Đào nhân là một dược liệu được dùng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền với các công dụng khác nhau. Hãy theo dõi bài viết để tìm hiểu xem đào nhân có tác dụng gì và các bài thuốc từ đào nhân nhé!
1 Giới thiệu về đào nhân
Mô tả đào nhân
Vị thuốc Đào nhân (Semen Persicae) là phần nhân hạt của quả đào, được lấy từ cây đào Prunus persica (L.) Batsch.
Đặc điểm hình thái:
- Hạt cứng, hình trứng dẹt.
- Mặt ngoài màu nâu vàng đến nâu đỏ và thường xuất hiện những nốt sần nhỏ nhô lên.
- Có một đầu nhọn, một đầu tròn và phần giữa phình to và hơi lệch.
- Vỏ hạt mỏng, có nhiều dầu.
- Hạt có mùi thơm nhẹ, vị béo, hơi đắng.
Đào nhân là nhân của hạt đào, cứng, hình trứng dẹt
Bộ phận dùng, phân bố, thu hái và chế biến
Cây đào là loài cây ưa khí hậu mát và ấm, thích nghi tốt ở vùng nhiệt đới núi cao. Ở nước ta, cây đào thường phân bố ở các tỉnh thành phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh,...
Quả đào chín được thu hoạch vào mùa hè hoặc mùa thu, thường vào tháng 7 hằng năm.
Quả đào chín được thu hoạch vào mùa hè hoặc mùa thu hàng năm
Sau khi thu hoạch quả đào chín, phần thịt quả đào sẽ được loại bỏ, xay vỡ phần hạch để lấy hạt bên trong, chú ý không làm vỡ nhân, có thể chế biến bằng một số cách như sau:
- Đào nhân: Phần đào nhân thu được đem loại bỏ tạp chất và phơi khô, có thể giã nát trước khi dùng.
- Đàn đào nhân: Cho đào nhân sạch, đã được loại bỏ tạp chất vào nồi nước được đun sôi sẵn và đun đến khi vỏ lụa của nhân bong ra thì vớt ra ngâm vào nước ấm, bóc bỏ phần vỏ ngoài, đem phơi khô, khi dùng giã nát nhân.
- Đào nhân sao: Cho đào nhân đã rửa sạch vào chảo, đun với lửa nhỏ và đảo đều đến khi có màu vàng, thơm. Giã nát trước khi dùng.
Thành phần hóa học
Hơn 50% thành phần của đào nhân là dầu béo, bao gồm các axit béo thiết yếu như acid oleic, acid linoleic, acid arachidic, acid palmitic,... Bên cạnh đó, đào nhân còn chứa nhiều hợp chất quý giá khác như amygdalin (3,5%), tinh dầu (0,4 - 0,7%), men emulsin, choline và acetylcholine.
Đào nhân có tới hơn 50% là dầu
2 Tác dụng của đào nhân
Theo y học cổ truyền, đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình, quy kinh tâm, can, đại tràng. Nhờ đặc tính này, đào nhân có vai trò hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến huyết mạch, tiêu hóa và hô hấp:
- Tác dụng trên hệ tim mạch: Cồn chiết xuất từ đào nhân có khả năng chống đông máu nhẹ, giãn mạch và tăng cường lưu lượng máu. Do đó, giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến ứ huyết như tắc nghẽn mạch máu, giúp co hồi tử cung sau sinh, đặc biệt đối với phụ nữ sinh con lần đầu.
- Tác dụng nhuận tràng: Thành phần dầu béo dồi dào với các axit béo thiết yếu trong đào nhân có tác dụng nhuận tràng, từ đó cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả.
- Chống viêm: Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng nước sắc từ đào nhân có tác dụng kháng viêm hiệu quả, giúp giảm đau, sưng tấy và hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm nhiễm như viêm khớp, viêm họng,...
- Giảm ho: Đào nhân có khả năng giảm ho, long đờm, đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị ho khan, ho dai do cảm lạnh hoặc viêm phế quản.
- Một số tác dụng khác như: hoạt trường, sát trùng, tiêu sưng, thoát mủ, tiêu nhọt,...
Đào nhân có tác dụng phá huyết, giúp tiêu huyết ứ, hạn chế sự ngưng tụ máu trong cơ thể
3 Một số bài thuốc từ đào nhân
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc dưới đây để tránh khỏi các tác hại không mong muốn nhé!
Bài thuốc giúp nhuận tràng thông tiện, trị đại tiện táo
Để dùng vị thuốc đào nhân với mục đích nhuận tràng thông tiện, trị táo bón, có thể sử dụng 1 trong 2 bài thuốc dưới đây:
Bài thuốc 1: Hoàn nhuận tràng
Nguyên liệu: Hạnh nhân, đào nhân, hỏa ma nhân, đương quy, chỉ xác: mỗi vị 12g; sinh địa: 16g.
Cách dùng: Các vị thuốc được nghiền thành bột mịn, trộn với mật ong làm mật hoàn, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần hoặc có thể sắc nước uống.
Bài thuốc 2: Ngũ nhân hoàn
Nguyên liệu: Đào nhân: 20g; hạnh nhân, bá tử nhân, úc lý nhân: mỗi vị 12g; tùng tử nhân: 6g; trần bì: 8g.
Cách dùng: Đem các vị thuốc tán thành bột, trộn với mật ong thành mật hoàn và mỗi lần uống 10g.
Bài thuốc từ đào nhân giúp nhuận tràng thông tiện, trị táo bón hiệu quả
Bài thuốc trừ ứ, giảm đau, trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt
Dưới đây là bài thuốc "Đào hồng tứ vật thang” giúp trừ ứ, giảm đau, trị đau bụng kinh và rối loạn kinh nguyệt.
Nguyên liệu: Đào nhân, đương quy, xích thược, mỗi vị 12g; sinh địa: 16g; xuyên khung, hồng hoa: mỗi vị 8g.
Cách dùng: Đem các vị thuốc sắc thành nước uống.
Bài thuốc "Đào hồng tứ vật thang" giúp trị đau bụng kinh
Bài thuốc hoạt huyết thông kinh
Đào nhân được dùng chủ trị trong các bài thuốc chữa tắc kinh sau khi sinh, ứ huyết đau bụng hay tiểu tiện đau buốt. Bệnh nhân có thể sử dụng 1 trong 3 bài thuốc tùy vào mục đích sử dụng:
Bài thuốc 1: Trị ứ huyết tắc kinh.
Nguyên liệu: Đào nhân, đương quy: mỗi vị 12g; hồng hoa: 6g; tam lăng: 8g.
Cách dùng: Đem các vị thuốc sắc thành nước uống.
Bài thuốc 2: Bài thuốc “Đào nhân thừa khí thang” giúp trị huyết ứ kinh bế, hành kinh đau, vết thương đau do bị ngã, bị đánh.
Nguyên liệu: Đào nhân, đại hoàng: mỗi vị 12g; quế chi, chích cam thảo, mang tiêu: mỗi vị 6g.
Cách dùng: Đem các vị thuốc sắc thành nước uống.
Bài thuốc 3: Bài thuốc “Thang sinh hóa” giúp trị sau khi đẻ ứ huyết, đau bụng.
Nguyên liệu: Đào nhân, đương quy: mỗi vị 12; xuyên khung, gừng thán: mỗi vị 6g; cam thảo: 4g.
Cách dùng: Các vị thuốc được sắc thành nước, sau đó hòa với rượu đun nóng để uống.
Đào nhân có tác dụng hoạt huyết nên được dùng chủ trị trong các bài thuốc chữa tắc kinh, ứ huyết
Bài thuốc thoát mủ, tiêu nhọt
Sau đây là các bài thuốc giúp trị nhọt độc ở ruột, viêm tắc mạch do cục máu đông:
Bài thuốc 1: Bài thuốc “Thang đại hoàng mẫu đơn bì” giúp trị ruột bị ung nhọt, đau bụng, đại tiện táo.
Nguyên liệu: Đại hoàng, đào nhân, đông qua tử, mang tiêu: mỗi vị 12g; mẫu đơn bì: 16g.
Cách dùng: Các vị thuốc được sắc thành nước uống.
Bài thuốc 2: Trị viêm tắc mạch do cục máu đông (do khí huyết ứ trệ).
Nguyên liệu: Đào nhân, hồng hoa, đương quy, đan sâm, xuyên khung, xích thược, ngưu tất, kim ngân hoa, huyền sâm, nga truật: mỗi vị 12g; địa miết trùng, tam lăng: mỗi vị 8g; địa long, manh trùng: mỗi vị 4g; cam thảo sống: 6g.
Cách dùng: Các vị thuốc được sắc thành nước uống hoặc dùng nấu thành cao rivanol để dán nơi bị sưng giúp tránh tổ chức hoại tử.
Các bài thuốc từ đào nhân giúp trị nhọt độc ở ruột, viêm tắc mạch do cục máu đông
4 Lưu ý khi sử dụng đào nhân
Liều dùng
Liều dùng đào nhân được khuyến cáo trong khoảng 4,5 - 9 g mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi tùy thuộc vào mục đích sử dụng, cách sử dụng và kết hợp với các vị thuốc khác.
Liều dùng đào nhân được khuyến cáo trong khoảng 4,5 - 9g mỗi ngày
Lưu ý khi sử dụng đào nhân
Đào nhân tương đối lành tính, ít tác dụng phụ, tuy nhiên khi sử dụng vẫn cần thận trọng vì nó có thể tương tác với các loại thuốc và thảo dược bạn đang dùng và gây ra các tác dụng không mong muốn.
Trước khi sử dụng đào nhân như một bài thuốc chữa trị, bạn cần phải tham khảo trước ý kiến từ bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y.
Nếu trong quá trình sử dụng xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ. Phụ nữ có thai không nên sử dụng loại dược liệu này.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các bài thuốc chứa đào nhân
Xem thêm:
- Ngũ vị tử là gì? 3 tác dụng của ngũ vị tử đối với sức khỏe
- 7 công dụng của cây mật nhân đối với sức khỏe
- Hạt hạnh nhân có tác dụng gì? 12 tác dụng của hạt hạnh nhân bạn cần biết
Bài viết vừa cung cấp đến bạn những công dụng chủ yếu của đào nhân và những bài thuốc của loại dược liệu này. Nếu thấy bài viết hay và có ích, bạn hãy chia sẻ những thông tin này cho người thân của mình cùng biết nhé!
Bạn đang xem bài viết Đào nhân có tác dụng gì? 4 bài thuốc, tác dụng và lưu ý khi dùng tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].