Báo Điện tử Gia đình Mới

Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Tháng 7 âm lịch không mang lại xui xẻo như dân gian vẫn nghĩ

Tháng cô hồn khiến nhiều người không khỏi lo âu, bất an với hàng tá điều cần kiêng cữ. Bởi họ truyền tai nhau rằng, tháng này là tháng của ma quỷ, thường đem lại vận hạn xui rủi, không mấy tốt đẹp.

Thực hư chuyện này là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh.

Cô hồn là gì?

“Cô hồn” là một danh từ xuất phát trong Phật giáo với ý nghĩa: “cô” là cô đơn, cô độc; “hồn” là vong hồn, linh hồn, vong linh. Do người chết ra đi một mình, không có ai đi cùng nên gọi là cô hồn.

3 lầm tưởng thường gặp về tháng 7 âm lịch

1. Tháng 7 âm lịch thì toàn bộ cô hồn đều được thoát khỏi địa ngục

Lầm tưởng về tháng cô hồn lý giải từ góc nhìn của đạo Phật.

Lầm tưởng về tháng cô hồn lý giải từ góc nhìn của đạo Phật.

Quan điểm vua Diêm La mở cửa địa ngục cho các vong linh đi lang thang trên trần gian vào tháng 7 âm lịch hàng năm là một quan điểm sai lầm. Giống như trên trần gian, không nhà tù nào có ngày mở cửa cho tù nhân đi tự do được. Kể cả có ân xá thì cũng không phải tất cả tù nhân được hết tội mà họ chỉ được giảm án. Nếu tội nhẹ thì hết tội (mãn hạn tù), nếu còn tội thì vẫn phải ở trong tù.

Ở dưới “cõi âm” cũng vậy, các vong linh trong địa ngục vẫn trong địa ngục, người nào được ân xá hết tội thì tái sinh chuyển kiếp, không phải tất cả vong linh được thoát ra và đi lại tự do trên trần thế vào tháng cô hồn.

2. Tháng 7 là tháng cô hồn

Dân gian ta quan niệm, tháng 7 là tháng các vong hồn được địa ngục mở cửa cho ra, đi lang thang trên trần gian nên họ gọi là tháng cô hồn. Tuy nhiên, theo như phân tích ở trên thì điều này không đúng.

Do đó, tháng 7 âm lịch không hề mang lại xui xẻo như dân gian vẫn nghĩ, không có cô hồn nào làm hại chúng ta mà do chính những vận nghiệp xấu của chúng ta đến thời kỳ trổ quả.

Thực chất, tháng 7 âm lịch còn được gọi là tháng đại phúc, nếu chúng ta thật tâm hiếu nghĩa đúng pháp, báo đền ơn nghĩa tổ tiên thì nhà nhà tăng phúc. Nếu làm theo đúng lời Phật dạy, sẽ đem lại phúc lành cho cả người sống và người đã mất.

Bởi tháng 7 cô hồn có xuất xứ từ điển tích Mục Kiền Liên cứu mẹ và truyền thống an cư kiết hạ của chư Tăng. Bởi vậy, nếu chúng ta làm phúc trong tháng 7 sẽ là phúc lành cho gia đình. Chúng ta cũng nên tạo phúc là báo ân cha mẹ và những người đã giúp đỡ cho chúng ta.

Nếu còn cha, còn mẹ thì chăm sóc, báo hiếu cha mẹ thật tốt, giúp cho cha mẹ biết đến Phật Pháp, quy y Tam Bảo.

Nếu cha mẹ, ông bà đã quá vãng thì chúng ta có thể đến chùa thiết lập trai đàn, lấy phước đó hồi hướng cho cha mẹ, ông bà, tiên tổ đã khuất thì chúng ta được rất nhiều phúc báu.

3. Kiêng kỵ tháng cô hồn

Lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh về tháng cô hồn.

Lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh về tháng cô hồn.

Từ quan điểm sai lầm rằng tháng 7, các cô hồn sẽ đi lang thang vất vưởng trên trần gian, nhiều người lo sợ và đề cao cảnh giác, kiêng kỵ đủ thứ như: không được nhổ lông chân, không cắt tóc, không được mài dao kéo, không phơi quần áo ban đêm, không treo chuông gió đầu giường, không bơi lội, không quay đầu nhìn lại phía sau khi đến nơi vắng vẻ, hạn chế làm chuyện đại sự, không chụp ảnh vào ban đêm,...

Tuy nhiên, theo góc nhìn của đạo Phật, đây là những điều kiêng kỵ không đúng và chúng ta không nên tin nghe theo những quan niệm đó. Vì tháng 7 âm lịch không phải là tháng cô hồn được ra khỏi địa ngục đi lang thang. Và như trong Kinh Phật dạy, ở chỗ nào cũng có quỷ thần; cho nên, cái cây nhỏ như xe điếu cũng có ngạ quỷ chứ không phải đến tháng 7 thì cô hồn ở địa ngục mới lên nhiều.

Do vậy, trong tháng 7, chúng ta vẫn có thể tổ chức cưới hỏi; cất nóc, đào móng xây nhà; mua xe; khởi công lập nghiệp bình thường mà không phải lo sợ hay kiêng kỵ.

Tuy thế, để đảm bảo cho sức khỏe và giữ gìn phước báu thì có một số điều trong tháng 7 chúng ta cũng nên tránh như:

  • Tránh thức khuya vì thức khuya sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Không đốt vàng mã vì đây là việc làm sai lầm, không đem lại lợi ích cho người sống lẫn vong linh, đốt vàng mã vào tháng nào cũng không nên.
  • Không mặc những quần áo hay xăm hình thù quỷ quái bởi “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hình thù loại nào sẽ có những vong linh của loại đó theo và khiến cho người mặc, người xăm gặp rất nhiều vấn đề.

Thêm vào đó, điều chúng ta cần kiêng nữa là kiêng làm việc ác. Nhân tháng này, chúng ta nhớ nghĩ đến chữ hiếu và thực hành các việc hiếu hạnh, sống tốt, làm các việc tốt lành thì chắc chắn không có vong hồn ác quỷ nào làm hại được. Đồng thời, chúng ta phải tu tập để nhận được những điều tốt, để có giới đức và được chư Thiên, thiện Thần hộ trì an lành.

Biến tháng cô hồn “xui xẻo” thành tháng đại phúc không khó. Bởi chúng ta chỉ cần kiêng làm việc ác, chăm chuyên làm việc thiện cũng như những việc làm thiết thực, báo hiếu mẹ cha, ông bà, tiên tổ,...

(Nguồn: Thầy Thích Trúc Thái Minh)

* Thông tin chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO