Theo ông Khánh, về nguyên tắc, khám bệnh theo y học truyền thống phải kết hợp cả 4 thao tác của tứ chẩn gồm vọng, văn, vấn, thiết. Tức là phải có khám bằng mắt, nghe, hỏi và sờ mạch của người bệnh, có như vận mới chẩn đoán và bốc thuốc chữa bệnh. Không có chuyện không làm đủ các yếu tố này mà có thể bốc thuốc cho người bệnh.
Vậy nên, tất cả các hình thức khám bệnh không bắt mạch, không nhìn, không nghe, không hỏi đang xuất hiện tràn lan trên mạng online đều không đáng tin cậy.
Theo ông Phạm Vũ Khánh, việc các nhà thuốc Đông y quảng cáo tràn lan trên mạng online vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực của nó.
Đặc biệt, các sản phẩm thuốc Đông y được bán tràn lan trên mạng, mạo danh các nhà thuốc Đông y và nói quá tác dụng của sản phẩm gây ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng các bác sĩ Đông y và gây nguy hại đến sức khỏe người dân.
Để hạn chế những nguy hại cho sức khỏe bản thân, ông Khánh khuyến nghị: Khi tìm kiếm các địa chỉ thăm khám bệnh qua mạng internet, người dân cần tìm kiếm các tên cơ sở, địa chỉ được Sở Y tế cấp phép.
Đồng thời, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền khuyến cáo, người dân cần xem xét kỹ các giấy tờ mà cơ sở khám chữa bệnh đăng tải lên mạng. Bởi với công nghệ hiện đại, họ có thể làm giả hình ảnh, giấy tờ rất dễ dàng.
Vậy nên phải xem tận mắt các giấy tờ thực tế của các cơ sở khám chữa bệnh, không nên chỉ nhìn ảnh chụp, bản scan giấy tờ.
Ngoài ra, một cách nữa để biết cơ sở khám chữa bệnh đó có uy tín hay không là tìm hiểu thông tin qua Sở Y tế. “Tôi được biết, trên website của Sở Y tế Hà Nội cũng có đầy đủ thông tin, địa chỉ các nhà thuốc Đông y được cấp phép. Do đó, người dân có thể căn cứ vào đó để đối chiếu xem các cơ sở bán thuốc mình đang định thăm khám bệnh có trong danh sách mà Sở Y tế cấp phép hay không” – ông Khánh chỉ dẫn.
Ông Khánh cho biết thêm, "Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các cơ sở tư vấn sức khỏe online đều là xấu. Việc tư vấn sức khỏe online nếu làm đúng, chuẩn chỉnh cũng rất có lợi cho người bệnh".
Đặc biệt, với những người bị bệnh nhẹ, những ngày đầu bị bệnh chưa cần đến bệnh viện thì những lời tư vấn của người có chuyên môn y khoa sẽ giúp họ hiểu đúng về bệnh, biết cách xử lý như thế nào và khi nào thì đến bệnh viện.
Nhất là trong Đông y, với những người bị bệnh nhẹ, việc tư vấn từ những người có chuyên môn sẽ rất tốt cho sức khỏe người bệnh. Ho thì người bệnh có thể dùng chanh, mật ong, quất, lá hẹ… để chữa lúc ban đầu mà không cần vội vã uống thuốc.
Điều đó được khuyến khích, "nhưng phải là những trang tư vấn hợp pháp và được thực hiện bởi những người có chuyên môn"- ông Khánh nhấn mạnh.
“Tôi có xem trên mạng xã hội và thấy nhiều người bảo nhau rằng tôi bị bệnh này và chữa theo cách này khỏi, mọi người có thể áp dụng để chữa nếu bị bệnh như tôi. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm và rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Vì với mỗi bệnh bao giờ cũng có 2 – 3 thể khác nhau, Đông y gọi là đồng bệnh nhưng dị trị, thể khác nhau sẽ chữa khác nhau.
Chưa kể bệnh của người này hôm nay như vậy nhưng 3 ngày sau đã có diễn biến khác. Vậy nên không thể dùng một đơn thuốc để chữa bệnh cho nhiều người.
Về mặt Đông y, chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc tác dụng bồi bổ sức khỏe bằng các vị thuốc thì có thể phổ cập, nhưng không thể truyền tai nhau cách chữa bệnh không cần thăm khám, bằng thuốc không rõ nguồn gốc”, ông Khánh cho biết thêm.
Sở dĩ các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động chui, không phép, có yếu tố lừa đảo phát triển được rầm rộ là do họ đánh đúng tâm lý của người bệnh, rằng uống thuốc của tôi sẽ khỏi bệnh, uống thuốc của tôi đảm bảo 1 tháng, 2 tháng là đỡ…
Trong khi đó, những người thầy thuốc chân chính không bao giờ khẳng định chữa khỏi bệnh trong một vài ngày mà không qua thăm khám. Nghề y luôn đòi hỏi rất cao về y đức, những người yêu nghề, làm nghề chân chính họ sẽ luôn nghĩ đến người bệnh, mong muốn người bệnh khỏi bệnh nên việc tuân thủ thăm khám rất bài bản.
Do đó, khi đi thăm khám bệnh, người dân cũng cần xây dựng niềm tin của mình nơi người thầy thuốc, tránh vì họ không khẳng định việc chữa khỏi bệnh mà tỏ ra nghi ngờ, bất hợp tác và lựa chọn nghe theo những lời lừa gạt hoa mỹ để rồi tiền mất tật mang.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền Phạm Vũ Khánh: 'Không thể truyền tai nhau cách chữa bệnh không cần thăm khám' tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].