Khó khăn của người LGBT Trung Quốc
Năm 1997, Trung Quốc mới bãi bỏ luật đồng tính là phạm pháp. Và phải đến năm 2001, quy định đồng tính bị coi là bệnh tâm thần mới không còn tồn tại.
Khi tư tưởng xã hội phương Đông còn nhiều định kiến, người dân Trung Quốc cũng chưa thể cởi mở về vấn đề này. Nhiều phòng khám chữa "bệnh" đồng tính vẫn xuất hiện không ít và nhiều gia đình vẫn còn tình trạng đánh đập, bạo hành, đe dọa con cái khi biết con mình là người đồng tính.
Cộng đồng LGBT tại đất nước này còn bị siết chặt bởi định kiến dư luận và định kiến ngay từ chính gia đình mình. Chỉ một số ít thế hệ trẻ sinh từ năm 2000 đã có cái nhìn cởi mở hơn với cộng đồng LGBT.
Cuộc sống hai mặt
Theo khảo sát từ tổ chức Work for LGBT, hơn 70 triệu người thuộc cộng đồng LGBT đang sinh sống tại Trung Quốc, nhưng chỉ 4% trong số họ dám công khai với xã hội.
Nhiều người LGBT vẫn chọn cách che giấu xu hướng tính dục thật của bản thân để không phải đối mặt với sự khắc nghiệt của xã hội. Họ chấp nhận kết hôn với người khác giới để bảo vệ bản thân cũng như danh dự của thế hệ trước.
Hàng loạt vụ mai mối giữa đồng tính nam và đồng tính nữ được thực hiện trên mạng internet Trung Quốc.
Chỉ tại những thành phố lớn của Trung Quốc, nơi văn hóa xã hội phát triển và người dân có cái nhìn thoáng hơn, người đồng tính mới có cơ hội sống với chính mình.
Gánh nặng trách nhiệm với gia đình
"Bao giờ cháu kết hôn?"
"Tại sao đến tuổi này vẫn chưa kết hôn?"
Đó là những câu hỏi khiến nhiều người đồng tính tại Trung Quốc sợ hãi mỗi khi có dịp về quê ngày Tết cổ truyền hoặc dịp Quốc khánh.
Sức ép từ gia đình, dòng họ buộc họ phải làm trái đi mong muốn của bản thân, kết hôn và sinh ra những đứa con nối dõi để làm tròn bổn phận của mình.
Hẹn hò bí mật, làm việc xa quê, ngại chia sẻ với gia đình... là tâm lý của không ít người LGBT Trung Quốc. Những cuộc hôn nhân oải hương giúp họ che đậy một thời gian đầu, nhưng không đảm bảo cho họ cuộc sống yên bình mãi mãi về sau.
Tương lai còn nhiều sóng gió
Gần đây, hàng nghìn người LGBT tại các thành phố lớn đã đấu tranh khi Weibo tuyên bố sẽ gỡ bỏ những nội dung liên quan đến người đồng tính. Thông điệp “Tôi đồng tính nhưng tôi không biến thái” xuất hiện rộng rãi.
Sau khi Đài Loan hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, chính quyền Trung Quốc đã chú ý tới cuộc sống của người LGBT nhiều hơn. Những hoạt động đấu tranh vì quyền của người LGBT được diễn ra tại nhiều thành phố lớn giúp xã hội có cái nhìn rõ ràng và đúng đắn hơn về cộng đồng này.
Tuy nhiên, tư tưởng phong kiến nặng nề vẫn là một thách thức lơn đối với người đồng tính Trung Quốc. Sự phân biệt đối xử tại trường học, nơi làm việc vẫn diễn ra không ít. Thậm chí nhiều người đã bị đuổi việc sau khi công khai xu hướng tính dục của mình.
Điều này như một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người cần chung tay nhiều hơn để xây dựng một xã hội cởi mở, khoan dung, an toàn dành cho cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, để tạo nên cho họ một tương lai mà họ xứng đáng được nhận.
LamBạn đang xem bài viết Cuộc sống hai mặt chật vật của người LGBT tại Trung Quốc tại chuyên mục LGBT của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].