Bệnh nhân L.V.C. (26 tuổi, ở tại Tĩnh Gia - Thanh Hóa) có xương hàm dưới teo lại, cằm lùi sâu về phía sau,… nên chưa bao giờ cảm thấy tự tin trong giao tiếp và có được chức năng ăn uống tối thiểu như người bình thường.
Trước đây, L.V.C. cũng nhiều lần được gia đình đưa đi thăm khám và điều trị ở các bệnh viện nhưng kết quả hầu như chưa cải thiện cả về chức năng ăn, nhai cũng như về mặt thẩm mỹ.
Mới đây, khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phẫu thuật thành công thay khớp thái dương hàm cho cậu thanh niên ấy bằng các vật liệu nhân tạo.
Đến nay, sau gần 1 tháng điều trị tích cực, cả gia đình đều vui mừng vì diện mạo mới của con trai họ đã gần như thay đổi hoàn toàn, các chức năng ăn, nhai, nuốt, nói như được hồi sinh. Bản thân bệnh nhân C. đã cảm thấy tự tin, không còn dè dặt nhìn xuống khi tiếp xúc với người đối diện như hôm mới nhập viện.
PGS.TS Lê Văn Sơn - nguyên Trưởng khoa Răng Hàm Mặt (BV ĐHYHN), người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân C. cho biết: Bệnh nhân Lê Văn C. bị thiểu sản xương hàm dưới 2 bên, khiến cằm lùi sâu về phía sau, xương hàm dưới teo lại.
Sau phẫu thuật, Lê Văn C. đã tự tin giao tiếp với những người xung quanh.
Nguyên nhân có thể do bị ngã từ bé, gãy chỏm lồi cầu xương hàm dưới. Do không được điều trị đúng và tập luyện phục hồi chức năng, dẫn đến khớp thái dương hàm bị dính và mất khả năng vân động.
Khi lồi cầu và ổ chảo dính lại với nhau, khớp xương hàm dưới không vận động được, sẽ rối loạn chức năng ăn nhai, đặc biệt khả năng nói sẽ mất dần do không thể há miệng. Với trường hợp gãy chỏm cầu lồi xương hàm dưới, rất khó dùng vật liệu để cố định mà phải cắt sâu phần dưới và tái tạo hàm mới bằng khớp thái dương hàm nhân tạo mới có thể đảm bảo các chức năng ăn, nhai.
Dự kiến, sau khi xuất viện, bệnh nhân C. vẫn được theo dõi, hẹn khám định kỳ và hướng dẫn phương pháp tập phục hồi chức năng, sau đó lần lượt được tạo hình răng giả tạm thời, nếu tiến triển tốt sẽ tiếp tục tháo nẹp vít, cắm implant làm răng giả vĩnh viễn. Lúc này, các chức năng cơ bản ăn, nhai, nói của người bệnh sẽ gần như người bình thường.
Về khía cạnh chuyên môn, khớp thái dương hàm là một trong những khớp động phức tạp nhất của cơ thể, diện khớp gồm ổ chảo xương thái dương, đĩa khớp và lồi cầu xương hàm dưới. Xung quanh ổ khớp có các dây chằng và hệ thống cơ nhai bám vào.
Hai khớp thái dương hàm độc lập với nhau về giải phẫu nhưng hoạt động phối hợp để thực hiện chức năng nhai. Vì vậy, khi bị tổn thương hay mất một hoặc hai bên khớp thái dương hàm, người bệnh sẽ khó nhai hoặc há miệng.
Mặt khác, quanh vùng thái dương hàm nơi tập trung các cấu trúc giải phẫu quan trọng (các mạch máu lớn, dây thần kinh, tuyến nước bọt mang tai...) nên việc phẫu thuật tái tạo lại cho những trường hợp này rất phức tạp, có nguy cơ xảy ra tai biến.
Thay khớp thái dương hàm nhân tạo toàn phần (gồm cả lồi cầu và ổ chảo) là một kỹ thuật khó được thực hiện đầu tiên ở BV ĐHYHN vào tháng 11/2015. Hiện nay, khoa Răng Hàm Mặt đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này, luôn cập nhật những tiến bộ mới nhất về chuyên môn, đem lại hiệu quả tối ưu trong điều trị các bệnh lý khớp thái dương hàm.
Cũng nhân dịp này, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã trích Quỹ từ thiện trao một phần quà nhỏ cho bệnh nhân Lê Văn C. trước khi ra viện với mong muốn chia sẻ và động viên tinh thần anh C. và gia đình luôn lạc quan, tin tưởng vào sự tiến bộ của y học để tiếp tục phối hợp với các bác sĩ khoa Răng Hàm mặt đi đến cuối chặng đường tìm lại nụ cười hạnh phúc.
Hồng HảiBạn đang xem bài viết Cứu khuôn mặt dị dạng vì ngã gãy xương từ bé cho chàng trai 26 tuổi tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].