Trong Kế hoạch 2716 TP.HCM đã đưa ra khái niệm về các vùng nguy cơ được biểu thị bằng các màu đỏ, cam, vàng và xanh.
Theo đó:
Tổ dân phố, tổ nhân dân là "vùng cận xanh" khi không có hộ gia đình có ca F0 mới trong vòng 7 ngày.
Tổ dân phố, tổ nhân dân là "vùng xanh" nếu trên 14 ngày không có ca F0 mới.
Tổ nào có một hộ gia đình có ca F0, nhưng không có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ thì được xem là “vùng vàng”;
Tổ nào có hai hộ gia đình có ca F0 hoặc có một hộ gia đình có ca F0 nhưng có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ, thì đó là “vùng cam” (vùng có nguy cơ cao).
Tổ dân phố, tổ nhân dân khi có từ 3 hộ gia đình có ca F0 trở lên được xếp vào nhóm “vùng đỏ” (vùng nguy cơ rất cao).
Hiện có 8 khu vực quận huyện của TPHCM thuộc vùng đỏ và vùng cam gồm một số phường, xã tại TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Với mục tiêu giảm mạnh số ca nhiễm, chặt đứt nguồn lây tại các vùng này, TP.HCM đưa ra nhiều kế hoạch thực hiện tại các vùng này, đặc biệt trong thời gian từ 23/8-6/9.
Ngày 22/8, Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp cùng Sở Nội vụ, Công an TP.HCM, Bộ đội Biên phòng TP.HCM tham mưu Kế hoạch thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (“vùng cam”) và rất cao (“vùng đỏ”).
Tổ công tác đặc biệt tại các vùng này ngoài việc đi chợ hộ các hộ dân còn kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện giãn cách nghiêm ngặt.
TP.HCM cũng cho biết sẽ tổ chức tiêm vắc-xin di động ở “vùng đỏ” và “vùng cam”. Đội tiêm vắc-xin di động đến tận nhà dân để tiêm. Tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời bà con từng hộ.
Cùng với các vùng khác, tại 2 vùng đỏ và cam TP sẽ thành lập các trạm y tế lưu động để chủ động, tăng cường việc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0, giảm tải cho các bệnh viện, cơ sở điều trị.
V.LinhBạn đang xem bài viết Những khu vực nào ở TP.HCM là vùng đỏ, vùng cam trong 22 quận, huyện? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].