Theo Dailymail, cô bé Saybie sinh ra vào tháng 12/2018, sinh non khi mới được 23 tuần và 3 ngày, chỉ nặng 245 gram, bằng khoảng một quả táo.
Sau hơn 5 tháng được các y bác sĩ chăm sóc trong bệnh viện Sharp Mary Birch, San Diego (California, Mỹ), cô bé đã khỏe mạnh trở về nhà, nặng khoảng 2,5 kg.
Saybie là biệt danh do bệnh viện đặt tên cho cô bé, tên thật được gia đình từ chối tiết lộ.
Theo Tiniest Baby Registry, chương trình theo dõi trẻ sơ sinh dưới 400 gram khắp thế giới của ĐH Iowa (Mỹ), bé Saybie đang giữ kỷ lục là bé sơ sinh nhỏ nhất thế giới khi sinh ra và sống sót.
Bệnh viện cho biết cô bé đã "phá kỷ lục" bé sơ sinh nhỏ nhất thế giới trước đó, một bé gái sinh ra ở Đức năm 2015, nặng 252 gram.
Trước đó, người mẹ nhập viện trong tình trạng sức khỏe kém, tiền sản giật, huyết áp cao và các bác sĩ quyết định cần bắt em bé ra ngay.
"Tôi liên tục nói với họ rằng bé sẽ không qua nổi, bé mới chỉ được 23 tuần" - người mẹ cho biết.
Các bác sĩ đã thông báo cho chồng sản phụ chuẩn bị tinh thần, rằng có thể cô bé sẽ chỉ còn 1 giờ sống sót.
Nhưng rồi một giờ biến thành hai giờ, rồi thành một ngày, một tuần...
Các bé sinh non trước 28 tuần thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn các bé sinh non sau 28 tuần, trong đó có chảy máu não và suy tim.
Tuy nhiên, theo các y bác sĩ Bệnh viện Sharp Mary Birch, Saybie hầu như không gặp các vấn đề trên, dù rất yếu ớt, nhất là trong tuần đầu tiên.
Vượt qua sự mong đợi, cô bé đã sống sót, dần dần tăng cân khi được chăm sóc ở Khoa Hồi sức sơ sinh.
"Khi chúng tôi được đào tạo trong trường Y, người ta cho rằng cơ hội sống sót của các bé sơ sinh trước 28 tuần là rất mong manh". - Bác sĩ Wozniak cho biết.
"Tuy nhiên, công nghệ đã thay đổi. Đây thực sự là một phép màu, kết hợp giữa các kỹ năng và may mắn. Không phải bé sơ sinh nào với cân nặng này cũng có thể sống sót mà không bị biến chứng."
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Cứu sống bé sơ sinh nhỏ nhất thế giới, sinh non 3 tháng, khi chào đời chỉ nặng 245 gam tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].