Mấy năm trời cuộc sống chỉ xoay quanh tiền và cái chết
Mẹ và ông ngoại đều bị ung thư phổi, nên căn bệnh này không phải là một cái tên xa lạ với chị Nguyễn Thị Phượng, chỉ có điều, chị chưa bao giờ nghĩ nó lại đến với mình.
Chị Phượng phát hiện bị ung thư trong một lần đưa mẹ đi điều trị ung thư phổi năm 2015. Gần một tháng sau khi xét nghiệm, bác sĩ nói mình bị u ác tính. Điều không mong muốn nhất của bệnh nhân ung thư là tái phát và di căn, nhưng thật cay đắng, điều đó lại trở thành hiện thực với chị.
Ngày biết mình mắc ung thư, chị Phượng cầm tờ giấy xét nghiệm đi lang thang giữa cái nắng của Sài Gòn.
“Khi bác sĩ nói tôi có khối u, tai tôi bắt đầu ù đi. Tôi sợ hãi. Khi xác định đó là khối u ác, nước mắt tôi rơi lã chã. Lúc bước ra cửa phòng, hai chân tôi run rẩy, tim đập nhanh, người ta hỏi gì cũng không biết, không kiểm soát được cơ thể mình. Tôi cứ đi, thẫn thờ mà cứ không biết đi đâu. Cảm giác lúc đó như tôi đã mất tất cả mọi thứ, chỉ muốn chạy về ôm các con”, chị Phượng nhớ lại.
Giữa năm 2016, chị Phượng tới Sài Gòn điều trị ung thư nhưng thuốc chị dùng không đáp ứng được bệnh. Lúc đó, bệnh của chị đã di căn lên não. Sau khi điều trị tia xạ 15 lần, chị bị liệt 2 chân, phải nằm 1 chỗ. Chị được chuyển đến Bệnh viện Dân tộc học để điều trị giảm nhẹ rồi tập đi.
Nhiều lần tập đi, chị Phượng đau đến ngất xỉu, được đưa vào phòng cấp cứu hồi sức. Vào ngày sinh nhật của mình, chị đã tự đứng dậy đi, sau không biết bao nhiêu lần ngã quỵ, bao nhiêu lần nhận được những ánh mắt ngần ngại.
“Tôi mạnh mẽ nói mình không sợ chết, nhưng sâu trong suy nghĩ, tôi sợ phát run lên được. Khi nằm 1 chỗ, 1 mình, thì nỗi sợ đó lại tăng lên. Tim tôi thắt lại, không thở được, đã có lúc tôi chỉ muốn uống thuốc tự tử để thoát khỏi cái cảnh sợ chết, đau đớn như này. Mỗi khi nghe tin một bệnh nhân ung thư vừa qua đời, tôi lại tự hỏi: Khi nào đến mình đây?”, chị Phượng tâm sự.
Có những lúc, nằm mê man trên giường bệnh nhưng đầu óc chị vẫn tỉnh táo, tai chị vẫn nghe tiếng bác sĩ, chị vẫn ý thức được mọi thứ. Chị vẫn nghe được bác sĩ nói rằng nên đưa chị về nhà, để con chị được gặp mẹ. Chị suy sụp hoàn toàn.
“Lúc đó, tôi chỉ suy nghĩ 1 điều duy nhất là về nhà thật nhanh để gặp con. Nghĩ về các con, tôi không lỡ xa. Tôi đau lòng lắm", con chính là niềm động lực mãnh liệt nhất để giúp chị sống được đến ngày hôm nay.
Chị Phượng chia sẻ, mấy năm trời cuộc sống chỉ xoay quanh tiền và cái chết. Đó là hai thứ chị sợ nhất, nói đúng hơn là chị gần như bị ám ảnh bởi chúng. Chị nói, bây giờ và sau này, hai thứ đó lại thành động lực của chị. Nhìn lại, những lần muốn dừng lại là những lần chị bế tắc vì tiền, và vì chị sợ chết, sợ đến cùng quẫn.
“Có những lúc tôi nghĩ mình như người tử tù, mong xin được xử sớm mà không được, vì họ sợ chết, sợ cảnh cái chết đừng gõ cửa rồi lại đi, đêm hôm sau lại đến gõ cửa. Tôi đã bị ám ảnh một thời gian dài cho đến khi tự mình ngẫm ra rằng mình không có lý do gì để từ bỏ cuộc sống này.
Tôi nghĩ thế này, nếu ông trời còn cho mình sống thì mình phải sống, bởi vì mình có lý do để sống chứ không phải vì mình sợ chết mà không muốn sống nữa. Tôi chọn cách đối mặt chứ không trốn tránh, chọn cách chiến đấu chứ không đầu hàng vì tôi không đơn độc trên cuộc đời này”, chị Phượng nghẹn ngào.
‘Tôi không còn nghĩ đến cái chết nữa’
Từ lúc biết mình mắc ung thư tới nay cũng đã gần 3 năm chị Phượng trải qua những gì gọi là nghiệt ngã nhất mà chị từng đi qua trong suốt hơn 30 năm cuộc đời cộng lại. Chị chiến đấu không chỉ vì mình mà còn vì mẹ và đứa con trai nhỏ.
“Nước mắt mình muốn rơi cũng không còn sức mà trôi khỏi khoé mắt nữa. Đó là lúc mình nghĩ buông xuôi, thả tự do cho cơ thể vay mượn này về với cát bụi, để không còn phải chịu đựng những mũi kim ấy thêm một giây phút nào nữa. Sau này, khi những lần nước mắt rơi, tôi không biết mình đã khóc vì đau hay vì mình biết phía sau mình còn người thân ngày ngày mong mình tiếp tục sống...
Cho đến sau này khi vượt qua cả những giây phút tưởng chừng như quá giới hạn chịu đựng, tôi nghĩ về bản thân mình nhiều hơn, nghĩ đến cái tên của mình và tự nói với mình rằng, thử nghĩ lại mà xem Phượng ơi, mày đang sống một cuộc đời đáng nhớ và rạng rỡ đó chứ”, chị Phượng tâm sự.
Căn bệnh ung thư đã cho chị Phượng một nghị lực và một giới hạn mà chị chưa từng nghĩ có thể vượt qua được nó. Cuộc sống của chị thay đổi từ sau khi biết mình mắc ung thư. Có đau đớn, sợ hãi, nhưng cuối cùng thì hạnh phúc và yêu thương luôn là thứ đồng hành cùng mình.
“Bây giờ, tôi không còn nghĩ đến cái chết nữa. Tôi là Phượng và mùa hè này mình vẫn kiên trì nở hoa!”, chị Phượng nhoẻn cười.
Tú Anh - Ảnh: SCIBạn đang xem bài viết Cuộc chiến với căn bệnh ung thư: Khi cuộc sống chỉ xoay quanh tiền và cái chết tại chuyên mục Chiến thắng Ung thư của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].