Khoa Tai mũi họng, BV Trung ương quân đội 108 mới tiếp nhận và cấp cứu thành công người bệnh nam, 29 tuổi, quê ở Nghệ An bị súng bắn chim bắn xuyên từ cổ bên lên vùng sau tai phải, không có đầu ra.
Ở bệnh viện tuyến dưới, người bệnh được chẩn đoán dị vật xương chũm sát đường đi dây thần kinh số VII, người bệnh đã được điều trị cầm máu, kháng sinh, chống viêm, giảm đau, chưa can thiệp ngoại khoa và chuyển BV Trung ương quân đội 108 điều trị tiếp.
Khi được đưa vào bệnh viện người bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, không liệt VII ngoại biên; vết thương vùng cổ bên phải là đường vào của dị vật đã liền; khớp thái dương hàm vận động bình thường, vùng sau tai phải không sưng, nóng; vành tai, ống tai ngoài, hòm tai bình thường.
Trên phim chụp CT vùng đầu cổ có hình ảnh dị vật kim khí hình viên đạn kích thước 11x9,5mm vùng mỏm chũm bên phải.
Sau đó bệnh nhân được phẫu thuật mở xương chũm bên phải tìm và lấy dị vật dưới kính hiển vi. Sau mổ ngày thứ 5 toàn trạng người bệnh ổn định, không chóng mặt, không liệt mặt, vết mổ khô, liền tốt, đã được rút dẫn lưu.
Các bác sĩ cho biết, trường hợp bị thương do súng này có cơ chế chấn thương rất phức tạp do đầu đạn bắn từ vùng cổ bên xuyên lên sau tai phải, qua các cấu trúc giải phẫu quan trọng vùng đầu cổ như bó mạch cảnh, dây thần kinh, tuyến nước bọt mang tai…
Kèm theo đó là vị trí mảnh đạn mắc kẹt ở rất sâu phía trong xương chũm, sát đường đi đoạn 3 của dây thần kinh số VII chi phối các cơ vùng mặt, vì thế quá trình bộc lộ dị vật phải rất thận trọng.
Thời gian qua, bệnh viện cũng đã cấp cứu rất nhiều trường hợp chịu tổn thương do súng tự chế trong đó có cả các em nhỏ, hầu hết các trường hợp đều gây ra những thương tổn lớn cho người bệnh. Do đó, người dân cần hết sức lưu ý về việc tự chế tạo súng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
An AnBạn đang xem bài viết Cướp cò súng, người đàn ông bị đạn chì bắn xuyên cổ tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].