Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Cuộc sống của nữ công nhân: Lương thấp, công việc bấp bênh, nghỉ việc là hai bàn tay trắng

14 năm ròng rã làm công nhân tại một khu công nghiệp, thế nhưng cho đến giờ vợ chồng chị Phan Thị Thu Hà (Tuyên Quang) vẫn sống trong cảnh nhà trọ, lương thấp và công việc vẫn hết sức bấp bênh.

Cuộc sống của những nữ công nhân nhập cư luôn luôn bị áp lực từ nhiều phía, công việc, thu nhập và cả gia đình.

Cuộc sống của những nữ công nhân nhập cư luôn luôn bị áp lực từ nhiều phía, công việc, thu nhập và cả gia đình.

Công việc bấp bênh, thu nhập không đủ tiêu

Năm 2004, kết thúc chương trình học phổ thông, chị Phan Thị Thu Hà (Tuyên Quang) khăn gói xuống Hà Nội lập nghiệp. Những tưởng ở nơi phồn hoa đô thị có thể kiếm được một công việc tạm ổn, nhưng chật vật mãi chị mới xin được vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Chị Hà chia sẻ: “Ngày ấy, ở quê còn trẻ không nghĩ được cuộc đời mình sẽ như thế nào, nên học xong lớp 12 nhà hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ không có tiền lo cho mình đi học cao hơn, mà nếu có có đi học cũng không có tiền chạy cho mình làm công việc dự tính ban đầu, do vậy mà mình quyết định đi làm để phụ giúp thêm cho mẹ.

Sau đó, mình xuống Hà Nội kiếm việc làm, lúc đầu xuống Hà Nội, lạ nước lạ cái chật vật mãi mình mới xin được vào làm công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Mình còn nhớ rất rõ, năm 2004, lương cơ bản của mình là 519.000, phòng trọ thuê là 200.000, so với mức lương lúc bấy giờ chỉ biết tiêu tháng nào hết tháng đấy và cũng chẳng tiết kiệm được cho bố mẹ đồng nào.

Cuộc sống suốt một năm trời của mình chỉ là đi làm và trở về phòng trọ ngủ rồi lại đi làm. Ngày đó mọi thứ khó khăn nên chi tiêu phải cực kỳ tiết kiệm mới có thể sống tạm ổn”.

Sau một năm làm việc ở Hà Nội, chị quen biết chồng chị bây giờ và quyết định về sống chung.

“Năm 2005, mình đi lấy chồng, lương lúc đó của mình có tăng lên 700.000 nhưng hai vợ chồng gộp lại lương tháng mới được hơn 1 triệu/1 tháng. Vì chồng mình làm công việc tự do nên thu nhập của gia đình không khá khẩm hơn bao nhiêu.

Liền sau đó mình sinh cháu đầu, cuộc sống của hai vợ chồng càng vất vả hơn. Nhớ những lần con ốm, trong nhà chẳng còn đồng nào, mình phải chạy vạy khắp nơi, vay từng đồng để có tiền lo cho con.

Thế rồi 4 năm sau mình lại sinh cháu thứ hai, cuộc sống vất vả cứ thế đè nặng lên vai hai vợ chồng. Cũng nghĩ đẻ đến vậy thôi, nhưng muốn các con có chị, có em nên dù vất vả thật nhưng vợ chồng mình đẻ thêm cháu thứ 3.

Hiện giờ, mình có một cháu đang học lớp 6, một cháu học lớp 2 còn lại một cháu năm nay 3 tuổi, bà nội phải bỏ công việc ở quê xuống đây phụ giúp vợ chồng mình chăm cháu và còn làm thêm sắt vụn để phụ giúp vợ chồng mình”, chị Hà tâm sự.

Lương thấp là vậy, công việc không đều khiến thu nhập của chị cứ thế “lên, xuống” bất chợt. Dù hiện tại lương của chị khoảng 6 triệu, có khi làm tăng ca thì được khoảng 8 triệu nhưng với số tiền đó, chẳng đủ chi trả cho 5 miệng ăn.

mai
Công ty nơi tôi làm việc là công ty cơ khí, chuyên gia công cho các công ty khác nên bị phụ thuộc vào nguồn hàng, công việc bấp bênh, có khi ít việc công nhân phải nghỉ chỉ được hưởng khoảng 70% lương.

Chị Phan Thị Thu Hà

Suốt 14 năm làm công nhân, nhưng cuộc sống của vợ chồng chị vẫn bấp bênh, bởi cho đến giờ chị vẫn chưa học được một nghề cụ thể để tìm một cơ hội tốt hơn.

Suốt 14 năm làm công nhân, nhưng cuộc sống của vợ chồng chị vẫn bấp bênh, bởi cho đến giờ chị vẫn chưa học được một nghề cụ thể để tìm một cơ hội tốt hơn.

Khi được hỏi về sinh hoạt phí hàng tháng cho cả gia đình cũng như việc đi học của các con, chị Hà ngao ngán: “Gia đình mình không có tiền cho con vào học các trường tư nên phải gửi con vào trường công.

Ban đầu xin cho cháu lớn vào thì dễ vì lúc đó vẫn ít, nhưng đến cháu thứ hai thì gặp rất nhiều khó khăn. Và cứ mỗi đầu năm học tiền đóng cho các cháu có khi lên cả chục triệu cho ba cháu. Vất vả thế, nhưng mình vẫn phải cố gắng lo cho các con.

Bao nhiêu tiền, của lo hết cho các con nên nhà mình chẳng dám thuê nhà trong khu chung cư dành cho công nhân mà phải thuê phòng trọ ngoài với giá 700.000 đồng/tháng. Mùa hè trời nóng như lửa đốt, chật chội nhưng vì thu nhập chẳng đủ tiêu nên cả nhà đành vẫn cứ cố sống”.

Khi được hỏi về những mong muốn của mình, chị Hà chia sẻ: “Vợ chồng mình đã xác định không thể ở mãi Hà Nội để kiếm sống, bởi ở đây mình chỉ làm công nhân trong dây chuyền của nhà máy, hoàn toàn không có tay nghề.

Mong muốn duy nhất bây giờ là mình có thể được học một nghề nào đó, sau đó về quê nếu may mắn có thể mở được cửa hàng hoặc không có thể nhận hàng về nhà để làm cũng được. Chỉ có học được nghề thì khi về quê cuộc sống của gia đình mình mới bớt vất vả đi”.

Đây chỉ là một trong số nhiều nữ công nhân từ các tỉnh lẻ về Hà Nội tìm kiếm việc làm. Hầu hết những công nhân khác đều sống trong cảnh thiếu thốn cả về vật chất và kỹ năng sống.

Không những vậy, với những người công nhân như chị Hà làm tại các công ty lắp ráp thiết bị điện tử… vì thế mà nếu rơi vào trường hợp bị cho thôi việc thì gần như họ sẽ chẳng có nghề gì trong tay để đảm bảo cuộc sống.

Chị Hà là một trong số nhưng người tham gia vào khảo sát về thị trường lao động cho phụ nữ nhập cư tại Hà Nội được thực hiện năm 2017. Phần lớn những phụ nữ tham gia khảo sát đều có chung mong muốn được học nghề để có một công việc bền vững hơn.

70% phụ nữ nhập cư lao động trong khu vực phi chính thức chưa có được hợp đồng lao động

Cụ thể, theo khảo sát về thị trường lao động cho phụ nữ nhập cư tại Hà Nội được công bố tại Hội thảo cơ hội việc làm bền vững cho nữ lao động nhập cư ngày 28/3 thì lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương thấp hơn đáng kể so với lao động qua đào tạo (4,8 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng/tháng). Thời gian làm việc  ở một số cơ sở thường kéo dài (hơn 9 giờ/ngày) và một số ngày nghỉ trong tuần ít (thường chỉ được nghỉ 1 ngày).

Lao động nữ di cư gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo tại nơi đến. Con cái của họ cũng gặp những khó khăn tương tự trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục trên địa bàn cư ngụ.

Tại buổi Hội thảo

Tại buổi Hội thảo "Thực tiễn và chính sách về việc làm bền vững cho phụ nữ nhập cư" nhiều vấn đề về việc làm cho phụ nữ đã được đưa ra.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng khoảng 70% phụ nữ nhập cư lao động trong khu vực phi chính thức chưa có được hợp đồng lao động; đại đa số nữ lao động nhập cư đang làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức và chưa được được đào tạo kỹ năng nghề. Họ chỉ có được các kỹ năng nghề nghiệp qua tích lũy kinh nghiệm thực tế làm việc.

Hầu hết nữ lao động nhập cư tham gia khảo sát không biết ngoại ngữ, thiếu kỹ năng tin học; kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp còn hạn chế.

Theo T.S Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Hiện chúng ta đã có hệ thống luật pháp, chính sách về lao động, việc làm khá toàn diện, trong đó có các quy định hỗ trợ áp dụng cho lao động di cư và lao động nữ di cư.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay vẫn là việc thực thi luật pháp, chính sách liên quan đến nhóm lao động này.

Mặt khác, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể nào dành cho nữ lao động nhập cư trong khu vực kinh tế phi chính thức vì hầu hết các luật pháp và chính sách đều hướng tới điều chỉnh đối tượng lao động làm việc ở khu vực chính thức. Vì vậy mà lao động nữ nhập cư gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội”.

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã có những đề xuất đến Bộ LĐ-TB&XH góp phần xây dựng chính sách cụ thể cho lao động nữ di cư làm việc trong khu vực phi chính thức.

Hy vọng trong tương lai không xa, những công nhân như chị Hà đã trở thành những người có tay nghề, có thể có một công việc bền vững hơn.

Ngọc Nga - Sái Trang

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính