Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Dấu hiệu sùi mào gà ở nữ dễ nhận biết nhất là xuất hiện các nốt, sùi hình dạng giống bông súp lơ hoặc mào gà, màu đỏ hồng hoặc trắng. Hãy cùng nhà thuốc An Khang tìm hiểu các dấu hiệu sùi mào gà ở nữ và cách điều trị hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục do virus Human papilloma virus (HPV) gây ra. Hầu hết các chủng virus gây sùi mào gà được xếp vào loại nguy cơ thấp (HPV tuýp 6 và 11), khác với các chủng gây loạn sản hoặc ung thư cổ tử cung.
Bệnh thường lây truyền khi quan hệ tình dục không an toàn và phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Biểu hiện điển hình của bệnh là việc xuất hiện nốt sùi mềm hình dạng giống bông súp lơ hoặc màu gà có thể gây đau đớn, ngứa ngáy. Các nốt, sùi màu gà thường mọc đơn lẻ hoặc thành cụm tại bộ phận sinh dục.
Xem thêm: Sùi mào gà: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
1 Dấu hiệu sùi mào gà ở nữ
Các dấu hiệu của bệnh sùi mào gà ở nữ giới thường khó phát hiện và dễ bỏ sót bệnh hơn so với nam giới, nguyên nhân chủ yếu do cấu tạo bộ phận sinh dục ở nữ phức tạp. Một số biểu hiện sùi mào gà ở nữ thường gặp gồm:
- Xuất hiện các nốt sần, sùi ở cơ quan sinh dục (vùng âm hộ, âm đạo, cổ tử cung), hậu môn hoặc vùng bẹn đùi. Ngoài ra, nếu có quan hệ tình dục đường miệng thì các nốt sùi còn có thể xuất hiện ở trong niêm mạc miệng, lưỡi, cổ họng hoặc quanh môi.
- Hình ảnh đặc trưng tổn thương là các nốt sùi nổi trên bề mặt da giống mào gà hoặc bông súp lơ, thường có màu đỏ hồng hoặc trắng.
Nữ giới mắc bệnh thường có các nốt sùi mào gà ở quanh cơ quan sinh dục
- Cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu trên da hoặc trong âm đạo, nhất là khi nốt sùi lan rộng ra xung quanh.
- Đau đớn, phù nề vùng kín hoặc gặp khó khăn khi đi tiểu.
- Nếu nốt sùi nằm trong niêm mạc âm hộ, âm đạo có thể bị chảy máu khi quan hệ tình dục hay vệ sinh mạnh vùng kín.
- Sùi mào gà thường kèm theo viêm nhiễm âm đạo khiến người bệnh có biểu hiện ra khí hư nhiều, màu đục và có mùi hôi khó chịu.
Sùi mào gà có thể gặp ở lưỡi nếu quan hệ bằng đường miệng
2 Sùi mào gà ở nữ lây qua đường nào?
Nguồn lây của bệnh sùi mào gà rất phức tạp với nhiều đường lây nhiễm khác nhau. Dưới đây là một số con đường lây bệnh phổ biến:
- Đường tình dục: đây là con đường lây truyền phổ biến nhất, virus HPV có thể lây sang người lành thông qua tiếp xúc trực tiếp tại niêm mạc. Vì thế, kể cả khi dùng bao cao su vẫn có thể bị lây bệnh do bao không thể che phủ toàn bộ cơ quan sinh dục ngoài.
- Từ mẹ sang con: Bệnh sùi mào gà có thể lây nhiễm từ đường sinh dục của mẹ xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ sơ sinh, có nguy cơ bị u nhú thanh quản khiến cho trẻ khàn giọng, khóc yếu,.. Trong trường hợp nặng bệnh có thể lan sang khí quản, phổi, gây tắc nghẽn đường thở và tử vong.
- Dùng chung đồ cá nhân: các đồ dùng cá nhân có thể chứa dịch tiết từ người bệnh mang theo virus gây bệnh và có thể lây truyền cho người khác, chẳng hạn như quần áo lót, khăn tắm, bàn chải, dao cạo hoặc đồ chơi tình dục.
- Đường máu: sùi mào gà cũng có thể lây truyền qua đường máu khi các vết thương hở của người lành vô tình tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người bệnh.
Sùi mào gà chủ yếu lây truyền qua đường tình dục
3 Sùi mào gà ở nữ có chữa được không?
Sùi mào gà ở nữ giới là bệnh lý cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, bệnh chỉ có thể điều trị triệu chứng chứ không thể loại bỏ hoàn toàn virus HPV. Do đó, bệnh hoàn toàn có nguy cơ tái phát sau khi điều trị.
Một số biện pháp điều trị bệnh sùi mào gà ở nữ phổ biến hiện nay gồm:
- Thuốc bôi tại chỗ: thường là các thuốc giúp phá hủy các tổn thương sùi mào gà và tăng cường khả năng miễn dịch như imiquimod, podophyllin, sinecatechins hoặc axit trichloroacetic.
- Thủ thuật, phẫu thuật: thường được chỉ định cho các trường hợp sùi mào gà lớn hoặc kém đáp ứng với các thuốc bôi thông thường. Khi đó, bác sĩ có thể cắt bỏ nốt sùi bằng một số biện pháp như áp lạnh, đốt điện, điều trị laser hoặc phẫu thuật.
Sùi mào gà có thể được điều trị bằng các biện pháp thủ thuật, phẫu thuật
Xem thêm:
- Các bệnh lây qua đường tình dục - 11 bệnh phổ biến cần cảnh báo
- 6 cách phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục không nên bỏ qua!
- Tổng quan HPV là gì? Có bao nhiêu loại, dấu hiệu nhận biết
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nắm được các dấu hiệu của bệnh sùi mào gà ở nữ giới và cách điều trị hiệu quả. Bạn hãy thường xuyên quan sát các dấu hiệu bất thường tại cơ quan sinh dục để kịp thời đến thăm khám bác sĩ khi cần thiết nhé!
Bạn đang xem bài viết Dấu hiệu sùi mào gà ở nữ dễ nhìn thấy nhất, cách điều trị tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].