một vấn đề thường gặp trong cuộc sống hiện này và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Chính vì vậy, phát hiện sớm căn bệnh này là một trong những ưu tiên hàng đầu để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang xem bài viết Đau lưng: các vị trí đau báo hiệu bệnh, nguyên nhân đau lưng cần lưu ý tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].