Ông Kofi Annan vừa qua đời sáng 18/8/2018 tại một bệnh viện ở Thuỵ Sĩ ở tuổi 80...
Con đường đến giải Nobel Hoà Bình
Ông Kofi Annan sinh ngày 8/4/1938 tại Kusami, Ghana. Ông K.Annan học về kinh tế, luật và quản trị tại Kumasi, sau đó là ở Minnesota, Massachusetts (Mỹ), Geneva (Thụy Sĩ) trước khi vào làm việc tại LHQ năm 1962 với tư cách là chuyên viên quản trị và ngân sách của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ông Annan nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ châu Phi. Ông đã đảm trách nhiều công việc quốc tế (hoạt động khẩn cấp, người tị nạn...) trước khi trở thành TTKù LHQ vào ngày 1 tháng 1 năm 1997. Ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai từ ngày 1-1-2002.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Annan phải đối mặt với rất nhiều thách thức to lớn. Tuy nhiên, ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình như giải quyết hàng loạt các cuộc xung đột, nhất là ở Cộng hòa Síp, Đông Timor, Nigeria, Tây Sahara…
Trong nhiệm kỳ của ông K.Annan, cải cách LHQ được đặc biệt chú trọng. Và ông Annan đã thực hiện thành công phần nào nhiệm vụ khó khăn đó.
Ông sắp xếp lại bộ máy LHQ, loại bỏ 1.000 trong số 6.000 vị trí trong trụ sở LHQ tại New York.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi lên nhậm chức, tháng 2-1998, ông Annan thuyết phục thành công chính quyền Iraq cho phép LHQ điều tra về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhân viên thanh sát của LHQ được phép thanh sát tại các địa điểm mà họ bị từ chối trong suốt bảy năm.
Một năm sau, ông Annan đề ra chiến lược mới cho LHQ: can thiệp. Ông Annan tuyên bố LHQ phải có quyền lực vượt trên một quốc gia có chủ quyền khi cần thiết để ngăn chặn chiến tranh và thảm sát hàng loạt.
Tuy nhiên, ông Annan phản đối kế hoạch tấn công Iraq của Mỹ. Lúc đó, ông Annan khẳng định: “Quyết định tấn công Iraq sẽ là không khôn ngoan bởi nó sẽ dẫn đến leo thang bạo lực tại khu vực” - một lời nhận xét hoàn toàn chính xác cho đến thời điểm này.
Tháng 4-2000, ông Annan phát hành “Báo cáo thiên niên kỷ” kêu gọi các thành viên LHQ hành động xóa nghèo và bất bình đẳng.
Tháng 4-2001, ông Annan đề ra chính sách năm điểm “Kêu gọi hành động” ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS toàn cầu, một “ưu tiên cá nhân” của ông.
Ông Annan đã đề xuất thành lập Quỹ Y tế và AIDS toàn cầu, lấy ngân sách từ các nước giàu để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển chống lại căn bệnh thế kỷ.
Ông cũng đã thành công trong việc thuyết phục nhiều nước, đặc biệt tại châu Phi, công nhận mối đe dọa lớn lao của đại dịch HIV/AIDS.
Bản phúc trình của ông Tổng Thư ký LHQ đề nghị tái cấu trúc Ủy ban Nhân quyền LHQ và ấn định các tiêu chuẩn cho việc định nghĩa thế nào là chủ nghĩa khủng bố, và thỏa thuận về các luật lệ mới liên quan đến vấn đề khi nào thì mới cho phép sử dụng lực lượng quân sự…
Ngày 10-12-2001, ông Kofi Annan và LHQ vinh dự nhận giải thưởng Nobel Hòa bình. Ban giám khảo giải thưởng Nobel nhận định: “Con đường có thể thương lượng duy nhất đến với hòa bình và hợp tác toàn cầu là con đường của LHQ. Ông Annan đã rất xuất sắc trong việc đem lại sức sống mới cho tổ chức này”.
Sóng gió
Năm 2003, Mỹ - một trong những bên ủng hộ lớn nhất của Annan - tiến hành chiến tranh ở Iraq. Động thái này làm rạn rứt quan hệ giữa Annan và Mỹ. "Với quan điểm của chúng tôi, đây là hành động bất hợp pháp", ông tuyên bố.
Năm 2004, ông vướng vào bê bối khi con trai duy nhất của mình, Kojo, bị phát hiện nhận tiền từ một công ty được thuê để theo dõi chương trình "Đổi dầu lấy thực phẩm". Chương trình này được bắt đầu từ năm 1996 để bán lượng dầu hạn chế từ Iraq, nước hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế, nhằm đổi lấy nhu yếu phẩm nhân đạo. Kết quả cuộc điều tra cho thấy ông đã không lạm dụng quyền lực để làm lợi cho con mình, tuy nhiên, ông có sai sót trong quá trình giám sát chương trình.
Các chính trị gia Mỹ kêu gọi Annan từ chức.
Đáng chú ý, câu trả lời của ông là: Không đời nào.
Dù vậy, 18 tháng sau, Annan từ chức ở tuổi 70 vào tháng 12/2006.
Một năm sau, ông thành lập quỹ Kofi Annan, thúc đẩy sự phát triển bền vững toàn cầu, an ninh và hòa bình. Ông cũng trở thành thành viên của The Elders, nhóm các lãnh đạo toàn cầu làm việc vì vấn đề nhân quyền do Nelson Mandela sáng lập. Ông sau đó giữ chức chủ tịch của tổ chức này năm 2013.
Năm 2012, Annan được Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab bổ nhiệm làm Đại diện chung đặc biệt về vấn đề Syria khi họ tìm cách chấm dứt chiến tranh ở đây. Ông cũng liên tục bày tỏ quan điểm về các vấn đề nóng như biến đổi khí hậu.
"Tôi nhận ra rằng nghỉ hưu là công việc rất vất vả", Annan nói đùa vào dịp sinh nhật lần thứ 80 hồi tháng 4.
"Liên Hợp Quốc có thể được cải thiện, tổ chức này không hoàn hảo nhưng chúng ta cần nó... Tôi là một người lạc quan bướng bỉnh, tôi sinh ra đã lạc quan và vẫn sẽ luôn là người lạc quan", ông Anna nói.
BTV (tổng hợp)Bạn đang xem bài viết Cuộc đời kỳ lạ của Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Anna tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].